Học trò lớp 5 mơ làm cho Microsoft

GD&TĐ - Từng là một học sinh hiếu động quá mức và kết quả học tập trung bình, nhưng khi “bén duyên” với giáo dục STEM, Ngô Trần Hùng Anh (sinh năm 2008) đã trở thành học sinh giỏi và em có ước mơ trở thành lập trình viên của hãng Microsoft.

Hùng Anh giành giải Nhất hạng mục "Thử thách đường đua" cuộc thi Robotacon Gò Vấp, TPHCM tháng 1/2019
Hùng Anh giành giải Nhất hạng mục "Thử thách đường đua" cuộc thi Robotacon Gò Vấp, TPHCM tháng 1/2019

Hiếu động quá mức

Tại cuộc thi Robotacon quận Gò Vấp, TPHCM diễn ra vào tháng 1/2019, Hùng Anh - học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (quận Gò Vấp, TPHCM) trở thành tâm điểm chú ý của nhiều học sinh, phụ huynh vì trước đó không lâu, em là người duy nhất giành huy chương Đồng cuộc thi sáng tạo robot quốc tế (IYRC) tổ chức vào tháng 12/2018 tại Thái Lan. Sau khi giành được huy chương quốc tế, Hùng Anh trở về sân chơi cấp quận để tham dự cuộc thi và giành huy chương Vàng ở phần thi “Thử thách đường đua”. Hùng Anh nói: “Dù ở sân chơi nào, em cũng luôn hết mình và luôn dành sự tôn trọng các đối thủ. Mặc dù vừa giành huy chương quốc tế nhưng em nghĩ mình phải cố gắng nhiều hơn để vươn đến những nấc thang mới cao hơn”.

Ít ai biết rằng, khi Hùng Anh lên 2 tuổi, em đã khiến cho cha mẹ mình lo lắng rất nhiều. Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, mẹ Hùng Anh kể, lúc đó Hùng Anh hiếu động quá mức, những đồ chơi có trên tay đều bị ném không thương tiếc. Khi đi siêu thị, Hùng Anh tò mò với tất cả các gian hàng. Lo lắng, gia đình tìm đến bác sĩ tâm lý. Chị Tiên nhận được lời khuyên là nên tìm cách để em tập trung vào một việc gì đó. Vợ chồng chị Tiên liền thuê giáo viên về để cùng chơi Lego với con một cách chuyên chú. Nhưng hiệu quả của việc này không đáng kể.

Rồi đến một ngày, Hùng Anh xem phim hoạt hình và đòi ba mẹ mua robot. Chị Tiên tìm hiểu và biết đến các chương trình dạy học sinh về robot theo mô hình giáo dục STEM. “Cháu nằng nặc đòi chơi robot nên tôi biết chắc rằng cháu phải thích và hứng thú. Chỉ cần cháu hứng thú với một lĩnh vực gì đó thì tôi thấy vui rồi” - chị Tiên kể. Vậy là Hùng Anh được đăng ký tham gia vào Vườn ươm tài năng nhí (quận Gò Vấp, TPHCM).

Hùng Anh (giữa) tại cuộc thi "Thử thách đường đua"
 Hùng Anh (giữa) tại cuộc thi "Thử thách đường đua"

Giáo dục STEM kết nối đam mê

Những ngày đầu Hùng Anh nhập học, nhiều giáo viên rất mệt mỏi vì sự hiếu động của em, thậm chí có giáo viên còn không muốn dạy. May sao có cô giáo Nguyễn Thị Thùy Minh rất kiên trì với em thông qua phương pháp sư phạm của mình.

Cô Minh kể, những ngày đầu đến lớp, Hùng Anh rất nghịch, bị thầy cô nhắc nhở vì hiếu động, học không tập trung. Thầy cô cũng rất mệt vì những câu hỏi không đâu vào đâu của em. Một lần, Hùng Anh đi ăn ở ngoài và làm mất bộ dụng cụ lắp ráp robot. Hùng Anh được ba mẹ mua một bộ lắp ráp robot mới. Từ sau lần đó em thay đổi hẳn, biết quý dụng cụ của mình và giữ rất cẩn thận, đếm từng mảnh ghép trước và sau buổi học. Thái độ học của Hùng Anh cũng thay đổi, chăm chỉ và tiến bộ hàng ngày.

Lần đầu tiên tham gia cuộc thi robot cấp quận, đội của Hùng Anh lọt vào chung kết nhưng chỉ đạt giải Khuyến khích. Không bằng lòng với kết quả đó, Hùng Anh học hành chăm chỉ hơn, nuôi ý chí cho các kỳ thi sau. Với thái độ học tập nghiêm túc, chuyên cần, chịu khó tìm tòi và đam mê, Hùng Anh đã một bước chinh phục các cuộc thi Robotacon thành phố và quốc gia với “cú đúp” Huy chương Vàng. 

 

Ước mơ mà mẹ Hùng Anh nói, đó là em muốn trở thành một kỹ sư lập trình giỏi, và phải là lập trình viên của hãng Micrsoft, đem đến cho cuộc sống những ý tưởng mới.

Theo Th.S Dương Thị Chi Mai, chuyên gia giáo dục STEM, với những học sinh đặc biệt như Hùng Anh, phương pháp giáo dục mới này sẽ mang lại cho em những trải nghiệm mới, bước ra khỏi giới hạn bản thân và thay đổi tư duy rất lớn.

“Có một nghiên cứu chỉ ra, con người chỉ sử dụng 5% não bộ, còn phần lớn còn lại không được kích hoạt để tư duy. Nhưng với giáo dục STEM, học sinh sẽ được trải nghiệm nhiều hơn với khoa học công nghệ để sử dụng não bộ nhiều hơn. Từ sự trải nghiệm khi chơi các trò chơi, các em sẽ tự đặt ra cho mình các vấn đề để xử lý trong quá trình chơi. STEM có thể khiến các em thay đổi một cách tích cực hơn mà nhiều người không thể ngờ tới” - Th.S Mai nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ