Học trái tuyến: Áp lực và giải pháp

Học trái tuyến: Áp lực và giải pháp

(GD&TĐ) - Một mùa tuyển sinh lại đến, với mong muốn cho con em mình được học tập trong một môi trường tốt là niềm mơ ước của nhiều phụ huynh. Song nếu vì mọi giá để xin được học trái tuyến sẽ tạo ra áp lực chính gia đình mình và toàn xã hội. Về việc xin học đầu năm ở cấp giáo dục Tiểu học, báo GD&ĐT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học xoay quanh những vấn đề mà dư luận đang quan tâm.

PV: Thưa ông trái tuyến trong tuyển sinh đầu cấp đặc biệt là ở cấp GD Tiểu học luôn là vấn đề nóng mà dư luận quan tâm. Với vai trò của một nhà quản lý giáo dục ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này? 

Ông Lê Tiến Thành Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT

Vụ trưởng Lê Tiến Thành: Việc phụ huynh muốn cho con em mình có một chỗ học tốt là lẽ thường, nhưng tìm mọi cách để học trái tuyến là việc không nên, vì gây ra nhiều phiền phức cho nhà trường và cho chính phụ huynh HS. Luật Giáo dục đã quy định mọi trẻ em 6 tuổi đều có một chỗ học chính thức tại địa bàn cư trú để thuận lợi cho việc đi học của trẻ. Xin học trái tuyến là “bỏ” chỗ học giành cho mình, để “xin” vào chỗ học giành cho người khác. Như vậy là tự gây phiền phức cho mình và cho mọi người. Người xin học trái tuyến có rất nhiều lý do để giải thích trong đó có lý do là điều kiện học tập tại trường trái tuyến tốt hơn (cơ sở vật chất tốt, có bán trú, tiện đưa đón, GV có năng lực chuyên môn, phương pháp sư phạm…). Trên thực tế điều kiện các trường là không thể như nhau nhưng ai cũng lo trái tuyến, ủng hộ trái tuyến sẽ gây ra sự rối loạn trong công tác quản lý và xảy ra nhiều tiêu cực. Để khắc phục tình trạng này một mặt chúng ta phải tuyên truyền để nhân dân hiểu, mặt khác các địa phương phải đầu tư để các trường học đồng đều về điều kiện phục vụ và chất lượng dạy học. 

PV: Vậy nguyên nhân chính nào dẫn đến việc các phụ huynh đua nhau chạy vào các trường điểm? Là người quản lý cao nhất ở cấp GD Tiểu học theo ông cần có những giải pháp nào để hạn chế thấp nhất vấn nạn chạy trường?

Vụ trưởng Lê Tiến Thành: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chạy trường là do phụ huynh quá lo lắng đến việc học tập của con, một phần không hiểu hết thông tin về nhà trường, một phần theo tâm lý đám đông. Thực tế ở nông thôn, miền núi không có việc “chạy trường” mà vẫn có nhiều HS giỏi. Để hạn chế mức thấp nhât vấn nạn này, thì vấn đề mà Nhà nước và các địa phương nên làm trong thời gian tới đó là tiến hành xây dựng nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều trường có chất lượng tốt để tạo sự đồng đều trong mặt bằng giáo dục chung. Có như vậy mới đảm bảo công bằng và bình đẳng về cơ hội học tập cho tất cả mọi người. 

PV: Vừa qua dư luận rất quan tâm tới sự kiện người dân xô đổ cổng trường tại Trường PTCS Thực Nghiệm để mong có một chỗ học cho con tại ngôi trường này ông suy nghĩ như thế nào về hiện tượng này? 

Vụ trưởng Lê Tiến Thành: Việc phụ huynh quan tâm và thiết tha cho con vào học tại một trường, dù đó là trường nào thì đó cũng là tín hiệu vui cho nhà trường đó. Phụ huynh muốn cho con vào học tại Trường Thực nghiệm là tin vào mô hình đang thực hiện ở đây. Trường PTCS Thực nghiệm, bên cạnh mô hình thực nghiệm nhà trường còn có khuôn viên rộng, phòng học đảm bảo, sĩ số không đông đội ngũ GV tốt. Tất cả những cái đó làm cho phụ huynh muốn cho con được vào học tại trường.

PV: Vậy mô hình thực nghiệm đã có những ưu điểm gì trong quá trình dạy học?

Vụ trưởng Lê Tiến Thành: Trường Thực nghiệm có nhiều ưu điểm như không gây áp lực cho HS, trẻ em không phải học thêm, HS tự giác, nhà trường luôn tôn trọng sự phát triển cá nhân của HS.

Trường PTCS Thực nghiệm do Viện KHGDVN quản lý, ngoài việc thực hiện chương trình GD chung, nhà trường còn là nơi thực nghiệm, nghiên cứu giáo dục, đổi mới PPDH. Trường có đội ngũ GV có chất lượng, thực hiện dân chủ hóa trong nhà trường, trường áp dụng phương pháp tổ chức, phương pháp hoạt động giáo dục, phương pháp dạy học mới: HS là trung tâm, là chủ thể của quá trình giáo dục, tự học, tự làm ra các sản phẩm GD. 

Ở trường thực nghiệm: Mục tiêu giáo dục; nội dung phạm vi; yêu cầu chuẩn về kiến thức kỹ năng; đánh giá HS về căn bản vẫn như chương trình của Bộ, có khác về cách tiếp cận, phương pháp tổ chức lớp, tổ chức các hoạt động giáo dục, hoạt động dạy học.

(ảnh minh họa: Internet)
(ảnh minh họa: Internet)

PV: Bộ GD&ĐT đã tạo điều kiện như thế nào trong việc đưa mô hình này cũng như những mô hình tiên tiến khác ra áp dụng rộng rãi tại các địa phương thưa ông?

Vụ trưởng Lê Tiến Thành: Bộ GD&ĐT luôn khuyến khích các địa phương áp dụng các mô hình tiên tiến trong dạy học. Mô hình dạy Tiếng Việt theo Công nghệ GD được triển khai ở 16 tỉnh là một minh chứng cho việc đó. Công nghệ giáo dục Tiếng Việt 1 đã được Bộ tổ chức tập huấn đến cấp tỉnh và hỗ trợ kỹ thuật đến các trường, giúp trẻ em biết đọc, biết viết nhanh hơn đó là thành công của mô hình.

Song song với đó, Bộ GD&ĐT đã triển khai một số mô hình tiên tiến khác ngoài mô hình của Trường Thực nghiệm. Thông qua các Dự án của Unicef, Oxfarm, Việt Bỉ… và phong trào xây dựng trường học thân thiện-HS tích cực của Bộ, nhiều mô hình tiên tiến đã được triển khai tại các địa phương như: Phương pháp dạy học lấy HS làm trung tâm; phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực; mô hình HS tự quản; tăng cường trò chơi dân gian, đưa văn hóa dân gian vào trong các hoạt động của nhà trường… Nhiều trường học ở Lào Cai, Trà Vinh, Kon Tum và một số tỉnh khác đã thực hiện thành công những mô hình tiên tiến này.

Một bộ phận của mô hình Trường Thực nghiệm là sử dụng CN giáo dục dạy Tiếng Việt lớp 1 cũng đã được triển khai tại các tỉnh miền núi có HS là người dân tộc thiểu số. Các tỉnh sau khi nghiên của tài liệu và PP dạy học cuả CN giáo dục thấy phù hợp với địa phương có công văn báo cáo Bộ xin được triển khai mô hình này. Thực tế Bộ GD&ĐT đã giới thiệu cho các địa phương tham quan học tập tất cả các mô hình tiên tiến chứ không chỉ riêng mô hình của Trường Thực nghiệm. Việc lựa chọn và áp dụng mô hình tiên tiến nào hoàn toàn do địa phương quyết định. Các địa phương đã cân nhắc và lựa chọn mô hình phù hợp với nhu cầu, điều kiện và khả năng của mình.

PV: Chất lượng GD hiện nay đang được phụ huynh hiểu theo các cách khác nhau. Theo ông cần phải hiểu về vấn đề này rạch ròi như thế nào?

Vụ Trưởng Lê Tiến Thành: Cần khẳng định: Chất lượng GD phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ, chất lượng và hiệu quả giáo dục. Bộ đã có tiêu chí trường chuẩn quốc gia, đã có hướng dẫn các trường thực hiện 3 công khai với xã hội về: cơ sở vật chất và đội ngũ; chất lượng giáo dục; tài chính. Nếu các nhà trường làm tốt thì xã hội, phụ huynh sẽ hiểu rõ khả năng cũng như yêu cầu của nhà trường. 

PV: Ý kiến của ông như thế nào khi có nhiều người cho rằng cần phải có nhiều mô hình để phù hợp với nhiều vùng miền và nguyện vọng khác nhau của phụ huynh, cũng như cần phải có nhiều chương trình, bộ SGK?

Vụ trưởng Lê Tiến Thành: Đó là điều mong muốn chung của tất cả chúng ta. Bộ GD&ĐT đã có chương trình giáo dục, có chuẩn chung để tất cả mọi HS phải đạt được. Đồng thời cũng để cho địa phương có kế hoạch phát triển giáo dục riêng phù hợp với khả năng và điều kiện của mình. Chất lượng giáo dục yêu cầu ở mức chuẩn chung của Bộ, còn địa phương có yêu cầu riêng phù hợp với mỗi đối tượng, mỗi vùng miền do địa phương quyết định. Mức độ phát triển giáo dục được lựa chọn phải phù hợp với đặc điểm và khả năng của mỗi vùng miền. Mặt khác Bộ cũng đã giới thiệu nhiều mô hình để các địa phương, nhà trường tùy nhu cầu, điều kiện và khả năng của mình để lựa chọn áp dụng toàn bộ hay từng phần mỗi mô hình đó. 

PV:  Bắt đầu bước vào mùa tuyển sinh mới, quay trở lại với việc xin học trái tuyến ông có chia sẻ và lời khuyên gì đối với các bậc phụ huynh ?

Vụ trưởng Lê Tiến Thành: Học sinh cần được phát triển trong điều kiện tự nhiên, cha mẹ đừng tạo sức ép lên trẻ em. Chọn trường chủ yếu là vì cha mẹ, do cha mẹ. Nhiều HS trung học phổ thông thi đỗ đại học với số điểm cao không phải em nào cũng được học ở trường điểm. Đó là thực tế mà chúng ta đều biết, mong các bậc phụ huynh hãy xem xét vấn đề này thật thấu đáo.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hồng Vân (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.