Giờ học tiếng Việt ở Trường Sao Mai (Berlin, Đức). Ảnh: TTXVN |
(GD&TĐ) - Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, việc nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt chính là góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Tuy nhiên, vấn đề này đang gặp không ít khó khăn.
Là người Việt phải biết tiếng Việt
Khi quyết định đưa cả gia đình sang Mỹ sinh sống và làm việc, một trong những điều chị Vũ Minh Hiền (hiện đang làm việc cho Ngân hàng Thế giới tại Washington DC, Mỹ) lo lắng nhất là làm sao để hai con gái của chị - Quỳnh Trang 17 tuổi và Minh Khuê 8 tuổi – không bị “mất gốc”.
Chị Hiền chia sẻ: “Một ngày, các cháu tiếp xúc, trao đổi với bạn bè, thầy cô ở trường có khi còn nhiều hơn cả thời gian trò chuyện với bố mẹ ở nhà; Nghĩa là thời gian các cháu sử dụng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt. Như vậy, nguy cơ các cháu lãng quên tiếng mẹ đẻ, nhất là với Minh Khuê, là hoàn toàn có thể xảy ra”.
Chính vì vậy, một mặt, chị Hiền luôn động viên các con cố gắng học tốt tiếng Anh, khắc phục những khác biệt về văn hóa để nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, mặt khác, gia đình chị Hiền vẫn cố gắng duy trì nề nếp sinh hoạt như khi còn ở Việt Nam.
Và một trong những nguyên tắc hàng đầu của chị là cả gia đình chỉ sử dụng tiếng Việt khi giao tiếp, trò chuyện với nhau. “Mặc dù cả chồng tôi và con gái thứ hai đều phải nỗ lực rất nhiều để luyện tiếng Anh trong thời gian đầu sang Mỹ, nhưng đã về tới nhà là phải tạm biệt tiếng Anh để nói tiếng Việt.
Ngay cả việc đệm các từ tiếng Anh vào câu nói cũng không được phép” – chị Hiền cho biết.
Trong khi đó, Thanh Phượng, phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam, hiện sống tại Paris (Pháp) cùng chồng và con trai, lại có cách riêng để con trai Armand của cô hiểu và sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ. Chồng Phượng là người Pháp nên hai vợ chồng cô trao đổi, trò chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên, khi nói với con trai, Phượng luôn sử dụng tiếng Việt. Cậu bé Armand 4 tuổi đã được tiếp xúc với song ngữ ngay từ khi mới chào đời. “Thời gian đầu, chồng tôi tỏ ra không thoải mái khi hai mẹ con nói với nhau bằng tiếng Việt vì anh không biết hai người nói gì. Nhưng một thời gian sau, chính chồng tôi lại học tiếng Việt từ… con trai” – Phượng chia sẻ.
Khó khăn khi dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài
Theo TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Dù chưa có các cuộc điều tra hay thống kê đầy đủ, nhưng nhìn tổng thể, nhiều cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã và đang cố gắng duy trì việc dạy và học tiếng Việt cho con em mình.
Tuy nhiên, do định cư lâu (hoặc khá lâu), các thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư… ra đời tại quốc gia bản địa đã đứng trước một sự lựa chọn: Có nên học tiếng Việt không và học như thế nào?
Bởi con em người Việt ở đó phải hòa đồng với nước sở tại về mọi mặt, trong đó có việc học hành, làm việc. Nếu không nói, không học, không giỏi tiếng sở tại thì dễ dàng bị tụt hậu và tự đào thải mình.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn như: Môi trường dạy và học tiếng Việt chưa thuận lợi.
Trong gia đình, cha mẹ thiếu quan tâm duy trì việc sử dụng tiếng Việt; Ngoài xã hội, tiếng Việt chưa được xem là một trong những ngôn ngữ thứ hai mà học sinh có quyền lựa chọn, do đó không tạo ra động lực học tập cho học sinh.
Bên cạnh đó, các tài liệu được sử dụng để dạy và học tiếng Việt nhìn chung không đảm bảo yêu cầu. Các cơ sở dạy tiếng Việt hầu hết đều ở tình trạng không có tài liệu dạy tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ thứ hai.
Mặt khác, việc tổ chức các lớp học tiếng Việt chưa tương xứng với nhu cầu và số lượng của người Việt Nam ở nước ngoài. Việc duy trì dạy học tiếng Việt nhìn chung hết sức khó khăn do hầu hết các cộng đồng người Việt tự mày mò, gom góp mở trường, lớp, tìm người dạy.
Gia đình là cái nôi học tiếng Việt tốt nhất
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, từ kết quả thu thập được khi khảo sát việc triển khai thí điểm hai chương trình và hai bộ sách mới “Tiếng Việt vui” (dành cho thanh thiếu niên) và “Quê Việt” (dành cho người lớn), có thể thấy rằng để nâng cao hiệu quả việc dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, cần hỗ trợ, tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt.
Thêm vào đó, tài liệu dạy học cần sinh động, hấp dẫn, gắn với đời sống thực tiễn hơn, cũng như có thêm phần giải thích bằng phương ngữ hoặc thêm bảng tra cứu phương ngữ giữa tiếng Hà Nội và Sài Gòn để thuận lợi cho cả người học và người dạy.
Bên cạnh đó, nên có hướng dẫn cụ thể về việc đánh giá kết quả học tiếng Việt theo chương trình tài liệu dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là có những nghiên cứu về hình thức thi và cấp chứng chỉ tiếng Việt cho phù hợp với nguyện vọng rất đa dạng của người học và có thể sử dụng được chứng chỉ trong công việc.
Đặc biệt, cần tạo điều kiện để có thể đa dạng hóa hình thức dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài (dạy trên sóng phát thanh, truyền hình, băng đĩa, Internet…).
Ý kiến mà ông Ngô Tiến Điệp – Một nhà báo tự do, người đã sống và làm việc hơn 20 năm ở Liên bang Nga - đưa ra cũng rất đáng suy nghĩ: Để trẻ em học được tiếng Việt thì điều quan trọng nhất phụ thuộc hoàn toàn vào các bậc phụ huynh.
Cha mẹ cần phải kiên trì và dành nhiều tâm huyết. Hãy tạo môi trường sinh hoạt, không gian văn hóa Việt nhiều hơn; Sắp xếp thời gian để mỗi ngày những đứa trẻ có thể được ăn một bữa cơm cùng gia đình với những món ăn thuần Việt; Tạo điều kiện cho trẻ hiểu thêm về các nét đẹp văn hóa của người Việt...
Việc dạy tiếng Việt cho trẻ trong bữa ăn, trong sinh hoạt là điều dễ dàng nhất; Mỗi món ăn, mỗi thứ gia vị, mỗi dụng cụ sinh hoạt và mỗi câu chuyện thân mật của gia đình đều dễ dàng thẩm thấu vào tâm hồn trẻ hơn với việc dạy tiếng Việt theo những giáo trình khô khan. (Ông Ngô Tiến Điệp - Việt kiều tại Liên bang Nga) |
Chu Minh