(GD&TĐ) - Ngày 24/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu hùng hồn tại phiên họp lần thứ 68 của Đại hội đồng LHQ. Không ngoài dự đoán của các nhà phân tích, câu chuyện Syria đã phả hơi nóng lên diễn đàn của tổ chức quốc tế lớn nhất này.
Tổng thống Mỹ kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết “mạnh mẽ” đối với Syria, cho phép trừng phạt Damascus nếu họ thất hứa trong việc chuyển giao vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế. Chưa hết, Barack Obama còn nói về chương trình hạt nhân của Iran, về cái gọi là “đặc quyền” của Mỹ đối với thế giới còn lại…
Những luận điểm ấy đang manh nha hình thành cái gọi là “học thuyết Obama”.
Hội nghị lần thứ 68 của Đại hội đồng LHQ đã chính thức khai mạc vào tối 24/9 tại New York với sự tham gia của hơn 130 nguyên thủ và khoảng 60 Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên. Trong khi lãnh đạo các nước khác có thể đến, có thể không, nhưng với Tổng thống Mỹ (không quan trọng rằng LHQ yêu hay ghét) sự hiện diện của họ đều như… vắt chanh. Giới phân tích đặt câu hỏi: Có phải vì Mỹ tự coi mình là “người cầm lái vĩ đại” của thế giới hay vì trụ sở LHQ đặt trên đất Mỹ?
Barack Obama, tất nhiên cũng không phải là ngoại lệ.
“Can thiệp nhân đạo”
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại phiên họp 68 Đại hội đồng LHQ |
Trong bài phát biểu của mình, Barack Obama tuyên bố rõ ràng những gì Washington muốn đạt được ở Syria, những gì Washington muốn và có thể làm ở Trung Đông và cuối cùng là trên phạm vi toàn thế giới. Logic và triết lý của 3 trường hợp trên chỉ có một - học thuyết Obama.
Điều hết sức thú vị là ngay ở phần đầu bài phát biểu, Barack Obama đã khen LHQ rằng chưa bao giờ tổ chức này có những lời kêu gọi như bây giờ?! Cụ thể: LHQ được sinh ra để ngăn chặn và giải quyết những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia và bây giờ là ngăn chặn các cuộc nội chiến của mỗi quốc gia, nghĩa là can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi quốc gia. Trên diễn đàn LHQ, Barack Obama nói: Nếu bạo lực chống lại dân thường ở một đất nước vượt qua giới hạn, trong những thời điểm như vậy, cộng đồng quốc tế phải thừa nhận rằng có thể phải sử dụng lực lượng quân sự đa phương để ngăn chặn điều tồi tệ nhất.
Cái cụm từ “đa phương” được Obama nhắc đi nhắc lại, tuy nhiên, ông không ép buộc mà thuyết phục LHQ chấp nhận quan điểm của mình.
Có nói gì đi chăng nữa thì tại diễn đàn LHQ lần này, Barack Obama đã cống hiến cho nhân loại một khái niệm mới - can thiệp nhân đạo. Nếu dịch sang tiếng Việt có thể hiểu là can thiệp để bảo vệ con người.
Trở lại những năm 1990, khi Mỹ tấn công Nam Tư, đảng Dân chủ mà đại diện lúc đó là Bill Clinton và Madeleine Albright cũng đã từng nhắc đến khái niệm này. Tuy nhiên, lúc đó khái niệm can thiệp dưới bất cứ hình thức nào đều được hiểu là vi phạm luật pháp quốc tế. Thực ra, học thuyết “can thiệp nhân đạo” sẽ là rất tốt nếu mặt trái của nó không bị bóc mẽ: Vào thời điểm ra đời của nó, tại sao toàn những nước mà Mỹ không thích lại được hưởng “can thiệp nhân đạo”? Rõ ràng, “can thiệp nhân đạo” được đưa ra làm bình phong cho các hoạt động xâm lược, lật đổ đối với những nước, những chế độ thù địch.
Mỹ có “đặc quyền”?
Như câu trả lời cho bài viết của V.Putin đăng trên The New York Times, tại phiên họp Đại hội đồng LHQ lần này, Barack Obama khẳng định: Mỹ sẽ sử dụng tất cả các công cụ, bao gồm cả lực lượng quân sự để bảo vệ lợi ích của mình và để “làm cho thế giới tốt hơn”. Barack Obama cũng chế nhạo các giả thuyết của Nga cho rằng, không có chuyện Bashar Assad sử dụng vũ khí hoá học.
Trên blog của tạp chí “Chính sách đối ngoại” (Mỹ), Uri Friedman bình luận: “Ông (Obama) không gửi thông điệp trực tiếp đến V.Putin, nhưng có vẻ gần như là gửi”. Hứa hẹn rằng Mỹ không ngừng nỗ lực ủng hộ “mùa xuân Ả Rập” ở Trung Đông, Barack Obama nói: “Tôi cho rằng, Mỹ nên tiếp tục tham gia vì lợi ích an ninh của mình, nhưng tôi cũng cho rằng, những nỗ lực ấy sẽ làm cho thế giới tốt hơn.
Một số người có thể không đồng ý với điều này, nhưng tôi tin rằng Mỹ là một trường hợp ngoại lệ...”. “Một số người” mà Barack Obama nói đến tất nhiên có V.Putin - người đã đả phá quan điểm “đặc quyền” của Mỹ.
Theo các nhà phân tích thì chính Barack Obama từng bị chỉ trích vì “chưa đủ niềm tin” vào “đặc quyền” của Mỹ. Còn nhớ vào năm 2007, khi còn là ứng cử viên Tổng thống, trả lời phỏng vấn báo giới Barack Obama khẳng định: “Đặc quyền” của Mỹ cần phải dựa trên hiến pháp và nguyên tắc của Mỹ chứ không phải “sức mạnh quân sự và sự thống trị về kinh tế”. Giờ đây, Barack Obama củng cố quan điểm “đặc quyền” của Mỹ bằng tuyên bố sử dụng quân sự đa phương như ở Syria chẳng hạn. Theo các nhà phân tích thì đây là “bước tiến mới” trong hệ tư tưởng “đặc quyền cho người Mỹ” của Barack Obama. đặc quyền ấy là gì, nếu không phải muốn đánh ai là đánh?
Còn nhớ vào năm 2011, nếu Mỹ và liên quân không tấn công Lybia, hoặc xa hơn nữa là Iraq thì có lẽ giờ đây cuộc sống của những người dân ở hai nước này có lẽ tốt hơn. Hơn 10 năm trôi qua kể từ khi Saddam Hussein bị lật đổ, Iraq vẫn chìm trong bạo lực. Số phận của Lybia chắc cũng khó thoát khỏi “vết xe đổ” của Iraq. Tất cả, tất cả đều do cái gọi là “đặc quyền” của Mỹ gây ra.
Sự ra đời của LHQ như một tổ chức hùng mạnh có khả năng ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh. Đáng buồn thay, đa số các cuộc chiến tranh lại được phát động bởi các nước đang “cầm cân nảy mực” tại Hội đồng Bảo an LHQ.
Anh Phương