Học sinh vùng lũ yên tâm tới lớp

Học sinh vùng lũ yên tâm tới lớp

(GD&TĐ) - Năm nay mực nước lũ ở ĐBSCL khá cao, nhiều nơi đang tập trung lực lượng gia cố đê điều, bảo vệ ruộng đồng và bảo đảm an toàn cho người dân. Một số địa phương đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn, nhiều nơi tổ chức đưa rước HS vùng lũ lên lớp. Đến thời điểm này, mực nước lũ nhiều nơi ở mức cao và đang có dấu hiệu rút xuống, công tác bảo an toàn cho HS tiếp tục được duy trì

Đảm bảo an toàn khi lũ dâng cao

 Mực nước lũ tại các tỉnh đầu nguồn ở ĐBSCL đang ở mức cao, đặc biệt là ở tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Trong những ngày qua, mực nước lũ lên nhanh kết hợp với thời tiết mưa nhiều làm cho tình hình lũ diễn biến phức tạp.

Nước lũ còn làm vỡ và sạt lở các tuyến đê bao xung yếu của các địa phương. Mới đây nước lũ dâng cao đã làm lở đê ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Trước đó ở xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn (An Giang) cũng xảy ra vỡ đê đoạn dài khoảng 30m, nhấn chìm 550 ha lúa thu đông…

Hiện tại các địa phương đang tích cực gia cố đê bao, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động bảo vệ sản xuất và đời sống khi có sự cố xảy ra.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, các địa phương chỉ đạo đặc biệt quan tâm đến an toàn cho HS trong vùng lũ. Một số nơi đã cho HS vùng lũ, HS vùng sâu vùng xa bị nước lũ chia cắt được nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Như tỉnh Đồng Tháp vào ngày ngày 15/10/2013, UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị, thành phố cho HS nghỉ học do ảnh hưởng của nước lũ. Trong đó nhiều nơi đường đến trường của HS bị ngập sâu, đặc biệt là khuôn viên, sân trường của một số trường và điểm trường ở thị xã Hồng Ngự, huyện Tân Hồng, huyện Tháp Mười cũng bị ngập nước... Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị, thành phố đã căn cứ tình hình thực tế tại địa phương thông báo lịch nghỉ cụ thể đến các trường và có kế hoạch tổ chức dạy bù đảm bảo chương trình, tiến độ năm học. 

Theo ông Lê Văn Trung, Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết: “Vừa qua Trường TH Bình Thạnh và một số điểm lẻ các trường mẫu giáo phải nghỉ học tránh lũ. Thời gian nghỉ nhiều nhất là 2,5 tuần, hiện nay tất cả HS đã đi học lại. Trước tình hình này, địa phương có kế hoạch dạy bù cho HS nghỉ học tránh lũ và triển khai vào các ngày thứ 7. Theo kế hoạch thì kết thúc học kỳ 1 việc dạy bù sẽ hoàn thành và đảm bảo theo kịp chương trình...”. 

Tại tỉnh An Giang mực nước lũ cũng dâng lên khá cao, tuy nhiên một số nơi ở huyện đầu nguồn đã có đê bao nên tình hình nước lũ không ảnh hưởng nhiều. Tại huyện An Phú trong suốt thời gian lũ HS đi học bình thường, các em được cấp áo phao và đảm bảo an toàn khi đến trường. Ông Thái Kim Khải, Phó Phòng GD&ĐT huyện An Phú cho biết: “HS ở huyện không phải nghỉ học chạy lũ, các em vẫn học bình thường trong suốt thời gian qua. Nhà trường, địa phương luôn quan tâm đến vấn đề an toàn nên HS được trang bị áo phao và đi phương tiện an toàn. Vì vậy các em HS yên tâm đến trường dù mực nước lũ dâng cao… Hiện tại mực nước lũ ở địa bàn đang có dấu hiệu giảm xuống, tuy nhiên vấn đề đảm bảo an toàn cho HS luôn được đặt lên hàng đầu…”.

Dù nước lũ dâng cao nhưng các em HS yên tâm vì được đưa rước đến trường
Dù nước lũ dâng cao nhưng các em HS yên tâm vì được đưa rước đến trường

Chung tay chăm lo HS vùng lũ 

Trong khi nước lũ lên cao thì các địa phương hết sức quan tâm đến vấn đề an toàn cho HS. Ở tỉnh An Giang và Đồng Tháp, có nhiều hoạt động như tổ chức đưa rước HS đến trường, cấp phát áo phao cho HS, cho chủ đò cam kết đảm bảo an toàn…

Tại huyện Châu Phú (An Giang) nước lũ cũng đã làm sạt lở các tuyến đê bao, theo dự báo mực nước lũ tiếp tục lên cao và vượt đỉnh lũ năm 2012. Hiện nay huyện đã triển khai 7 điểm giữ trẻ với 192 trẻ tập trung ở các xã Ô Long Vĩ, Bình Phú, Bình Long, Mỹ Phú. Huyện cũng đã tổ chức đưa rước 72 em HS tiểu học ở xã bị nước ngập sâu như Bình Thủy và Đào Hữu Cảnh.

Do công tác bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ được chú trọng nên HS và phụ huynh rất yên tâm đến trường, thầy cô giáo cũng yên tâm đứng lớp. Những điểm trường ở vùng lũ không bị ngập nước vẫn duy trì dạy học, thầy cô giáo và phụ huynh luôn sát cánh để đảm bảo an toàn cho con em.

Ông Lê Văn Trung, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết: Để đảm bảo an toàn cho HS vùng lũ xã An Bình B, Tân Hội, Bình Thạnh đã có khoảng 1.000 chiếc áo phao được cấp phát cho các em. Ngoài ra các địa phương cũng hỗ trợ áo phao cho các HS.

Trong thời gian nước dâng cao thì nhà trường thông báo cho phụ huynh đưa con đến trường, không để các em tự đi học. Khi đưa đến trường sẽ giao con mình đến tận tay GV chủ nhiệm. GV chủ nhiệm lớp nào sẽ quản lý lớp đó, kể cả giờ ra chơi và đến lúc HS ra về thì GV chủ nghiệm giao HS đến tận tay phụ huynh...

Nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức phương tiện đưa rước HS vùng lũ đến trường. Nhờ sự kết hợp của nhà trường, chính quyền địa phương và người dân nên HS đến trường bằng xuồng hoặc đò miễn phí. Tại xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, nhiều tuyến đường ngập sâu nên việc đi học của HS rất khó khăn.

Để giải quyết khó khăn, Đoàn thanh niên xã cùng người dân địa phương huy động 5 chiếc phà để đưa rước HS, nhờ đó mà 100 em HS đến trường thuận tiện và an toàn. Ngoài ra những cán bộ, GV cũng được đưa rước miễn phí… Mỗi chiếc phà được UBND xã Phương Thịnh hỗ trợ từ 10 - 20 chiếc áo phao để các em HS mặc đảm bảo an toàn.  

Tại xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) trong những ngày nước dâng cao HS vùng sâu thuộc cụm dân cư Giồng Duối rất vui mừng vì được đưa rước đến trường. Cụm dân cư này nằm ở vùng biệt lập và bị nước lũ chia cắt nên đi lại hoàn toàn phụ thuộc bằng xuồng ghe. Nhằm tạo điều kiện cho HS đến trường, Hội Chữ thập đỏ xã đã tổ chức đưa rước HS miễn phí.

Nhờ đó mà hàng trăm em HS bậc THCS và THPT không còn lo cảnh vất vả đến trường. Em Trần Thanh Thúy, HS lớp 9 Trường THCS Thường Thới Hậu A cho biết: “Nhà em trong cụm dân cư Giồng Duối, nước dâng cao nên đường đi bị ngập sâu không thể đi được. Em phải ra tận trung tâm xã để học, nhờ có chiếc phà đưa rước của Hội Chữ thập đỏ nên em đã yên tâm, suốt mùa nước lũ này em không nghỉ học ngày nào…”.  

Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ