Học sinh ngày càng chủ động hơn trong việc chọn nghề

Học sinh ngày càng chủ động hơn trong việc chọn nghề
(GD&TĐ)- Ngày 9/3, tại huyện Thường Tín (Hà Nội) Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.Hà Nội kết hợp cùng với một số trường Đại học trên địa bàn tổ chức Chương trình tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho Thanh niên-Học sinh khối THPT.
Chương trình tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp là một trong những hoạt động trọng tâm của Thành đoàn Hà Nội trong tháng 3- 4/2011 triển khai tại các huyện ngoại thành Hà Nội như Mỹ Đức, Ba Vì, Thạch Thất, Thường Tín.
Chương trình tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trường THPT Nguyễn Trãi do Thành đoàn Hà Nội tổ chức chiều 9/4. Ảnh, gdtd.vn
 Chương trình tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trường THPT Nguyễn Trãi do Thành đoàn Hà Nội tổ chức chiều 9/4. Ảnh, gdtd.vn
Phó Ban Thanh niên trường học-Thành đoàn Hà Nội, anh Phạm Văn Công cho biết: trong các buổi tư vấn tuyển sinh, Thành đoàn Hà Nội đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, việc làm tham gia tư vấn cho Thanh niên-Học sinh THPT (cả 3 khối 10, 11 và 12) về các ngành nghề đang được đào tạo trong hệ thống GD-ĐT hiện nay và phương pháp chọn ngành nghề phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình. Nhằm mục đích giúp các em định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu cấp học.
Bên cạnh đó là cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực, của thị trường lao động hiện nay và trong tương lai; tư vấn cách làm hồ sơ tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ, TCCN và dạy nghề; hướng dẫn cho các em về cách học, thi, cách rèn luyện trí nhớ, và những kĩ năng cần thiết tự chăm sóc sức khỏe bản thân trong mùa thi...
Trong đợt tư vấn lần này, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho trên 1.340 HS của trường THPT Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín. 
Tại buổi tư vấn, các băn khoăn, thắc mắc của học sinh ở đây tập trung vào xu hướng nghề nghiệp trong tương lai gần tại Việt Nam, vấn đề du học và tuyển du học sinh học tập ở nước ngoài theo cơ chế tự đi du học và nhà nước cử đi cũng như học bổng, các trường học danh tiếng; vì sao ngày càng ít HS chọn thi vào các ngành sư phạm...
Chủ động chọn nghề bằng niềm ước mơ, niềm đam mê
Các em HS trường THPT Nguyễn Trãi đang tìm kiếm thông tin của một số trường ĐH cùng tham gia buổi tư vấn tuyển sinh. Ảnh, gdtd.vn
 Các em HS trường THPT Nguyễn Trãi đang tìm kiếm thông tin của một số trường ĐH cùng tham gia buổi tư vấn tuyển sinh. Ảnh, gdtd.vn
Khi được hỏi đã chọn ngành nào để làm hồ sơ tuyển sinh, bạn Phạm Thị Hiền- 12A9 cho biết: em chọn ngành y vì em thích ngành này và muốn trở thành bác sĩ. Hiền cho biết, học lực của em tuy chỉ xếp loại khá, nhất là môn sinh học nhưng em học chắc, căn bản nên em tự tin chọn thi khối B để thi các ngành y, dược.  
Ngay từ khi đang học lớp 11, bạn Kiều Thu Hà- HS lớp 11D2 cho biết em sẽ chọn nghề múa và trong năm tới sẽ làm hồ sơ dự thi vào các trường có ngành này. Em cho biết: dù chưa có nhiều thông tin về hoạt động khi tốt nghiệp ra trường nhưng em vẫn chọn học ngành này vì em thích. Lý do rất đơn giản là ngay khi đang học em đã thích tham gia các tiết mục ca múa hát trong các  hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhà trường và em tìm thấy niềm vui khi được múa.
Cùng sở thích, bạn Trần Đức Thịnh- HS lớp 10A5 chọn nghề diễn xuất. Thịnh cho biết: em tự tin vào khả năng diễn xuất của mình và trong tương lai, em muốn trở thành diễn viên. Do vậy cho dù đang học lớp 10 nhưng em đã quyết tâm sẽ chọn nghề diễn xuất. 
Thịnh cho biết thêm, bên cạnh sở thích nghề nghiệp của em, Thịnh còn có anh trai cũng đang học tại một trường nghệ thuật. Thịnh đã được anh mình hướng nghiệp về các ngành nghề và khuyên em nên theo nghề diễn xuất nếu có ước mơ và sở thích.
Được người thân định hướng và tự chọn nghề theo lực học bản thân
Các em học sinh đầu cấp cũng đặc biệt quan tâm đến các thông tin mà các chuyên gia tư vấn tâm lý, việc làm tại buổi tư vấn. Ảnh, gdtd.vn
Các em học sinh đầu cấp cũng đặc biệt quan tâm đến các thông tin mà các chuyên gia tư vấn tâm lý, việc làm tại buổi tư vấn. Ảnh, gdtd.vn 
Lê Văn Chí lớp 12D9 đã chọn ngành Công nghệ thông tin để làm hồ sơ dự thi. Chí cho biết, anh trai mình vừa tốt nghiệp chuyên ngành này tại trường Đại học bách khoa Hà Nội và hiện nay anh đã có việc làm tại một công ty chuyên về tin học và quản trị mạng tại Hà Nội. Anh của Chí đã khuyên em nên chọn ngành này vì nhu cầu nhân lực ngành này của xã hội đang rất lớn nên khi tốt nghiệp ra trường có thể dễ dàng kiếm được việc làm ngay. "bản thân em cũng thích trở thành một kĩ sư phần mềm vì em thích máy tính hơn tất cả" Chí chia sẻ.
Không có ước mơ trở thành kỹ sư, bác sĩ, mong ước của bạn Nguyễn Văn Dũng (cùng lớp 12D9 với Chí) chỉ đơn giản là trở thành thợ sửa chữa ô tô. Dũng cho biết: em sẽ không làm hồ sơ dự thi lần này, sau kì thi tốt nghiệp THPT em sẽ đi học nghề ở ngoài. Em chia sẻ, lực học của em chỉ ở mức trung bình nên em chọn hướng nghề này là phù hợp. Nhà em có người thân mở xưởng sửa chữa ô tô nên em sẽ vào đó học việc. 
Để học sinh ngày càng chủ động định hướng nghề nghiệp hơn 
Học sinh chia sẻ những điều còn băn khoăn trong việc chọn nghề. Ảnh, gdtd.vn
 Học sinh chia sẻ những điều còn băn khoăn trong việc chọn nghề. Ảnh, gdtd.vn
Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi, nhà giáo Nguyễn Thị Hà Thanh cho biết: trong việc định hướng nghề nghiệp, chọn ngành chọn trường để thi, học sinh hiện nay chủ động hơn trước rất nhiều. Ngoài ước mơ, niềm đam mê của các em còn có sự định hướng của cha mẹ, anh chị em và người thân khác có ảnh hưởng lớn đối với các em. 
Bên cạnh đó, các em bây giờ tiếp cận thông tin về các ngành, nghề rất nhanh qua internet. Việc tham khảo các trường, các ngành đào tạo của các em hiện nay qua internet chiếm tỉ lệ rất lớn, cô Thanh chia sẻ.
Ngoài ra, nhà trường còn có Ban tư vấn nghề nghiệp giúp các em định hướng ngành nghề ngay từ đầu cấp học. Trong các buổi giao ban chuyên môn, nhà trường đã giao cho các giáo viên chủ nhiệm các lớp quan tâm theo dõi, phát hiện năng lực học tập của từng học sinh để giúp các em định hướng ngành nghề phù hợp với khả năng của từng em.
Giáo viên các bộ môn sẽ là những người trực tiếp thăm nắm năng lực học tập của từng học sinh trong môn học của mình. Giáo viên chủ nhiệm sẽ tiếp nhận các thông tin này qua giáo viên bộ môn; đồng thời thông qua hoạt động của phụ huynh học sinh, tiếp xúc với hoàn cảnh gia đình từng học sinh để nắm rõ hoàn cảnh kinh tế của từng em nhằm tư vấn cho từng em ngành học phù hợp.
Đây là lần thứ 2 nhà trường tổ chức buổi tư vấn tuyển sinh-định hướng nghề nghiệp tập trung như thế này. Qua đó để củng cố niềm tin cho các em vào nghề nghiệp đã chọn để có thêm động lực phấn đấu vươn lên trong học tập và sinh hoạt đời thường, cô Thanh khẳng định.
Chuyên gia tư vấn tâm lý, việc làm đang giải đáp những băn khoăn thắc mắc của HS tại buổi tư vấn. Ảnh, gdtd.vn
Chuyên gia tư vấn tâm lý, việc làm đang giải đáp những băn khoăn thắc mắc của HS tại buổi tư vấn. Ảnh, gdtd.vn
Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ