Học sinh miền Nam trên đất Bắc: Từ nghĩa tình lịch sử thành tượng đài nghệ thuật mai sau

Học sinh miền Nam trên đất Bắc: Từ nghĩa tình lịch sử thành tượng đài nghệ thuật mai sau

Truyền thống học sinh miền Nam trên đất Bắc ân nghĩa, tài hoa

Với mong muốn tái hiện lại tình cảm ruột thịt đồng bào hậu phương miền Bắc nói chung, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa nói riêng với cán bộ, chiến sỹ, con em đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, Ban liên lạc học sinh miền Nam (HSMN) trên đất Bắc đã tổ chức buổi họp thảo luận, lấy ý kiến việc xây dựng công trình tượng đài ý nghĩa này. Cuộc họp dưới sự chủ trì của Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn – Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Công an.

Tháng 5/1949, Bác Hồ đã chỉ thị thành lập các trường thiếu sinh quân Việt Nam, đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng từ tuổi niên thiếu, nơi rất nhiều tướng lĩnh, cán bộ các ngành sau này đã trưởng thành. Các thế hệ thiếu sinh quân Việt Nam đã xây dựng truyền thống quý báu, tình cảm cách mạng sâu sắc, đóng góp vào các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, xây dựng đất nước.

Đây là những "hạt giống đỏ" của miền Nam được đào tạo, bồi dưỡng nhằm phục vụ cho sự nghiệp của đất nước sau này. Từ năm 1954 – 1975, có hơn 32.000 học sinh đã học tập trong hệ thống hàng chục trường miền Nam nội trú trên nhiều tỉnh, thành miền Bắc.

Nhiều thế hệ HSMN vừa học xong lớp 10 đã tình nguyện xông pha chiến trường, nhiều người đã anh dũng hy sinh ở lứa tuổi thanh xuân. Sự cống hiến đó đã làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang HSMN tuyệt đối trung thành, ân nghĩa, tài hoa.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ HSMN đi trước, HSMN lớp sau đã không ngừng phấn đấu rèn luyện được Đảng tin yêu, được nhân dân tín nhiệm. Hàng chục đồng chí nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữ cương vị chủ chốt của các bộ ban ngành ở Trung ương, nhiều đồng chí là thành viên Chính phủ, lãnh đạo tỉnh và thành phố, nhiều nhà khoa học, nhiều văn nghệ sĩ, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng.

Trong công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng tinh nhuệ, hiện đại, các học sinh trường miền Nam cũng có những đóng góp quan trọng. Nhiều người trở thành tướng lĩnh tài năng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như: Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an; Thượng tướng Trương Quang Khánh; Trung tướng Bùi Quang Bền; Thiếu tướng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Tôn Thất...

Xây dựng công trình tái hiện lịch sử

Tại buổi họp Ban liên lạc HSMN trên đất Bắc về việc xây dựng tượng đài "Thanh Hóa đón những chuyến tầu đưa cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc 1954", thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn cho biết: "Ban liên lạc HSMN trên đất Bắc tổ chức họp bàn để thống nhất với mong muốn xây dựng tượng đài nhằm ghi nhớ sự kiện ý nghĩa mở đầu cho giai đoạn lịch sử 1954-1975 đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giành độc lập thống nhất đất nước. Đây cũng là một mốc son chói lọi về sự lãnh đạo, quyết đoán tài tình của Đảng, Bác Hồ trong việc chuẩn bị, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt cho cách mạng miền Nam giành thắng lợi hoàn toàn. Sự kiện này là minh chứng hùng hồn cho tình cảm ruột thịt của đồng bào hậu phương miền Bắc nói chung, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa nói riêng với cán bộ, chiến sỹ, con em đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc".

Học sinh miền Nam trên đất Bắc: Từ nghĩa tình lịch sử thành tượng đài nghệ thuật mai sau ảnh 1
Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn chủ trì cuộc họp Ban Liên lạc HSMN trên đất Bắc.

Mục đích xây dựng tượng đài cũng nhằm làm sáng tỏ thêm ý nghĩa việc đưa cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam ra Bắc là một cuộc chuyển quân chiến lược toàn diện của các mạng Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, tạo tiền đề ban đầu để hình thành nên nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ kiên trung với sự nghiệp cách mạng của Đảng, có những cống hiến quan trọng, góp phần không nhỏ quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975) và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau.

Hơn nữa, công trình với mong muốn tái hiện lại sự giúp đỡ chí tình, hiệu quả của bạn bè quốc tế, các nước XHCN như Liên Xô, Ba Lan,…khi đưa các thủy thủ cùng với những con tàu trọng tải lớn sang giúp Việt Nam đưa hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, con em đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.

Trong bố cục tổng thể của tượng đài, hình dáng con tàu biển lấy nguyên mẫu từ con tầu rất đặc biệt Kilinski của Ba Lan. Đây là con tầu có nhiều kỷ niệm đưa đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Phạm Hùng ra Bắc.

Học sinh miền Nam trên đất Bắc: Từ nghĩa tình lịch sử thành tượng đài nghệ thuật mai sau ảnh 2
Anh hùng lao động Huỳnh Văn Thòn – Trưởng ban liên lạc HSMN toàn quốc nói về ý tưởng dự kiến xây dựng tượng đài.

Anh hùng lao động Huỳnh Văn Thòn – Trưởng ban liên lạc HSMN toàn quốc cho biết: "Tượng đài này sẽ là điểm nhấn quan trọng tại phân khu A trong quần thể di tích lịch sử, văn hóa, du lịch thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là công trình mà tỉnh ủy Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa lựa chọn, quyết định xây dựng, góp phần giới thiệu với đồng bào chiến sỹ trong nước và bè bạn quốc tế về truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa qua các thời kỳ. 

Đồng thời cũng là thể hiện nguyện vọng tha thiết tình cảm biết ơn sâu sắc của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, con em đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc đối với đồng bào miền Bắc, trong đó có nhân dân tỉnh Thanh Hóa".

Trình bày về ý tưởng xây dựng công trình, Điêu khắc gia Phan Thị Gia Hương cho biết: "Bố cục của tượng đài là hình ảnh con tầu. Hình ảnh này được xây dựng dựa trên tham khảo hình dáng các con tầu khác của Liên Xô cùng chuyên chở cán bộ, chiến sỹ, con em miền Nam tập kết ra Bắc được nhân dân Thanh Hóa đón tiếp chu đáo.

Dự kiến bên trong lòng của tượng đài sẽ xây dựng thành không gian trưng bày là một bảo tàng về hình ảnh, mô hình thu nhỏ về các con tàu của Ba Lan, Liên Xô,…đã tham gia đưa cán bộ, chiến sỹ, học sinh, miền Nam tập kết có thành tích xuất sắc, tiêu biểu,…hình ảnh về các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, hình ảnh các thầy cô, hình ảnh giới thiệu về những điểm xuất phát lên đường tập kết ra Bắc như Cà Mau, Cao Lãnh (Đồng Tháp), Vũng Tàu, Quy Nhơn (Bình Định)".

Buổi họp Ban liên lạc HSMN còn có đại diện lãnh đạo UBND TP Sầm Sơn – nơi dự kiến xây dựng công trình. Ông Lương Tất Thắng – Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết: "Có thể nơi đây sẽ trở thành một bảo tàng về sự kiện nhân dân Thanh Hóa đại diện cho đồng bào miền Bắc đón con em miền Nam ra tập kết năm 1954 và hình ảnh chuyển quân từ Bắc vào Nam đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ và tay sai, tiến tới chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Ý tưởng của công trình sẽ nhờ Ban liên lạc HSMN xây dựng, hoàn thiện sao cho phù hợp nhất với tình hình thực tế để đại diện UBND TP Sầm Sơn báo cáo với HĐND, UBND TP Thanh Hóa phê duyệt".

Sau khi nghe những ý kiến đóng góp để xây dựng công trình, đại diện Ban liên lạc HSMN trên đất Bắc, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn cho biết: "Ban liên lạc sẽ tiếp tục xin ý kiến của các cán bộ chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đóng góp thêm về bố cục, hình thức của tượng đài. Đồng thời tổ chức vận động đóng góp về hiện vật, hình ảnh tư liệu quý phục vụ không gian trưng bày của Bảo tàng phía trong lòng của tượng đài. Đồng thời, Ban liên lạc cũng đề nghị tác giả tượng đài cùng với các cộng sự tiếp thu các ý kiến đóng góp, tiếp tục chỉnh sửa để hoàn chỉnh mô hình tượng đài và báo cáo với Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Thanh Hóa cho ý kiến quyết định và sẽ lên kế hoạch chuẩn bị khi được phê duyệt".

Dự kiến tượng đài có chiều cao 21 mét, chiều dài 24 mét, chiều ngang 11 mét, đặt trên nền cao khoảng 1,5 mét đến 2,5 mét so với nền hiện hữu. Tượng đài là một công trình kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc tạo hình, cô đọng, giàu tính biểu cảm tạo thành một tác phẩm nghệ thuật với tên gọi Tượng đài "Thanh Hóa đón những chuyến tàu đưa cán bộ, chiến sỹ, con em đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ