Đặc biệt tổ chức dạy học cho học sinh theo định hướng cách ra đề thi của Bộ, cho các em làm quen với đề thi trắc nghiệm.
Bài kiểm tra trên lớp ra theo dạng đề trắc nghiệm
Trước những thay đổi của phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, dưới sự chỉ đạo của các Sở GD&ĐT, các trường đã có sự điều chỉnh phương pháp dạy và học phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm không chỉ với học sinh lớp 12. Tất cả không ngoài mục đích chuẩn bị kiến thức tốt nhất cho học sinh tham gia kỳ thi hai trong một để đạt kết quả cao nhất có thể.
Thực tế là thi trắc nghiệm hay tự luận, việc dạy và học không có gì thay đổi về chuẩn kiến thức. Tuy nhiên, với hình thức thi trắc nghiệm cần lượng kiến thức bao quát hơn thay vì tập trung sâu về một vấn đề, chuyên đề như thi tự luận. Do đó, cách dạy của giáo viên và phương pháp học của học sinh bắt buộc phải thay đổi theo.
Theo ông Nguyễn Minh Anh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Tuyên Quang: Định dạng đề mà Bộ GD&ĐT đưa ra đã được Sở triển khai đến tận trường học, giáo viên và học sinh. Đề minh họa mới cả hình thức cũng như nội dung, có tính phân loại cao. Bởi bên cạnh những câu hỏi dễ cũng có câu hỏi khó so với học sinh. Việc Bộ định dạng đề thi sớm giúp cho các địa hương, trường học triển khai hiệu quả hơn trong việc dạy đảm bảo kiến thức chuyên môn cho học sinh khối 12, kiểm tra theo định dạng hướng của Bộ.
Thuận lợi của Tuyên Quang là định dạng cách thức ra đề thi trắc nghiệm cho học sinh đã được tập huấn hàng năm cho đội ngũ giáo viên. Năm học này, Sở đã tập huấn giáo viên toàn tỉnh đã được 5 môn, thứ Bảy và Chủ nhật này tập huấn cho giáo viên bộ môn Giáo dục công dân. Sau khi tập huấn cho giáo viên, phòng chuyên môn của Sở sẽ về trường kiểm tra, tư vấn, cơ bản giáo viên thực hiện được như yêu cầu đề ra. Sở cũng tổ chức hội thảo cấp cán bộ quản lý các trường học. Hơn nữa, các đề kiểm tra 45 phút của học sinh hoàn toàn thay thế bằng đề thi trắc nghiệm, đúng như dạng thức đề thi Bộ hướng dẫn.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi Hiệu trưởng các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi này. Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập để nắm vững kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu tối thiểu, tránh học tủ, học vẹt. Tập trung cho học sinh tập dượt, làm quen với hình thức thi trắc nghiệm các môn Toán, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Ngoài ra Sở còn yêu cầu, các nhà trường cần điều chỉnh phương pháp dạy, học, kiểm tra đối với học sinh khối 10 và 11 để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về đổi mới thi theo lộ trình của Bộ GD&ĐT.
Tạo nguồn ngân hàng đề thi
Thời điểm này nhiều địa phương đã tổ chức hội thảo, hội nghị tìm giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả Kỳ thi THPT quốc gia 2017. Ngoài việc tổ chức dạy, học, tổ chức ngân hàng đề thi, cho học sinh làm quen với đề trắc nghiệm các môn học, kế hoạch tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12 cũng đã được lập sẵn theo lộ trình. Sở GD&ĐT TPHCM cho biết sẽ tổ chức cho học sinh thi thử THPT quốc gia trong học kỳ II của năm học này để các em làm quen với cách thi mới. Việc tổ chức thi thử được làm đúng các quy trình và nghiêm túc như Kỳ thi THPT quốc gia. Tùy vào điều kiện thực tế, các trường có thể đăng ký để học sinh tham gia thi thử. Tuy nhiên, để chuẩn bị câu hỏi cho các bài thi trắc nghiệm, Sở sẽ tập hợp các câu hỏi từ các trường THPT để thành lập ngân hàng đề thi và yêu cầu các trường lên kế hoạch chuẩn bị lịch thi chi tiết để có thông báo cụ thể.
Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau Nguyễn Minh Luân cũng cho biết Sở sẽ sớm tuyển chọn những giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, uy tín, thành lập Hội đồng bộ môn để xây dựng ngân hàng đề thi, nhất là đối với các môn lần đầu thi trắc nghiệm: Toán, Sử, Địa, Giáo dục công dân.
Khi tổ chức thăm dò ý kiến, nhiều thầy cô đang trực tiếp ôn luyện cho học sinh lớp 12 chia sẻ: Trước đây, thi tự luận, giáo viên giảng dạy chuyên sâu vào một số vấn đề, các nội dung trọng tâm của bộ môn. Còn với hình thức thi trắc nghiệm, học sinh cần nắm sâu vấn đề để vận dụng làm bài, phải học đều, nắm bao quát toàn bộ kiến thức; cùng với đó giáo viên phải rèn luyện cho học sinh thêm nhiều kỹ năng như tư duy vận dụng, tính toán, sàng lọc đáp án nhanh. Học sinh không nắm chắc kiến thức cơ bản, không rèn luyện kỹ năng làm bài trắc nghiệm sẽ khó đạt điểm cao.