Động lực đến với những miền đất khó
Vốn là một học sinh năng động, đam mê với những công việc tình nguyện xã hội, đã tổ chức và điều hành câu lạc bộ từ thiện cho nhóm bạn ở trường phổ thông, Lương Thị Diệu Linh đã và đang tiếp tục mang niềm đam mê ấy của mình tại Trường đại học Anh quốc Việt Nam (BUV).
Được biết, Linh cũng từng là khách mời của nhiều chương trình phỏng vấn trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương như: VTV6, VTV1, truyền hình Quốc Phòng,...
Theo Linh, học quản trị kinh doanh và niềm đam mê công tác từ thiện không hề mâu thuẫn, mà ngược lại còn bổ trợ cho nhau, giúp em học tốt hơn và tổ chức công tác tình nguyện hiệu quả hơn.
Linh tâm sự: “Đây chính là môi trường tốt để mỗi sinh viên nâng cao tinh thần trách nhiệm của bản thân đối với xã hội. Từ những chuyến đi tình nguyện ấy, chúng em đã góp phần đem lại nụ cười hạnh phúc cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Đó không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc mà còn là động lực để chúng em tiếp tục đến với những miền đất khó mà ở đó có những con người đang rất cần sự giúp đỡ”.
Tự kinh doanh để gây quỹ
Điều đáng nói là, trong khi các câu lạc bộ tình nguyện thường phụ thuộc nhiều vào việc xin nhà tài trợ, thì Linh và các thành viên trong câu lạc bộ của nhà trường đã tự chủ được việc này.
Tuy nhiên để có thể “tự thân vận động”, theo kinh nghiệm của Linh, việc trước tiên cần phải chủ động, nhiệt tình và thường xuyên tham gia các chương trình do chính nhà trường tổ chức.
Đặc biệt, để có nguồn quỹ cho câu lạc bộ hoạt động, Linh đã đề xuất ý tưởng kinh doanh để gây quỹ bằng việc tham gia các hội chợ của Hoa Học Trò. Theo đó, những mặt hàng kinh doanh có thể là những món đồ hand-made từ các shop thời trang mà câu lạc bộ hợp tác hoặc kêu gọi quyên góp, sách cũ,… bán tại các sự kiện.
“Từ những chương trình tự gây quỹ qua bán hàng như vậy, mà câu lạc bộ đã thu được khá nhiều tiền, nhờ đó mà chúng em đã có một nguồn quỹ “khơ khớ” để tổ chức các chương trình thiện nguyện” – Linh cười vui nói.
Trưởng thành từ các chương trình tình nguyện
Với Linh, cái được lớn kể từ khi tham gia câu lạc bộ tình nguyện là tự tin hơn và có nhiều cơ hội để biến những ý tưởng thành hành động. Cũng từ những chương trình tình nguyện của câu lạc bộ mà em đã học được nhiều kỹ năng như: Thuyết trình trước đám đông; cách tạo dựng mối quan hệ và kỹ năng lãnh đạo v.v...
Theo quan điểm của Linh, làm tình nguyện đôi khi gặp những khó khăn và thử thách. Do đó, đã xác định hoạt động tình nguyện thì phải xuất phát từ cái tâm, phải thực sự nhiệt huyết và không quản ngại khó khăn, thử thách.
“Có những chuyến đi chúng em phải trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt thác lúc 12h đêm; đến sáng cả đoàn phải ngồi lên xe tải để đến một điểm trường vùng sâu, vùng xa để tặng quà cho các em học sinh.
Thế nhưng, từ những chuyến đi ấy đã để lại cho chúng em nhiều kỷ niệm về tình cảm thầy, trò nơi vùng khó. Đặc biệt, những chuyến đi ấy đã cho chúng em nhiều bài học về tình bạn, và trên hết là tình người” – Linh say sưa kể.
Làm tình nguyện chỉ đam mê thôi chưa đủ
Tuy nhiên theo Linh, nếu làm công tác tình nguyện chỉ bằng đam mê thôi thì chưa đủ. Để tổ chức một chương trình hiệu quả, vận dụng được hết nguồn lực mình có và gắn kết các thành viên trong câu lạc bộ duy trì những hoạt động, thì còn cần đến những kiến thức và kỹ năng kinh doanh như: Lập kế hoạch, quản lý dự án, biết tận dụng mọi nguồn lực có thể để vận hành dự án, xin tài trợ, gây quỹ…
Có được những kiến thức và kỹ năng này là từ việc học chuyên ngành quản trị kinh doanh ở BUV. Chính các thầy giáo tại BUV đã khuyến khích, động viên và tiếp thêm động lực để Linh thành lập câu lạc bộ tình nguyện.
Được hỏi về những ý định trong tương lại của mình, Linh cho biết: Em sẽ không chỉ dừng lại ở việc tổ chức đơn thuần các chương trình giao lưu tặng quà, mà em đã và đang lập kế hoạch phát triển những chương trình rèn luyện kỹ năng sống cho các em nhỏ ở trại mồ côi và những trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mô côi, lang thang cơ nhỡ v.v…