Học nghề

GD&TĐ -Tháng 12/1994 tôi bắt đầu được đến thử việc tại tòa soạn Báo Giáo dục và Thời đại. Khi đó tôi đã là nhà văn khá có tiếng khi nhận hai giải thưởng văn học: Giải nhất cuộc thi truyện ngắn và thơ trên tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1989-1990 và giải nhì cuộc thi viết về Hà Nội của NXB Hà Nội. 

Tác giả trong một chuyến đi tác nghiệp ở Sốp Cộp (Sơn La).
Tác giả trong một chuyến đi tác nghiệp ở Sốp Cộp (Sơn La).

Và trước nữa tôi đã có thời gian hơn 5 năm đứng trên bục giảng. Nhưng khi là phóng viên thì tôi bắt đầu từ số 0. Là nhà văn tôi có quyền tưởng tượng và hư cấu, từ đó để viết lên tác phẩm của mình.

 Là nhà báo sự tưởng tượng và hư cấu sẽ là hai phương tiện nhanh nhất để đưa tôi ra khỏi tòa soạn. Tôi nhận thức được vấn đề. Vậy tôi sẽ bắt đầu từ đâu? Học thầy không tầy học bạn, tôi học cách lấy tin từ đồng nghiệp.

Tôi học từ cách ghi chép đầy đủ họ tên, chức vụ và địa danh của người đã cung cấp tin. Việc tưởng nhỏ nhưng vô cùng quan trọng. Nếu không hỏi ngay từ đầu đôi khi say chuyện quên mất. Đến khi viết bài chỉ thiếu họ tên người đầy đủ mà bài báo dường như thiếu đi sự trung thực.

Có việc tôi chưa hiểu ngay là mình làm báo giáo dục thì chỉ hỏi về vấn đề của giáo dục thôi chứ, sao lại phải hỏi cả về công ăn việc làm, về GDP, về trình độ dân trí…của cả xã cả huyện và tỉnh là sao? Phải đến lần thứ ba đi xuống cơ sở tôi mới có câu trả lời. Vì tất cả các yếu tố đó đều liên quan và tác động đến giáo dục.

Cái việc học tắt này cũng khiến lính mới tò te như tôi tiến bộ rất nhanh. Chỉ sau ba lần xuống cơ sở tôi đã viết thành thục một bài phỏng vấn hoặc ghi chép. Sau đó tôi có hứng thú với việc viết điều tra theo thư bạn đọc. 

Khoảng năm 1996 tòa soạn có nhận được thư kêu cứu của một thầy giáo ở Thường Tín về việc mất nhà. Tòa soạn đã cử tôi và anh Trần Đức Tín đi điều tra. Tôi đã mua cuốn luật đất đai về đọc. Tôi gạch chân những điều cần phải “xoáy”trong vụ này. Ngày tháng 6 nắng như đổ lửa. 

Chúng tôi đi xe máy xuống trường. Nhà ở đã bị giải tỏa, gạch ngói ngổn ngang. Những gương mặt thất thần tiếp chúng tôi. Thương hơn cả là gia đình thầy giáo. Biết đi đâu về đâu bây giờ? UBND huyện hẹn làm việc với chúng tôi vào đầu giờ chiều. Về tòa soạn thì đường xa, thôi đành lang thang chờ đến chiều.

Trưởng phòng Địa chính huyện tiếp chúng tôi. Hỏi đáp, hỏi rất gay cấn. Từng điểm một về vụ cưỡng chế được chúng tôi đưa ra có lý có tình khiến đồng chí trưởng phòng toát mồ hôi. Đồng chí bấm máy điện thoại, một lát sau có một người đàn ông còn khá trẻ bước vào phòng, không chào hỏi ai người đàn ông này nói, chúng tôi sẽ đuổi việc thầy T. 

Tôi nóng bừng mặt quay sang người đàn ông kia: Xin lỗi anh là ai? Anh có quyền gì mà đuổi việc thầy giáo khi thầy giáo không mắc khuyết điểm gì? Người đàn ông kia đập tay xuống bàn nói to, tôi sẽ đuổi việc thầy T. 

Tôi lại gân cổ lên cãi... Bỗng nhiên tôi bị một cái đá chân dưới gầm bàn. Tôi tỉnh ra. Tôi không nói chuyện với người đàn ông kia nữa mà chỉ tập trung vào đồng chí trưởng phòng.

Khi về anh Trần Đức Tín bảo tôi:

- Y Ban suýt mắc mưu họ. Cái ông tre trẻ kia vào cứu sếp đấy.

- Vâng, may có cú đá chân của anh.

Chúng tôi đã viết bài điều tra “Nhà máy Coca-cola đã đẩy chúng tôi vào cảnh màn trời chiếu đất”. Khi bài báo được xuất bản những người dân đã phô tô thành hàng trăm bản để phát cho nhau và kèm vào hồ sơ kiến nghị.

Và cho đến bây giờ khi đã sắp tròn 20 năm tôi làm Báo Giáo dục và thời đại thì mỗi lần xuống cơ sở là mỗi lần tôi học thêm được bài học để làm nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ