Học nghề hàn, không lo thất nghiệp

GD&TĐ - Nhu cầu nhân lực nghề hàn tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới luôn ở mức cao. Trên thực tế, nghề hàn xuất hiện thường xuyên và đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt quan trọng trong các ngành công nghiệp, cơ khí... 

Học nghề hàn, không lo thất nghiệp

Tại Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 44 tại Brazil vừa qua, nghề hàn là một trong 13 nghề mà đoàn Việt Nam đăng ký dự thi. Điều này cũng cho thấy tiềm năng phát triển của nhân lực nghề hàn trong tương lai.

Học xong có việc ngay

Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ,TB&XH), học sinh, sinh viên các khóa cao đẳng nghề hàn sau tốt nghiệp luôn đứng đầu về tỷ lệ có việc làm sau đào tạo, đạt tới 92,5%. Rõ ràng, để có một công việc nhanh chóng và ổn định thì đây có thể được xem là một sự lựa chọn khả thi đối với các học sinh, sinh viên tốt nghiệp THPT.

Hiện nay, những người được đào tạo cho ngành công nghệ hàn có cơ hội nghề nghiệp rộng mở trong các lĩnh vực chế tạo sản phẩm lớn như: Công nghiệp dầu khí; Công nghiệp chế tạo ô tô, tàu thủy, tàu đường sắt cao tốc; Công nghiệp máy bay; Công nghiệp hóa dầu, hóa chất; Công nghiệp thủy điện, nhiệt điện...

Không gian làm việc của người thợ hàn có thể ở trong nhà, nhưng cũng có thể ở ngoài trời nắng nóng, khi thì ở trên độ cao chênh vênh khi thì ở trong hầm tối… Cho nên, hàn là một nghề nằm trong danh sách các nghề nặng nhọc, nguy hiểm. Theo nhận định của các chuyên gia: Hàn là nghề có môi trường làm việc khá nặng nhọc nên ít người học vì sợ vất vả. Tuy nhiên, nghề nào cũng có những vất vả riêng. Chính vì thế, nhân lực ngành hàn hiện rất hiếm, các trường đào tạo ra bao nhiêu được doanh nghiệp tuyển dụng bấy nhiêu.

Ổn định và tích lũy nghề nghiệp

Theo ghi nhận tại các cơ sở có đào tạo nghề hàn, các học sinh, sinh viên nghề hàn thường xuyên được tiếp cận với máy học hiện đại. Với hình thức học nghề tích lũy cả vốn liếng lẫn kinh nghiệm như vậy, học viên theo học nghề hàn cũng sẽ có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Trong quá trình vừa học vừa làm, nếu tích lũy được vốn tiếng Anh nhất định và khả năng về công nghệ thông tin, sau 3 - 5 năm làm việc ở vị trí chuyên gia hàn 6G, người lao động có thể thi lấy chứng chỉ sư phạm hàn - làm giáo viên dạy hàn, giám sát hàn, thanh tra hàn hay kỹ sư hàn.

Theo PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề: Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những lĩnh vực nào đang chuyển dịch cơ cấu mạnh thì những lĩnh vực đó có nhu cầu lao động lớn, đặc biệt là những lĩnh vực tăng cường khả năng hội nhập ASEAN và thế giới. Những nghề phổ biến, những nghề có nhu cầu sử dụng lao động rộng như điện, điện tử, cơ khí, hàn, công nghệ thông tin đều là những nghề có nhu cầu nhân lực lớn.

Đối với học sinh, sinh viên, quan trọng nhất là học để có việc làm, ổn định cuộc sống, có cơ hội thăng tiến. Có việc làm thì có cơ hội ổn định, ổn định thì có cơ hội tích luỹ, tích luỹ rồi có điều kiện để học nâng cao lên nhằm góp phần tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh để tăng thu nhập, đồng thời học liên thông để nâng cao năng lực và thăng tiến trong sự nghiệp.

Cũng theo PGS.TS Cao Văn Sâm, hiện nay đối với học nghề tỉ lệ học viên ra trường có việc làm thấp nhất đạt 70%, có những nghề đạt 100%. Ở nghề hàn, nhiều em còn đang học trong trường doanh nghiệp đã vào tuyển dụng, học viên có việc ngay từ năm thứ nhất, thứ hai.

Kỹ thuật hàn là một trong những nghề kiếm thêm thu nhập cao nhất, với những tay thợ lành nghề có mức lương từ 6 - 9 triệu đồng/tháng, những thợ có thâm niên tay nghề thì trên 10 triệu đồng, với nhu cầu xã hội ngày càng cao, nghề kỹ thuật hàn hầu như không bao giờ hết việc. Những thợ hàn tay nghề cao tham gia xuất khẩu lao động có mức thu nhập hàng tháng lên tới hàng ngàn USD/tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.