Học nghề, đường đời rộng mở

GD&TĐ - Ngày 30/10, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: quý 2/2015 tỷ lệ thất nghiệp cả nước đã giảm, nhưng số lượng người có trình độ đại học (ĐH) – sau ĐH thất nghiệp tăng cao đến 199.400 người (tăng 22.000 người so với quý I – 2015). 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2014-2015 quy mô đào tạo đã giữ tương đối ổn định, cả nước có 219 trường ĐH, 217 trường CĐ (không tính các trường thuộc khối an ninh, quốc phòng, quốc tế).

Muôn màu bức tranh thị trường lao động của nước ta hiện nay

Quy mô sinh viên (SV) ĐH: 1.824.328, SV CĐ: 539.614, trong đó, SV chính quy ĐH là 1.348.937, SV chính quy CĐ là 519.722; SV vừa làm vừa học ĐH: 339.301, SV VLVH CĐ: 19.892 và 92.349 học viên cao học.

Thống kê của Tổng cục Dạy nghề cho thấy, một số nghề có số lượng học sinh (HS), SV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp (số lượng học viên tốt nghiệp hơn 500 người) là: Kỹ thuật Khai thác Mỏ hầm lò (94%); Kỹ thuật Cơ điện Mỏ hầm lò (94%); Hàn (91%); Công nghệ Dệt – May – Thời trang (87%); Công nghệ Hóa – Nhuộm (85%)… 

Đặc biệt, một số nghề xã hội có nhu cầu lớn, học xong tỷ lệ có việc làm cao (tỷ lệ trên 90%), nhưng ít thu hút HSSV như: Kỹ thuật xây dựng Mỏ hầm lò; Sửa chữa thiết bị luyện kim; Khảo sát địa hình – Địa chất – Thuỷ văn; Trắc địa công trình; Xử lý nước thải công nghiệp; Công nghệ Môi trường; Cơ khí – Công trình giao thông – Cầu cảng…

Theo PGS.TS. Dương Đức Lân – Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề: “Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay khá thấp do: Chất lượng đào tạo hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng nhân lực; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa tốt. 

Bên cạnh đó, sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, thái độ, cũng như trạng thái tâm lý để sẵn sàng làm việc tại các nước ASEAN của lao động nước ta chưa cao. Rất ít lao động VN học tiếng Anh chứ chưa nói đến các thứ tiếng trong khối ASEAN. 

Do đó khả năng thích nghi với môi trường làm việc mới sẽ vô cùng khó khăn. Kỷ luật lao động cũng như cường độ lao động, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm nói chung rất yếu…, cũng ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và khả năng cạnh tranh khi hội nhập”.

Để khắc phục hạn chế này, VN đang phối hợp đào tạo với nhiều nước như: Australia 12 nghề và sắp tới sẽ tiếp tục chuyển giao các nghề quan trọng với Đức, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 34 nghề ở trình độ quốc tế. 

Cùng với đó, 45/500 trường trung cấp và cao đẳng nghề (CĐN) nước ta được tăng cường đầu tư từ nguồn vốn trong nước và nước ngoài, cùng các điều kiện về chương trình, giáo trình tiêu chuẩn nghề, kiểm tra – thi – đánh giá các văn bằng – chứng chỉ…, tất cả nhằm tạo ra nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế (dự kiến TPP sẽ mang lại khoảng 6 triệu việc làm trong vòng 10 năm tới, chiếm 9,5% tổng số việc làm tạo thêm ở Cộng đồng ASEAN).

Thực tế tại các phiên giao dịch việc làm ở các địa phương cho thấy, nhóm lao động có kỹ thuật – công nghệ cao, luôn “đắt hàng” nhất trong các nhu cầu tuyển dụng lao động. Trung bình, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển dụng lao động kỹ thuật – công nghệ cao chiếm 50 – 70% tổng số chỉ tiêu. 

Mức lương khởi điểm của nhóm này ở mức bốn đến sáu triệu đồng/tháng/người; chưa kể có những vị trí công việc lao động kỹ thuật cao, mức lương lên tới hàng chục triệu đồng, nhưng luôn thiếu lao động.

Trong khi đó, nhóm lao động trình độ ĐH thất nghiệp nhiều bởi: lĩnh vực chuyên môn chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường, chủ yếu là ứng viên ngành xã hội; mức lương khởi điểm không như mong muốn; không ít người lao động thường xuyên “nhảy việc” do công việc không phù hợp với ngành nghề đã được đào tạo, năng lực chuyên môn, tay nghề chưa tương xứng với bằng cấp. 

Tình trạng lao động tốt nghiệp ĐH trở lên chấp nhận làm lao động phổ thông, không đúng ngành nghề đã học khá phổ biến ở các đô thị lớn trên cả nước…

Có nhiều trường nghề: SV tốt nghiệp không đủ để cung cấp, mức lương từ chục triệu trở lên

Chúng tôi muốn nói đến hiện tượng đặc biệt của trường Cao đẳng nghề (CĐN) LILAMA 2 đóng tại Long Thành – Đồng Nai thuộc Bộ Xây dựng. Năm 2005, Hội đồng nghề Vương quốc Anh chấp nhận Trường CĐN LILAMA 2 là thành viên. 

Đến năm 2008, trường đã trở thành thành viên của Hiệp hội Hàn Hoa Kỳ. Năm 2010, qua khảo sát, đoàn công tác của Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển CHLB Đức (BMZ) và Cơ quan phát triển của Chính phủ Pháp (AFD) đã đồng ý hỗ trợ vốn ODA để đầu tư xây dựng nhà trường thành trung tâm đào tạo chất lượng cao quốc tế.

Đầu năm 2015, trường được Chính phủ đồng ý cho đào tạo thí điểm hệ kỹ sư thực hành theo tiêu chuẩn level 6 khung 8 bậc của UNESCO-ISCED 2011. 

Hiện nay, LILAMA 2 là một trong những trường CĐ đầu tiên ở Việt Nam đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế. Để đảm bảo chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, chương trình và giáo trình đào tạo của nhà trường phải được xây dựng theo khung quốc tế như: UNESCO - ISCED 2011; IHK của Đức; City & Guilds (Anh); AWS (Hoa Kỳ) ... 

Đặc biệt, phải luôn luôn tham khảo các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp. Đáng chú ý, nhà trường còn thực hiện chương trình đào tạo kép của Đức giữa Trường cao đẳng nghề Lilama 2 với Công ty TNHH Bosch Việt Nam; tuyển sinh, đào tạo 2 đợt theo đơn đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao của tỉnh Đồng Nai…

Công ty TNHH Bosch Việt Nam (vốn của CHLB Đức, đóng chân trên địa bàn huyện Long Thành), mỗi tháng chi hỗ trợ sinh hoạt phí 2 triệu đồng/SV đang học theo chương trình đào tạo kép của Đức giữa Trường CĐN LILAMA 2 với Bosch Việt Nam. 

Ở bậc CĐN, hiếm có cơ sở nào mà hầu hết SV ra trường được doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp đòi hỏi nhân lực chất lượng cao như: Nhật Bản, CHLB Đức “mở cửa” đón chào với mức lương hấp dẫn. Làm được điều này là do Trường CĐN LILAMA 2 đã giải quyết tốt các “đơn đặt hàng” nhân lực của xã hội thời hội nhập.

TS Lê Văn Hiền - Hiệu trưởng Trường CĐN LILAMA 2, cho biết: “Các doanh nghiệp lớn và các công ty xuất khẩu lao động rất biết cách đón đầu nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Họ cũng làm rất tốt công tác tuyển dụng nhân sự. Ở trường chúng tôi, sinh viên thường được công ty mời chào từ khi thực tập, hoặc mới ra trường”. 

Ví dụ như: Tại Công ty TNHH Vina Tak (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3), công ty Nhật Bản chuyên sản xuất cơ khí và ống công nghệ cung cấp cho thị trường quốc tế, hầu hết là nhân lực sản xuất đều từ Trường CĐN LILAMA 2; hoặc trong 100 lao động do Công ty cổ phần dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia Suleco (đóng tại TP. Hồ Chí Minh) vừa tuyển đi làm việc ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha có đến 99 lao động được đào tạo từ Lilama 2…

Trong ngày hội việc làm tháng 9-2015, cũng là ngày tốt nghiệp của SV, nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đã đến trường để tuyển dụng nhân sự. 

Kết quả, 312 sinh viên ra trường hầu hết đều được tuyển dụng vào đúng ngành nghề đã học với mức lương khởi điểm hơn 10 triệu đồng/tháng. 

Trong các ngành nghề chất lượng cao mà trường đang đào tạo, ngành Hàn Công nghệ cao là hút khách nhất, với mức lương SV mới ra trường có thể lên tới 15-17 triệu đồng, số lượng SV ngành học này ra trường nhiều năm nay không đủ để đáp ứng thị trường lao động.

Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB và XH) Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, Việt Nam đang chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, về nguyên tắc, lao động trình độ từ sơ cấp đến bậc trung cấp phải chiếm tỷ lệ cao hơn lao động có trình độ ĐH. 

Tuy nhiên, mô hình đào tạo nhân lực tại VN lại không phù hợp với thị trường lao động hiện nay. Dù chúng ta chưa thiếu toàn bộ lao động kỹ thuật, nhưng tất yếu trong cơ cấu, GD nghề nghiệp phải phát triển nhanh hơn giáo dục ĐH. 

Trong khi đó, một số người có bằng tốt nghiệp ĐH nhưng năng lực không tương xứng, và luôn cho rằng công việc họ làm phải ngang với tấm bằng ĐH. Việc kén chọn công việc của họ, đã góp phần khiến câu chuyện thất nghiệp ở Việt Nam có đặc thù là thất nghiệp tự nguyện đang gia tăng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ