Học khóc để thấy... vui!

Ở Nhật Bản, nhiều người đang tập hợp thành các nhóm để khóc. Họ khóc để giải tỏa căng thẳng trong một xã hội có quá nhiều sức ép, nhưng lại luôn phải tỏ ra mình kiên cường.

Học khóc để thấy... vui!

Có một điều ít ai biết, khóc cũng có những mặt tốt của nó, thậm chí còn giải tỏa căng thẳng tốt hơn cả khi ta cười. Và sau đây là câu chuyện ở Tokyo, Nhật Bản.

“Đừng bao giờ cảm thấy xấu hổ vì những giọt nước mắt của mình”. Đại văn hào Charles Dickens đã viết như vậy. Nhưng không mấy người Nhật Bản đồng tình với quan điểm đó.

Anh Takashi Suga - Một người kích thích nước mắt nói: “Rơi nước mắt không được xem là một hình ảnh tích cực tại Nhật Bản. Người Nhật nghĩ rằng bạn không nên khóc trước mặt người khác. Đó là yếu đuối”.

Suga tự nhận mình là người kích thích nước mắt. Đúng theo nghĩa đen. Nhưng không hề mang tính tiêu cực. 

Hai lần mỗi tháng, Suga lại tổ chức một buổi hội thảo với chủ đề “Hãy khóc để tìm niềm vui”. 

Anh cho rằng khi người ta dâng trào cảm xúc và khóc, những căng thẳng trong cuộc sống sẽ giảm bớt và mọi sự bức bối sẽ tan biến.

Anh Takashi Suga chia sẻ: “Cười có thể giải tỏa căng thẳng vào thời điểm đó. 

Nhưng khóc thì có thể giải tỏa căng thẳng trong 1 tuần. Nó thậm chí còn tốt hơn cho sức khỏe về thể chất và tinh thần của chúng ta”.

Anh Vladmir Duthiers đến từ Tokyo, Nhật Bản cho biết: “Các nghiên cứu đã chứng minh như vậy. 

Khi chúng ta khóc vì cảm xúc, khác với lúc chúng ta khóc khi cắt hành, mỗi giọt nước mắt ta để rơi xuống sẽ chứa cùng một loại hormone được cơ thể tiết ra khi căng thẳng về thể chất”.

Tại buổi hội thảo, ban đầu chỉ là cái cúi chào lịch sự và vẻ mặt lạnh lùng của những người mới tham gia. 

Và rồi, họ bắt đầu được nghe kể một câu chuyện buồn. 

Chỉ một vài phút sau khi Suga chiếu một đoạn phim với bài hát I will always love you của Whitney Houston thì khán phòng không còn những đôi mắt vô cảm nữa.

Chị Ava Nemoto - Người tham dự hội thảo xúc động nói: “Câu chuyện về nghĩa cha mẹ, và tình mẫu tử đã khiến tôi không thể cầm nước mắt. Và tôi cảm thấy cũng đã giải tỏa được sự căng thẳng của mình”.

Còn Anh Kengo Tsuda, sau khi tham dự hội nghị cũng thừa nhận: “Tôi đã trở nên vô cùng xúc động. Tôi ít khi khóc ở nhà, nhưng tới đây tôi đã phải khóc”.

Và với một xã hội đầy sức ép như tại Nhật Bản, những giọt nước mắt đang trở nên cần thiết hơn lúc nào hết.

Theo VTV.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ