Học hè qua… du lịch

Học hè qua… du lịch

(GD&TĐ) - Hè về, học sinh, sinh viên có nhiều thời gian rảnh rỗi để cùng gia đình đi tham quan, du lịch những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh khắp đất nước. Đây cũng là cách thay đổi không khí đối với các em sau những tháng ngày học tập, thi cử căng thẳng. Mặt khác, tham quan, du lịch cũng là một cách học nhẹ nhàng, hữu ích cho các em nhằm nâng cao tầm hiểu biết và bồi đắp tình cảm yêu thiên nhiên, đất nước và truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Tham quan, du lịch cũng là một cách học nhẹ nhàng đối với HS
Tham quan, du lịch cũng là một cách học nhẹ nhàng đối với HS

Tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, có thể tổ chức những chuyến tham quan du lịch nhiều ngày đến những vùng đất xa xôi. Tuy vậy, do quĩ thời gian hạn chế, không ít gia đình đã chọn phương án đi tham quan du lịch ngay chính địa phương mình, thành phố mình vì có không ít những địa chỉ hấp dẫn mà các em học sinh chưa biết đến hoặc chưa hiểu tường tận về ý nghĩa lịch sử, văn hóa của chúng.

Chẳng hạn, mỗi học sinh Hà Nội cần hiểu tường tận để từ đó biết yêu quí, tự hào về những di tích lịch sử của Thủ đô như Tháp Rùa, Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc tử Giám, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Một Cột, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam...

Một thực tế rất đáng phải suy nghĩ là không ít gia đình trong những ngày nghỉ - nhất là trong dịp nghỉ hè chỉ chú ý cho các em học sinh đi chơi ở các siêu thị mua bán, nhà hát hoặc ăn uống ở những nhà hàng mà ít đưa các cháu đến tham quan những di tích lịch sử của địa phương.

Đây là điều đáng buồn vì sự hiểu biết về văn hóa, danh thắng và những di tích lịch sử địa phương mình của nhiều học sinh quá ít. Có lần, tôi đã thử hỏi một em học sinh khoảng 12 tuổi về sự tích Hồ Gươm khi dạo chơi cùng bạn ven hồ thì em lúng túng không trả lời được! Vì vậy, trách nhiệm của các bậc ông bà, cha mẹ, trách nhiệm của nhà trường và toàn xã hội là phải giúp học sinh biết suy tư trăn trở, biết quí trọng, tự hào những di sản văn hóa, di tích lịch sử mà ông cha ta từ ngàn năm xưa đã để lại cho hậu thế.

Đừng để cho học sinh dửng dưng khi đứng trước đền thờ Hai Bà Trưng hoặc đứng trước tượng đài Lý Thái Tổ. Cũng đừng để học sinh vô cảm, thờ ơ với những vết đạn đại bác của quân xâm lược còn ghi dấu tích trước cửa Bắc Thành Hà Nội.

Như vậy, chẳng phải đi đâu xa, những điểm cần tham quan du lịch, những nơi cần đến ngay tại các địa phương vô cùng phong phú, hấp dẫn và mang tính giáo dục cao đối với học sinh. Các bậc ông bà, cha mẹ chúng ta hãy là “người bạn” đồng hành tin cậy cùng các em, chỉ dẫn cho các em về gốc tích, ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị thẩm mĩ của mỗi di tích, mỗi danh lam thắng cảnh mà các em được đến.

Chắc chắn, những chiếc trống đồng Đông Sơn có từ thời Hùng Vương dựng nước, những cọc nhọn gỗ lim bịt sắt của Ngô Quyền phá chiến thuyền giặc Nam Hán được lấy lên từ lòng sông Bạch Đằng lịch sử và những văn bia tôn vinh những Tiến sĩ tài cao đức sáng trong Văn Miếu Quốc Tử Giám... sẽ mãi là những bài học về lịch sử sinh động, sâu sắc, hữu ích giúp học sinh có trí tuệ minh mẫn, có tâm hồn trong sáng để tự tin bước vào đời, cống hiến tài năng cho đất nước.n

Trần Cự  (Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ