Hay nói một cách khác là phải làm sao cái công nghệ ấy bảo đảm được khi đi học, trẻ em vừa chiếm lĩnh được tri thức (tức là học được), vừa nhận thấy một cách tự nhiên rằng đi học là hạnh phúc, chiếm lĩnh tri thức là hạnh phúc.
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại đã chia sẻ như vậy với phóng viên báo Giáo dục & Thời đại
Đề cao vai trò cá nhân học sinh
Quan điểm giáo dục theo “Công nghệ giáo dục” là: Học để sống hạnh phúc trong cuộc sống thường ngày của cá nhân. Đi học là phương thức mỗi cá nhân tự khẳng định mình, vì hạnh phúc của chính mình.
Nội dung giáo dục được thực hiện ở ba lĩnh vực: Khoa học, Nghệ thuật và Đạo đức. Mỗi lĩnh vực giáo dục đảm nhận một chức năng. Các lĩnh vực giáo dục này được thiết kế thành các môn học, phân bố phù hợp với từng thời kỳ phát triển của trẻ
“Công nghệ giáo dục” là một phương pháp dạy học rất mới và còn xa lạ với nhiều người. Nói một cách ngắn gọn “Công nghệ giáo dục” được hiểu như thế nào, thưa giáo sư?
- Thật ra, “Công nghệ giáo dục” là một cách làm giáo dục có công nghệ, được kiểm nghiệm trên thực tế.
Bản chất của công nghệ giáo dục là tổ chức và kiểm soát quá trình dạy học bằng một quy trình kỹ thuật được xử lý bằng giải pháp nghiệp vụ sư phạm.
Theo GS phương pháp này có điều gì khác biệt so với cách dạy, cách làm và cách học như trước đây?
- “Công nghệ giáo dục” luôn đề cao vai trò cá nhân học sinh. Tôi rất ấn tượng với câu nói của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đại ý như sau: “Ngày xưa phương pháp cũ tôi dạy một lớp 30 em, 40 em thì bây giờ phải nói là tôi dạy 40 em trong một lớp. Bởi nếu dạy một lớp 30 em là tất cả đồng nhất 30 em là một, còn dạy 30 em trong một lớp tức là 30 em ấy sẽ được phát huy năng lực học tập và tư duy sáng tạo".
Chính vì vậy nguyên tắc của chúng tôi là trẻ con muốn có cái gì thì phải tự làm ra cái đó. Nguyên tắc sư phạm là làm gì được nấy, làm đâu chắc nấy.
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại |
“Công nghệ giáo dục” đề cao vai trò cá nhân học sinh, lấy học sinh là trung tâm. Vậy còn vai trò của người thầy và gia đình sẽ như thế nào – thưa GS?
- Người thầy trong xã hội hiện đại không phải là người thầy cũ. Người thầy cũ phân hóa ra hàng triệu người thầy hiện đại.
Hiện nay tôi tạm gọi sẽ có 3 bộ phận giáo viên.Thứ nhất là bộ phận thiết kế. Thứ 2 là bộ phận chuyển giao và cuối cùng là bộ phận thực thi.
Trong đó bộ phận thiết kế sẽ quyết định còn giáo viên là người thực thi.
Bản chất của thầy giáo hiện đại là một người lao động sản xuất hiện đại có nghiệp vụ sư phạm. Thực chất ở đây, thầy là kẻ sai vặt cho học trò.
Còn đối với gia đình chỉ cần lo cho các em ở nhà, yêu thương con thật sự và tôn trọng các con.
100 năm nữa toàn dân tộc sẽ nói giống nhau?
Vậy còn sách giáo khoa thì sao liệu có cần phải thay đổi không – thưa GS?
- Sách giáo khoa cần được thay đổi theo hướng phát huy năng lực của học sinh. Phải cho học sinh làm, và phải xuất phát từ học sinh chứ không phải xuất phát từ người lớn. Các em là nhân vật trung tâm, là nhân vật quyết định tất cả sự nghiệp giáo dục.
“Công nghệ giáo dục” đã được Bộ GD&ĐT đón nhận như thế nào, thưa GS?
- Hiện tại Bộ GD&ĐT đã thừa nhận công khai và coi đây như một phương án chính thức, tức là địa phương nào muốn tiếp nhận Bộ sẽ không cản trở.
* Vậy GS có thể cho biết “Công nghệ giáo dục” đã được các địa phương tiếp nhận ra sao?
- Hiện nay đã có hơn 40 tỉnh thực hiện áp dụng chương trình giáo dục này, lúc đầu nhiều tỉnh còn e ngại và băn khoăn nhưng đến nay các địa phương đã quen và đón nhận rất hồ hởi. Đặc biệt là kết quả thu được rất khả quan.
Đơn cử như ở Lào Cai có những nơi khó khăn nhất, bố mẹ các em không biết tiếng Kinh, cả tuổi trẻ các em không đến trường, nhưng 6 tuổi vào lớp 1. Sau 1 năm học các em đã đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả.
Học hết lớp hai các em viết thành câu, học hết lớp ba không bao giờ viết sai câu. Trẻ con 6 tuổi nói sõi, 7 tuổi nói chuẩn, 8 tuổi nói rất hay.
Nếu áp dụng “Công nghệ giáo dục” thì hình dung của GS về một thế hệ công dân trong tương lại sẽ là như thế nào?
- Có thể nói từ năm 2019 trở ra dân tộc Việt Nam sẽ là sản phẩm của giáo dục mới cho nên đến năm 2030 nếu chúng ta làm chuẩn sẽ có một dân tộc khác, đầy tự tin, tự hào, tự trọng.
Bởi vì cách dạy của chúng ta là “học trò muốn cái gì thì tự làm cái đó” nên không phải phụ thuộc vào ai. Và như vậy, một dân tộc mà toàn dân đều tự trọng, tự tin sẽ là một dân tộc mạnh, không ai có thể làm được gì.
Và trong vòng 100 năm nữa toàn dân tộc Việt Nam sẽ nói giống nhau không phân biệt Bắc – Trung – Nam.
Tuy nhiên để làm được điều này chúng ta phải kiên trì và điều chỉnh từng năm một.
Xin trân trọng cảm ơn GS!