(GD&TĐ) - Là hội viên Hội khuyến học xã Nam Hồng (Nam Định) và là gia đình đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học cấp tỉnh” - Ông Hoàng Đức Nhiệm là tấm gương sáng về học suốt đời.
Lười học là cam chịu với tụt hậu
Ai cũng có quyền được học . |
Ông Hoàng Đức Nhiệm quan niệm và nhận thức sâu sắc về học suốt đời. Theo ông, học là tự biến đổi thông tin bên ngoài thànhtri thức bên trong con người thông minh. Học là tri thức hóa bản thân làm giàu tri thức ta mà giải phóng cho ta khỏi lạc hậu nghèo nàn.
Mặt khác, ngày nay thông tin bùng nổ, công nghệ cao bùng phát, mù thông tin, mù tin học bằng lòng với mảnh bằng đào tạo ban đầu, lười học là cam chịu tụt hậu. Xu thế kinh tế tri thức đòi hỏi con người phải luôn luôn thích ứng, phải học suốt đời thì mới có thể làm việc và sống ra sống, ai cũng phải học hành, học hành sáng tạo suốt đời.
Ông cho rằng: Học suốt đời trước hết phải đổi mới cơ bản lối “Học thụ động, học một lần cho cả đời”. Phải có cách học đi đôi với học kiến thức, cách học phải lấy tự học làm cốt lõi. Tự học chữ, tự học nghề, tự học nên người. Học một biết mười . Học để hiểu để hành, hành để học. Phải học thầy, học bạn, học mọi người, mọi nơi, mọi lúc, vừa học, vừa làm, vừa làm vừa học. Học tập trung, học từ xa, học trên mạng…
Cần tự giác, tích cực chủ động cách học, cách tư duy, năng lực phát hiện giải quyết vấn đề. Năng lực tự học, tự đào tạo kiến thức. Cách tư duy học, cách tư duy cùng các năng lực trên sẽ tồn tại mãi mãi với con người và giúp con người học suốt đời. Con người gắn liền với xã hội, con người phải học, học nữa, học mãi. Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình là môi trường sống, là môi trường học, nơi tạo ra hạt nhân, nhân cách, tri thức, năng lực đầu tiên cho con người học suốt đời.
Bản thân luôn học tập suốt đời
Liên hệ với bản thân mình, ông Nhiệm cho biết bản thân sinh trưởng trong gia đình nông dân nghèo và sinh vào những năm 30 của thế kỷ trước. Để có được tấm bằng đại học ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công ông đã vừa đi công tác thoát ly vừa học. Ông học sơ cấp Nông nghiệp, sau học tiếp Trung cấp Nông nghiệp và mãi đến năm 35 tuổi mới học Đại học Nông nghiệp. Và năm nay ông đã 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn học qua ti vi, đài tiếng nói và đặc biệt trên sách báo, tạp chí, trên mạng.
Cùng đó, ông còn tham gia vào Câu lạc bộ chính trị thời sự, Câu lạc bộ thơ Nam Hồng, Câu lạc bộ Kiều học Nam Trực, Câu lạc bộ Thể dục dưỡng sinh, tham gia Hội Người cao tuổi, hội Nông dân, luôn đọc các tạp chí, sách nho giáo kinh thư, kinh dịch… để làm giàu thêm tri thức bản thân đồng thời giúp vui tuổi già, tăng thêm tuổi thọ.
Đặc biệt, từ nhiều năm nay, ông Nhiệm còn tham gia làm cộng tác viên thỉnh giảng cho Trung tâm học tập cộng đồng của huyện, của xã Nam Hồng về các chuyên đề Nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, chuyên đề chính trị xã hội, chuyên để chăm sóc cây cảnh….
Bản thân là tấm gương tự học suốt đời, thấy được những lợi ích lớn từ việc tự học và học suốt đời nên ông luôn vận động, động viên con cháu học suốt đời. Tại gia đình, ông có một tủ sách với hàng nghìn cuốn sách lịch sử, văn học, triết học, địa lý, thơ ca, chăm sóc bảo vệ sức khỏe, sách Nông nghiệp, làm vườn… “Khoa học, kiến thức là vô hạn, mà sự hiểu biết của con người là hữu hạn. Không có sách thì không có tri thức không có tri thức thì con người sẽ tụt hậu…”- Ông Nhiệm bày tỏ.
Đáng tự hào, từ năm 2000 gia đình ông Nhiệm đã đạt tiêu chuẩn Gia đình hiếu học cấp xã và năm 2007 đạt Gia đình hiếu học cấp Tỉnh. Bản thân ông được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Khuyến học, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ông cũng được Nhà nước tặng Huân chương, Huy chương và Bằng khen của Chính phủ trong sự nghiệp Bảo vệ Tổ quốc…
Không chỉ nỗ lực không ngừng trong việc học tập của bản thân mà ông cũng luôn vận động con cháu học tập suốt đời. Đến nay, hầu hết các con cháu ông đều đỗ và tốt nghiệp đại học. Trong đó có một Tiến sĩ – đại tá công an, một thượng tá công an, 3 thạc sĩ luật và 1 thủy lợi. Con cháu ông khi trưởng thành đều có công ăn việc làm. Gia đình văn hóa lấy chữ nhân, chữ đức làm lẽ sống, luôn quan tâm làm việc thiện, gương mẫu giữ gìn trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày...
Có thể nói, với nhận thức và hành động tích cực đúng đắn, sâu sắc trong vấn đề học tập suốt đời ông Nhiệm đã và đang góp phần giúp đỡ những người xung quanh mình có công việc, cuộc sống ổn định thông qua việc vận động và giúp người dân hiểu được lợi ích của học tập suốt đời. Hay nói một cách khác,ông Nhiệm đang hàng ngày góp sức vào công cuộc xây dựng nên một xã hội học tập tại nơi mình đang sống nói riêng, và cho xã hội nói chung.
Đạo Nho thì nói “Nhân bất học, bất tri lý hay nhân bất học tất như vật”. Bác Hồ đã dạy: Đường đời là thang không nấc chót. Việc học tập là quyển vở không trang cuối cùng. Năm nay tôi đã 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn học qua ti vi, đài tiếng nói và đặc biệt trên sách báo, tạp chí, trên mạng… |
Hồng Hà