Học để hiểu nguồn cội

Học để hiểu nguồn cội
Mỗi buổi học luôn tâm huyết và say mê. Ảnh: Lê Văn
Mỗi buổi học luôn tâm huyết và say mê.   Ảnh: Lê Văn
 

Học để trở về cội nguồn dân tộc

Lớp học Hán Nôm xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) chính thức được mở ra theo yêu cầu học tập, nghiên cứu của các học viên vào tháng 9/2013. Ngày đầu khai giảng, lớp học đã thu hút được hơn 30 học viên với nhiều lứa tuổi khác nhau tham gia học tập. Người ít tuổi nhất là 58, người nhiều tuổi nhất cũng 82 tuổi. Sau hơn một năm tồn tại hoạt động, hiện nay vẫn còn 18 học viên kiên trì, cần mẫn theo học. 

Ông Phạm Văn Thức – Phó giám đốc thường trực TTHTCĐ xã Vĩnh Sơn, cũng là người phụ trách lớp học - cho biết: Trải qua thời gian năm tháng, chữ Hán nôm gần như không được sử dụng nên không mấy người, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể đọc và hiểu.

Hoành phi câu đối trong đình chùa, gia phả, kinh thư... bằng chữ Hán Nôm dẫu được tô sơn son thiếc vàng, treo cao hoành tráng nhưng chẳng mấy người hiểu được ý nghĩa lịch sử, văn hóa, không thấy được cái hay, nét đẹp của các di sản văn hóa mà cha ông để lại.

Đứng trước thực trạng giá trị văn hóa di sản quê hương, đất nước ngày càng mai một, các cụ cao tuổi trong xã cảm thấy xót xa và có mong muốn được tìm hiểu, giải mã... để giữ lại hồn cốt, nét đẹp văn hóa lịch sử đó. 

Lớp học được mở ra có sự giúp đỡ kinh phí nhỏ của TTHTCĐ xã Vĩnh Sơn bởi vậy, để tồn tại lâu dài, những thành viên tổ chức phải tính toán kĩ lưỡng hợp lý. Trên tinh thần tự nguyện, ông Phạm Văn Thức – người có kiến thức, hiểu biết về Hán Nôm đã đảm nhiệm việc giảng dạy cho lớp.

Sau đó, khi cần mở rộng nội dung giảng dạy cũng như lượng kiến thức lớp học đã huy động thêm những cụ cao niên hiểu biết chữ Nôm trong xóm cùng tham gia giảng dạy cho lớp học.

Để khuyến khích tinh thần và nâng cao chất lượng học tập, ban tổ chức lớp học đã dùng khoản kinh phí ít ỏi, để tổ chức cho các thành viên tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khi tới đây, người học sẽ được tiếp cận nhiều hơn với kho tàng tư liệu Hán Nôm, cùng nghiên cứu, thảo luận và nâng cao hiểu biết... 

Cũng theo ban tổ chức lớp học, để khuyến khích tinh thần học tập, lớp học đã hoàn toàn miễn phí, và hỗ trợ về tài liệu, giáo trình học tập cho người học. Có được kiến thức, niềm vui khi học tập, sau hơn một năm, hầu hết các thành viên lớp học đã có thể đọc, viết và hiểu được một lượng không nhỏ kiến thức Hán Nôm.

Đáng nói, nhiều cụ say mê với kiến thức Hán nôm và có nhu cầu nghiên cứu sâu hơn còn tự bỏ tiền túi để mua từ điển Hán Việt, mua tam kinh, ngũ thiên tự, sách tự học Hán nôm, câu đối... về nghiên cứu. 

Lớp học còn như một câu lạc bộ nhỏ để những người cao tuổi cùng trao đổi, giao lưu các lĩnh vực khác trong cuộc sống; Giúp những người cao tuổi được vận động, sống khỏe, sống vui, sống có ích và áp dụng những kiến thức được học, trao đổi và đúc rút vào xây dựng kinh tế gia đình, địa phương.

Lớp học chữ Nôm của những người cao tuổi xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Ảnh: Lê Văn
Lớp học chữ Nôm của những người cao tuổi xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Ảnh: Lê Văn

Hiếu học để con cháu noi theo 

Tại lớp học Hán Nôm, cụ ông Kim Văn Học,  76 tuổi,  người đã từng làm Bí thư Đảng ủy xã gần 20 năm đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội làng nghề tại Vĩnh Sơn cho biết lý do đến với lớp học: Gia đình tôi thuộc diện hiếu học.

Người anh trai của tôi có trình độ Đại học Trung văn. Thấy anh học và am hiểu kiến thức Trung văn nên tôi khâm phục và rất thích. Bản thân tôi hiện nay đã nghỉ hưu, có thời gian nên muốn học để bản thân thêm hiểu biết. Khi tham gia vào lớp học, tôi thấy vui vì có thêm kiến thức.

Khi đi đến đình chùa, miếu mạo, tới các gia đình họ mạc có hoành phi câu đối, tôi có thể đọc và hiểu được ý nghĩa. Mặt khác, tôi quyết định tham gia lớp học để bắt mình phải vận động. Tuổi cao, nếu không vận động trí não sẽ bị ì và lẫn.

Tới lớp học vừa vui vừa có kiến thức, tinh thần sảng khoái. Là người cao tuổi thứ hai của lớp nhưng tôi sẽ học lớp học Hán Nôm này đến khi nào lớp học còn tồn tại”. 

Còn ông Vũ Đức Vinh – 67 tuổi (xã Vĩnh Tường), là bộ đội về phục viên và được bà con làng xóm tín nhiệm làm chủ tế ba khóa lại chia sẻ: “Học thì không có tuổi.

Các cụ già hơn tôi hàng chục tuổi còn học thì cớ gì mình không học để thêm hiểu biết. Tôi đã từng cảm thấy xấu hổ khi gia phả, hoành phi câu đối trong chùa, nhà thờ... mà không thể đọc và hiểu được ý nghĩa.

Tôi cũng cảm thấy xót xa khi lớp trẻ ngày nay không còn hiểu được văn hóa, lịch sử của cha ông để lại. Sau thời gian hơn một năm học tập, tôi không chỉ đọc, hiểu được ý nghĩa của chữ Hán Nôm mà còn cùng một vài cụ có tuổi trong lớp học có thể thay phiên nhau giảng dạy cho các thành viên khác.

Mà điều vui nữa khi tham gia lớp học là tôi có thể làm gương cho con cháu mình về tinh thần hiếu học. Tôi muốn nhắc con cháu mình, tôi đã già mà vẫn phải học thì con cháu còn trẻ càng phải học.

Đến nay, tôi đã dạy cho các cháu của mình có thể đọc và viết được tên mình bằng chữ Hán Nôm”. 

Sông  La

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ