(GD&TĐ) - Đến Trại giam Thanh Lâm nằm trên huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá chúng tôi rất bất ngờ khi được chứng kiến một lớp học. Lớp học ấy có 28 phạm nhân thuộc Phận trại 1, toàn là thanh niên trai tráng, có người đã bước sang tuổi trung niên. Ấy vậy mà một tuần 2 buổi sáng họ đều đặn lên lớp học bài bắt đầu từ những chữ O, A như trẻ nhỏ. Có rất nhiều con đường dẫn người ta đến phạm tội; nhưng đối với những phạm nhân “học sinh” này, nguồn gốc dẫn họ đi vào con đường phạm tội có lẽ là do nghèo, thất học và không có việc làm.
Học để làm người tốt |
Khi chúng tôi có mặt tại lớp học, thày giáo cũng mặc quần áo kẻ sọc đen trắng như học sinh đang say sưa giảng bài. Anh đọc mẫu những câu ca dao răn dạy con người ta sống phải biết “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Phải biết yêu lao động “ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Phải biết hiếu đễ với mẹ cha “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Người “thày giáo” ấy tìm hiểu ra mới biết đó là một luật sư. Anh phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý. Chỉ vì siêu lợi nhuận, từ một luật sư anh đã tự tha hoá mình thành tên tội phạm. Để rồi đây anh phải vào trại cải tạo, mới thấy thấm thía, hối hận thì đã muộn. Cũng may vào trại giam anh có tinh thần cải tạo tốt nên được Ban giám thị phân công đứng lên bục giảng dạy chữ cho những phạm nhân mù chữ.
Thượng tá Nguyễn Lâm Tân, Phó Giám thị Trại giam Thanh Lâm bảo: “những năm gầy đây, phạm nhân vào trại cải tạo rất đa dạng. Có người phạm tội vì bột phát. Có người phạm tội lần đâu. Có người phạm tội thuộc loại lưu manh chuyên nghiệp. Trong đó đặc biệt có cả những tri thức. Có thời điểm, Trại giam Thanh Lâm tiếp nhận đến mấy… thầy giao phạm tội. Tất nhiên họ cải tạo tốt nên đã được chúng tôi sử dụng làm “thầy giáo” dạy cho các phạm nhân mù chữ trong các phân trại của trại giam.”
Quản giáo kiểm tra lớp học |
Vào trai giam Thanh Lâm, các phạm nhân quả đúng là rất đa dạng. Người án dài, người án ngắn. Người mù chữ ở vùng sâu vùng xa. Lại có người mù chữ khi mà sinh ra lớn lên tại cả những thành phố, thị xã lớn. Do đặc thù như vậy nên công tác dạy chữ cũng gặp nhiều khó khăn. Dạy chữ được đến đâu quý đến đó chứ nào có theo một hệ thống giáo trình chính tắc nào. Có người học được “nửa chữ”, lại chuyển trại.
Mí Chá năm nay đã 27 tuổi. Chá người dân tộc Mường ở Hoà Bình. Chá phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý. Nào từ bé, Chá có được học hành gì đâu. Bé thì lên rẫy làm nương. Lớn lên một chút nữa thì bị bạn bè lôi kéo đi buôn bán ma tuý tận bên Lào về Việt Nam. Chá bị bắt và đi tù, bỏ lại nhà nương rẫy với vợ trẻ, hai đứa con thơ. Chá nhớ nhà, nhớ rừng, nhớ vợ con lắm nhưng chẳng biết làm thế nào. Chá ân hận, những giọt nước mắt thỉnh thoảng lại lăn trên gò má mỗi khi đêm về, ngồi lặng lẽ trong buồng giam.
Từ khi học được cái chữ, Chá vui hẳn lên. Chá chăm viết thư về nhà hỏi thăm vợ con, người thân. Những dòng chữ tuy còn nguyệch ngoạc, thỉnh thoảng sai lỗi chính tả nhưng nó như người bạn của Chá. Nó chia sẻ với Chá những tâm sự, niềm vui hay nỗi buồn. Thỉnh thoảng hết mùa nương rẫy, vợ con Chá lên thăm. Vợ khen Chá lắm. Giỏi thật, Chá đã biết đọc cái chữ, viết cái chữ rồi cơ đấy.
Thượng tá Tân thường xuyên quan tâm, kiểm tra lớp học |
Khác với Chá. Sơn quê ở thành phố Hải Phòng. Nhà Sơn không có điều kiện kinh tế, bố mẹ nghiện ngập, anh em lang thang kiếm sống nên Sơn không có điều kiện đi học. Rồi sơn cũng sớm ra nhập đội quân trẻ em đường phố. Tối đâu là nhà, gã đâu là giường. Sơn nhập trại vì tội có ý gây thương tích và mua bán trái phép chất ma tuý. Lên đây, được quản giáo và giám thị cho vào lớp học mà Sơn cảm động đến rơi nước mắt. Nhất là khi đọc đến câu: “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Sơn đã âm thầm khóc. Đời Sơn đâu biết đến tình cảm của mẹ cha, anh em ruột thịt. Lên đây Sơn mới được học, đọc và hiểu được tình đời, tình cha con nó thiêng liêng cao cả đến thế.
Thiếu tá Nguyễn Minh Thuận, Đội trưởng Đội tham mưu tổng hợp Trại giam Thanh Lâm bày tỏ: “Mở các lớp xoá mù chữ cho phạm nhân là công tác quan trọng của trại giam chúng tôi. Đó cũng là một phương pháp giáo dục, cải tạo phạm nhân rất hiệu quả. Nếu người mù chữ ở bên ngoài phạm tội chỉ vì thiếu hiểu biết thì vào đây khi được học chữ, học làm người chắc chắn họ sẽ tiến bộ, cải tạo nhanh hơn.”
Chỉ có điều dạy chữ ở trại giam cũng lắm gian nan. Có người học nhanh, có người học chậm nhất là đối với phạm nhân là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, trong lớp học đều là người lớn tuổi nên bắt đầu học phát âm cho đúng và viết chữ đôi khi còn khó khăn hơn trẻ nhỏ. Thế nên, mỗi buổi lên lớp, cả “thày” và “trò” đều vã mồ hôi. Học chữ mà như đánh vật.
Do đặc thù và cũng là điều kiện ở trại giam nên mỗi lớp học thường chỉ kéo dài 3 tháng. Phạm nhân học xong, được cấp chứng chỉ xoá mù chữ. Với nhiều người, cái chứng chỉ xoá mù chữ chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng đối với phạm nhân từng mù chữ thì nó lại có ý nghĩa vô cùng lớn, giúp họ tái hoà nhập cộng đồng nhanh hơn khi mãn hạn tù.
Bài và ảnh: Trà My - Đoàn Bách