Ngày chúng ta còn bé, trong khoảnh khắc giao thừa, bố mẹ thường mở hộp mứt đầu tiên. Chúng ta sung sướng ngắm nhìn, tận hưởng màu sắc đẹp mắt cùng vị ngọt lịm của các loại mứt bí, mứt sen, mứt lạc, mứt dừa…
Và chắc các bạn cũng không ít lần nung nấu ý định tự làm mứt cho gia đình nhưng vướng phải nhiều rào cản về thời gian, tiền bạc, nguyên liệu, cách làm…
Trong dịp Tết này, chị Nguyễn Thị Bích Thủy (Kiến trúc sư, SN 1986, Hà Nội) sẽ gợi ý cho bạn cách làm mứt dừa ngũ sắc, một loại mứt đẹp mắt, ăn ngon, rẻ tiền và rất dễ thành công ngay từ lần thử đầu tiên.
Chị Nguyễn Thị Bích Thủy làm nghề kiến trúc sư ở Hà Nội. Yêu thích nấu nướng, chị đã tự mày mò làm nhiều loại bánh, mứt khác nhau. Đây là những màu sắc của mứt dừa mà chị sẽ hướng dẫn các bạn làm trong hôm nay.
Chọn dừa bánh tẻ, không quá già không quá non, đường kính trắng, cùng với đó là các nguyên liệu đi kèm: lá dứa (tạo màu xanh), cà rốt (tạo màu vàng), gấc (tạo màu đỏ), củ cải đỏ (tạo màu tím).
Gọt bỏ vỏ cứng bên ngoài, cạo vỏ lụa rồi bổ dừa ra.
Dùng nạo nạo theo vòng tròn để có được sợi dừa dài.
Sau đó bạn xả kỹ bằng nước lạnh. Nếu lấy sợi dừa này làm mứt, bạn sẽ có mứt dừa tươi, thơm nhưng chỉ để được 10 - 15 ngày. Nếu muốn để dừa lâu (khoảng một tháng) thì bạn ngâm 7 - 8 tiếng trong nước để tách dầu. Cách này giúp mứt dừa để được lâu nhưng cũng làm cho mứt xơ và kém ngon hơn.
Sau đó bạn cho dừa vào bát và trộn thêm đường vào. Tỷ lệ đường phụ thuộc vào sở thích ăn ngọt hay nhạt của bạn. Trong trường hợp này, chị Thủy cho theo tỷ lê 5 lạng dừa trộn với 2 lạng đường.
Các bạn có thể cho thêm màu, thêm vị vào lúc ướp để tạo ra các loại mứt dừa khác nhau. Thời gian ướp trung bình là 10 đến 12 tiếng.
Có nhiều loại mứt dừa, phổ biến nhất là mứt dừa vị gấc, vani, lá dứa, cam…
Với gấc thì bạn bổ ra lấy ruột cho vào bát. Trộn rượu trắng vào bát rồi dùng tay bóp nhẹ để gấc ra hết chất màu.
Sau đó đổ gấc vào bát đựng dừa.
Rồi trộn đều và để ngâm đến khi sợi dừa chuyển từ màu trắng sang trong suốt.
Sau đó bạn sên trên chảo đế dày. Đun nhỏ lửa, đảo thường xuyên cho đến khi dừa khô lại và có những hạt đường li ti bám trên sợi dừa.
Lúc đó bạn tắt bếp và đổ dừa ra rổ hay khay lớn, trải rộng ra cho thoáng khoảng một ngày thì đóng gói lại để dùng dần.
Đây là thành phẩm mứt dừa màu đỏ vị gấc.
Với lá dứa (lá cơm nếp) thì bạn rửa sạch, cắt bớt những chỗ dập ở phần cuống.
Rồi đem thái nhỏ.
Cho vào máy xay cùng một chút nước.
Xay nhuyễn.
Đem lọc để lấy nước.
Rồi trộn vào dừa tươi cùng với đường.
Ngâm và sên tương tự như với mứt dừa vị gấc.
Bên cạnh sên trên chảo, bạn cũng có thể sử dụng lò nướng.
Theo chị Thủy thì mứt dừa handmade có ưu điểm là có vị tươi hơn, bùi hơn, đỡ ngọt hơn và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tự làm mứt để dùng trong ngày Tết cũng là một trải nghiệm thú vị. Ngoài làm mứt dừa trong dịp Tết chị Thủy còn làm bánh trung thu , bánh bích quy và nhiều loại bánh khác.
Mứt dừa ngũ sắc khá đẹp mắt trên bàn tiếp khách ngày Tết.
Ngoài việc để ăn, mứt dừa ngũ sắc còn có thể dùng để làm quà tặng.