Hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016, vì lợi ích của đất nước

GD&TĐ - Trong 2 ngày 28 – 29/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương, triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016.

Chính phủ yêu cầu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016
Chính phủ yêu cầu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016

Sáng 29/12, sau báo cáo giải trình cùa các bộ, ngành Trung ương Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu, tập trung về việc hội nhập kinh tế quốc tế. Phó Thủ tướng đề nghị cần nâng cao hiểu biết cho người dân và doanh nghiệp về việc gia nhập Cộng đồng chung ASEAN.

Nhấn mạnh đây là cộng đồng kinh tế được đánh giá là sẽ đem về nhiều lợi ích cho Việt Nam, tuy nhiên Phó Thủ tướng cũng dẫn lại khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho thấy chỉ 10% doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết và có thể tận dụng được những lợi thế này.

Tâm lý chung của các doanh nghiệp là quan tâm tới các thị trường ở xa như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Về vấn đề này, theo Phó Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức tuyên truyền trong thời gian qua nhưng thông tin tới doanh nghiệp vẫn khá thụ động. Điều này theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chính là điểm khác biệt với doanh nghiệp các nước.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng chỉ ra thực tế là người lao động của chúng ta hiện chưa đủ hiểu biết để có thể làm lao động quốc tế. Nhiều người lao động vẫn tranh thủ các chương trình xuất khẩu lao động để sang nước bạn “làm chui” và bị xác định là những lao động di cư bất hợp pháp.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ Ngoại giao rất nỗ lực trong công tác đảm bảo an toàn của công dân Việt Nam, nhưng tình trạng “vượt rào” như đã nêu khiến ngành ngoại giao rất khó đảm bảo an toàn, an ninh cho công dân Việt Nam.

Nhấn mạnh ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu yêu cầu nâng cao việc giáo dục pháp luật cho ngư dân.

Thủ tướng cho biết, nhiều nước trong ASEAN đẩy mạnh việc giáo dục pháp luật cho ngư dân, đặc biệt về vấn đề lãnh hải, ranh giới vùng biển giữa các nước. Thủ tướng lưu ý Bộ NN&PTNT và các tỉnh miền biển về việc từ đầu năm đến nay vẫn có tình trạng ngư dân của ta bị bắt khi xâm phạm vùng biển của nước bạn.

Thủ tướng chia sẻ: Bộ Ngoại giao đã quan tâm bảo vệ công dân, nhưng cũng phải tuyên truyền cho ngư dân của ta đừng xâm phạm chủ quyền của các nước khác. Lãnh đạo các quốc gia trong ASEAN rất thiện chí, nhưng ta cũng phải hành xử đúng pháp luật và các công ước chung.

Chúng ta cũng bảo vệ vùng biển của chúng ta khi bị xâm phạm. Vì vậy, đề nghị Bộ NN&PTNT, cùng các tỉnh ven biển phải đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật cho ngư dân để vừa bảo vệ chủ quyền của ta, vừa không xâm phạm chủ quyền các nước bạn.

Bế mạc hội nghị, Chính phủ cho biết trong 1,5 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, hội nghị đã tập trung thảo luận 2 nội dung lớn là Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2016.

Có 17 ý kiến phát biểu của lãnh đạo các địa phương và 20 lượt ý kiến phát biểu, trao đổi, giải đáp của các thành viên Chính phủ tại hội nghị.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ KH&ĐT phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Báo cáo và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2016 để sớm ban hành và triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2016; với tinh thần đặt ra là hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016, vì lợi ích của đất nước.

Quyết định phương án thi THPT quốc gia trước Tết Nguyên đán

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, sau khi kết thúc Kỳ thi THPT quốc gia 2015, Bộ đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến trường đại học, phổ thông, cán bộ khảo thí địa phương và các chuyên gia. Hiện Bộ GD&ĐT đang hoàn tất khâu cuối cùng để báo cáo Thủ tướng, Ban Tuyên giáo, sau đó công bố cho học sinh, muộn nhất là trước Tết Nguyên đán.

“Đến thời điểm này ngành GD khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả của Kỳ thi THPT quốc gia. Đa số ý kiến tại hội nghị đồng tình giữ nguyên Kỳ thi THPT quốc gia như năm 2015, điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật để tạo điều kiện cho thí sinh và gia đình”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ