Hoa trạng nguyên

Hoa trạng nguyên

(GD&TĐ) - Chiều hanh nắng tôi ghé thăm cô, hoa trạng nguyên đỏ thắm trước hiên nhà làm màu nắng thu thêm rực rỡ. Cô vừa chấm xong tập bài tháo kính ân cần hỏi thăm tôi: “Con dạo này thế nào? Bố mẹ con khỏe không?...” Tôi sà vào lòng cô nghe xúc động dâng trào, bao kỷ niệm học trò ùa về. Tôi thấy mình bé nhỏ như cô nữ sinh cấp ba lầm lỡ được cô dìu dắt, dạy dỗ nên người. 

 

Hồi đó nhà tôi gần chợ, mẹ mở quán nhỏ bán đồ uống, bánh kẹo. Nhiều khách lạ ghé quán uống nước khen tôi đẹp. Tuổi 16 tôi thành thiếu nữ, lòng xốn xang trước muôn ngàn lời có cánh. Những mối quan hệ khác giới thu hút tôi hơn gấp chục lần môn Toán khô khan, môn Sử nhiều dữ kiện phải thuộc lòng… Tôi rạo rực nhận lời yêu chàng học sinh cá biệt tên Nam. 

Con nhà giàu, Nam thường phải ăn cơm một mình. Ở trên lớp Nam hay quậy phá và lười học. Nam vét hết số tiền tiêu vặt hàng tháng mời tôi đi xem phim, thăm quan bảo tàng, công viên… Nam bảo ở bên tôi lòng Nam ấm áp. Tôi mủi lòng thương Nam và trượt dài trong những trò chơi vô bổ như game, chát chít…

Lúc cô cảnh báo: “L có nguy cơ phải học lại lớp 10”. Tôi chạy ào ra khỏi lớp, ngồi thụp dưới gốc phượng khóc nấc nở vì tủi hổ. Chợt giọng nói dịu dàng, quen thuộc vang lên sau lưng tôi: “Đứng lên con”. Tôi lau nước mắt nghẹn ngào nói: “Cô ơi, tương lai của con sẽ đi về đâu?...” Chẳng hiểu sao lúc đó trong đầu tôi lại lóe lên một ý nghĩ táo bạo. Lấy hết dũng khí tôi nhờ cô dạy thêm ba môn Toán, Lý, Hóa và nín thở đợi câu trả lời. Cô nghiêm giọng: “Trong ba ngày con thể hiện được khát vọng vươn lên, tinh thần học tập nghiêm túc cô sẽ giúp con”. 

Tôi như người chết đuối vớ được phao. Tôi viết dòng chữ “không học là đồ ngốc” lên cặp sách. Tôi thức khuya làm bài tập về hàm số lượng giác, viết phương trình phản ứng oxi hóa khử… Kiến thức rơi vãi hết, nhiều bài tập tôi loay hoay mãi không tìm ra cách giải. Đầu óc tôi như muốn nổ tung, ý nghĩ bỏ cuộc xuất hiện. Lời cô chợt văng vẳng bên tai: “Chỉ có con mới cứu được chính mình. Phương pháp học hiệu quả nhất là tự học. Con đọc sách giáo khoa, tự nghiền ngẫm chỗ nào khó hiểu thì hỏi cô”. 

Sáng nghe tiếng gà gáy tôi dậy ôn bài. Phần nào khó hiểu tôi liệt kê vào mảnh giấy nhỏ hỏi cô. Giờ ra chơi giữa hai tiết học, tôi ôm sách vở xuống phòng bác bảo vệ. Bao giờ cô cũng ngồi đợi tôi bên những trang giáo án mà kỳ công soạn cho riêng tôi. Cô bảo “muốn nắm vững kiến thức con cần hiểu bản chất vấn đề”. Tôi chưa thấy ai có phương pháp dạy học lạ và thú vị như cô.

Những kiến thức khoa học tự nhiêu trừu tượng, khô khan tôi nghĩ nát óc đôi khi vẫn hiểu sai. Cô rèn cho tôi thói quen vận dụng trí tưởng tượng, tư duy hình ảnh kết hợp liên hệ công thức, đơn giản hóa bài học. Thí dụ như để hiểu về đường sức điện, điện trường đều cô bảo tôi tưởng tượng hàng ngàn mũi tên được bắn ra từ một tòa thành…

Tôi đãng trí cứ học trước quên sau. Cô lập cây ghi nhớ với hình vẽ sinh động khuyến khích tôi sử dụng. Thật kỳ diệu, tôi dễ dàng nhớ được những sự kiện lịch sử Việt Nam và thế giới trải dài hơn chục thế kỷ… Mỗi ngày trôi qua khát vọng chinh phục tri thức cứ lớn dần trong tôi. 

Từ cô bé ham chơi, lười học, năm lớp 12 tôi được cô chọn tham dự kỳ thi học sinh giỏi toán. Cánh cửa đại học rộng mở trước mắt, tôi như chú chim nhỏ tung cánh bay khỏi vòng tay cô đến vùng trời tươi mới. 

Tôi trọ học xa nhà, những chiều mưa Hà Nội buồn hiu hắt. Gió thốc vào lòng nỗi cô đơn, tôi nhớ cô khủng khiếp. Thèm nghe giọng nói ấm áp, hiền dịu tôi bấm điện thoại gọi cô. Bao giờ cô cũng tắt máy gọi lại. Cô bảo: “Con chưa làm ra tiền phải biết tiết kiệm…” 

Vào năm thứ hai đại học, bố tôi buôn bán thua lỗ. Ruộng vườn rơi vào tay chủ nợ. Không còn gia đình chu cấp, tôi bỏ học làm công nhân may. Đêm về nhớ giảng đường, nước mắt tôi tuôn rơi. Thương học trò, cô viết thư động viên tôi:  “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ con à. Lấy niềm tin thắp sáng tương lai con sẽ vượt qua được những ngày tăm tối nhất trong đời…” 

Ngày nắng đẹp cô từ quê lên thăm con trai học đại học y và tôi. Nhìn chậu hoa trạng nguyên nhỏ cô tặng lòng tôi vui kỳ lạ. Thấy tôi làm công nhân vất vả lại chẳng còn thời gian học, cô giới thiệu tôi giúp việc gia đình cho một người quen. Vừa học vừa làm tôi mới thấm thía lời cô dạy: “Đường đi không khó vì cách núi ngăn sông mà chỉ khó bởi lòng người ngại núi e sông”…

Bao mùa hoa trạng nguyên đỏ thắm tình người đi qua. Tôi giờ đã là một phụ nữ hạnh phúc đủ đầy vẫn nhớ về ngày xưa…

Mã số: 2102

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.