"Hỏa ngục": Cuộc phiêu lưu vội vã qua châu Âu

“Inferno” của ngôi sao Tom Hanks gần như giữ nguyên mô-típ hai bộ phim trước xoay quanh nhân vật giáo sư biểu tượng học Robert Langdon là “The Da Vinci Code” và “Angels & Demons”.

"Hỏa ngục": Cuộc phiêu lưu vội vã qua châu Âu

Inferno - Hỏa ngục là bộ phim thứ ba được thực hiện dựa trên loạt tiểu thuyết ăn khách của nhà văn Dan Brown. Nhân vật chính trong tác phẩm là Robert Langdon - giáo sư ngành biểu tượng học của trường Đại học Harvard, với hành trình khám phá các vụ án liên quan đến nhiều tổ chức, huyền thoại bí ẩn mà sự tồn tại của chúng vẫn là điều gây tranh cãi.

Hai phần trước, The Da Vinci Code (2006) và Angels & Demons (2009), tuy không được đánh giá cao về mặt chất lượng, nhưng đã thu về hơn 1,2 tỷ USD toàn cầu nhờ danh tiếng của Tom Hanks và nguyên tác. Sau bảy năm, hãng Colombia Pictures mới cho ra mắt phần tiếp theo là Inferno.

Bản thân nguyên tác văn học lấy cảm hứng từ Hỏa ngục, một trong ba phần chính của bộ trường ca Thần khúc do đại thi hào Dante Alighieri sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1308 đến 1320. Nhà văn Dan Brown đã mượn ý tưởng thế giới địa ngục do Dante xây dựng để phát triển câu chuyện thời hiện đại.

Inferno là bộ phim thứ ba dựa trên loạt tiểu thuyết ăn khách xoay quanh nhân vật giáo sư Robert Langdon của nhà văn Dan Brown. Tác phẩm điện ảnh do Ron Howard làm đạo diễn và tiếp tục có Tom Hanks sắm vai chính. Ảnh: Sony.

Mở đầu bộ phim Inferno, giáo sưRobert Langdon (Tom Hanks) tỉnh dậy sau cơn hôn mê, phát hiện ra mình đang ở Florence, Italy. Ông bị mất trí nhớ tạm thời, không còn bất cứ ký ức nào về khoảng thời gian vài ngày trước đó. Ngay khi vừa tỉnh giấc, Langdon bị truy sát bởi một tay sát thủ lạ mặt (Ana Ularu).

Nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ Sienna Brooks (Felicity Jones), ông chạy thoát và tìm được chỗ ẩn náu an toàn. Sau đó, Robert Langdon phát hiện ra mình đang mang theo một chiếc ống bảo mật, bên trong chứa dữ liệu về bức tranh Vực địa ngục do danh họa Sandro Botticelli sáng tác để minh họa cho bài thơ Hỏa ngục của Dante.

Ẩn trong bức tranh Vực địa ngục ấy là những thông điệp bí ẩn được để lại bởi Bertrand Zobrist (Ben Foster) - một tỷ phú, thiên tài trong lĩnh vực di truyền học và siêu nhân học. Zobrist là kẻ có quan điểm cực đoan về vấn đề quá tải dân số của loài người, bị ám ảnh bởi Hỏa ngục khi cho rằng thế giới hiện đại chính là địa ngục mà Dante từng mô tả.

Hắn tin rằng mình đã tìm ra một thứ có thể chấm dứt sự quá tải dân số, đồng nghĩa với việc hàng tỷ người trên Trái đất có thể sẽ biến mất hoàn toàn. Robert Langdon tiếp tục dấn thân vào hành trình khám phá những dữ kiện mà Zobrist để lại để tìm ra thứ phát minh khủng khiếp trước khi quá muộn.

Cuộc phiêu lưu vội vã qua châu Âu xinh đẹp và cổ kính

Inferno sở hữu mô-típ không đổi so với hai tập trước. Trong phim, giáo sư Langdon tiếp tục bị đẩy vào một cuộc phiêu lưu không mong muốn, với nhiệm vụ là phải giải mã những câu đố, kết nối dữ liệu, qua đó từng bước tìm đến mục tiêu cuối cùng.

Về cơ bản, nhân vật chính vẫn phải chạy đi chạy lại giữa các địa điểm khác nhau, tìm kiếm các thông điệp ngầm và diễn giải chúng với vốn kiến thức uyên bác của bản thân. Điểm khác có chăng là lần này, Langdon còn phải tìm lại phần ký ức đã mất trong vài ngày trước đó.

Nhiều địa danh nổi tiếng tại châu Âu xuất hiện trong Inferno. Ảnh: Sony.

Inferno không giới hạn bối cảnh tại nước Pháp như ở The Da Vinci Code hay Tòa thánh Vatican trong Angels & Demons. Hành trình của Robert Langdon ở Inferno trải dài qua nhiều địa danh khác nhau tại Italy và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tiêu điểm chính của bộ phim mới là thành phố cổ kính Florence, Italy - cái nôi của phong trào Phục hưng. Đây cũng chính là quê hương của đại thi hào Dante, tác giả tập Thần khúc - cảm hứng tạo nên câu chuyện của Inferno.

Khán giả sẽ được theo chân Robert Langdon lần lượt đi qua nhiều địa danh tiêu biểu của Florence như cung điện Palazzo Pitti, vườn Boboli, tòa thị chính Palazzo Vecchio… Sau đó là vương cung thánh đường San Marco và quảng trường St. Mark tại thành phố Venice xinh đẹp, lãng mạn.

Cuối cùng, hành trình kết thúc tại tòa nhà Hagia Sophia từng tồn tại qua 15 thế kỷ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tăng cường số lượng bối cảnh khiến người xem chưa thể chiêm ngưỡng đầy đủ vẻ đẹp của hàng loạt địa danh nói trên. Do đó, Inferno chỉ giống như cuộc du lịch “chớp nhoáng” và có phần vội vã trên màn ảnh.

Tăng cường hành động, giảm yếu tố trinh thám

So với hai bộ phim trước, Inferno có phần nội dung được tiết chế đơn giản và dễ xem hơn hẳn. Đội ngũ biên kịch và đạo diễn Ron Howard đã hạn chế hơn các kiến thức thực tế về lịch sử, địa danh… cần diễn giải trong phim, để khán giả không bị “bội thực”.

Điều đó có thể giúp cho khán giả đại chúng chưa từng đọc nguyên tác dễ tiếp cận bộ phim hơn. Nhưng đó lại là “con dao hai lưỡi” khi khiến bộ phim phần nào rời rạc, thiếu tính kết nối giữa các dữ kiện.

Để thêm tính giải trí cho tác phẩm, nhà sản xuất quyết định tăng cường phần hành động cho bộ phim so với nguyên tác, đặc biệt là trong trường đoạn cuối cùng.

Đẩy mạnh yếu tố hành động khiến các tình tiết trinh thám bị giảm đi trong phim. Ảnh: Sony.

Đó thêm một lần nữa là “con dao hai lưỡi” khi Inferno bỗng trở thành một tác phẩm hành động thông thường với mô-típ truy tìm một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tính hình sự, trinh thám với nhiều chi tiết bí ẩn cần khám phá vô tình lại bị xem nhẹ.

Nguyên tác văn học Inferno từng thu hút độc giả bởi bầu không khí nghi hoặc bao trùm, khi danh tính và mục đích thực sự của các nhân vật được che giấu khá bài bản. Bản thân Robert Langdon cũng giống như độc giả, khi ông không biết đã có chuyện gì xảy ra, không biết ai là bạn là thù.

Trên phim, nhiều chi tiết nhằm xây dựng nhân vật bị lược bỏ do vấn đề thời lượng, khiến yếu tố trinh thám tiếp tục giảm đi. Thân phận của nhiều nhân vật bị lộ khá sớm, còn một số nhân vật khác lại chỉ tự thú mục tiêu khá đơn điệu mà thiếu đi bằng chứng thuyết phục.

Rốt cuộc, Inferno trở thành bộ phim tương đối dễ đoán, thiếu tính bất ngờ và sự thuyết phục nhất định để có thể nâng tầm bản thân so với các tác phẩm cùng thể loại, hoặc chí ít là hai tập phim trước.

Thay đổi chưa hợp lý về nhân vật

Inferno sở hữu nhiều tuyến nhân vật khác nhau với mối liên kết phức tạp. Tuy nhiên, cũng do thời lượng hạn chế của bộ phim, nhà sản xuất đã lược bỏ đi nhiều nội dung liên quan đến nguồn gốc các nhân vật.

Điều đáng tiếc nhất là nhà sản xuất đã quyết định thay đổi gần như hoàn toàn bản chất của tuyến nhân vật phản diện lẫn cái kết của bộ phim so với nguyên tác. Bertrand Zobrist vốn dĩ là vai phản diện có chiều sâu, với lý tưởng cực đoan nhưng hợp lý và đáng suy ngẫm.

Trên phim, Bertrand Zobrist không còn được thuyết phục như trên các trang sách. Ảnh: Sony.

Nhưng trên phim, hắn hiện lên giống như kiểu vai diễn “khoa học điên” điển hình, một kẻ tài năng với tư tưởng quá khích và điên rồ, với mong muốn hủy diệt loài người để phục vụ lý tưởng bản thân. Còn đám người đi theo hắn chỉ là những kẻ cuồng tín thực hiện ý đồ theo hướng mù quáng.

Điều đó vô tình hạ thấp mục đích và lý tưởng nhân vật gốc khá nhiều, đồng thời làm mất đi tư tưởng chủ đạo mà tác giả Dan Brown muốn đưa đến cho độc giả: vấn đề quá tải dân số và lý tưởng về cách giải quyết điều đó.

Trên thực tế, thông điệp được nói đến ở đầu phim theo hướng vắn tắt, để rồi sau đó mau chóng bị lãng quên. Rốt cuộc, khán giả sẽ khó có thể hiểu tại sao Zobrist lại bị ám ảnh bởi Hỏa ngục đến vậy, cũng như câu hỏi nhức nhối về vấn đề quá tải dân số rốt cuộc lại chẳng đi đến đâu.

Dàn diễn viên thực lực và tròn vai

May mắn cho Inferno là bộ phim sở hữu dàn diễn viên có kinh nghiệm diễn xuất phong phú. Ngôi sao gạo cội Tom Hanks tiếp tục là linh hồn của bộ phim với đẳng cấp diễn xuất chuyên nghiệp.

Ông không gặp bất cứ khó khăn gì trong việc thể hiện nhân vật quen thuộc, ngoại trừ việc dấu ấn tuổi tác đã bắt đầu hiện rõ lên gương mặt của tài tử. Có lẽ Tom Hanks đang dần trở nên không còn phù hợp với những vai diễn đòi hỏi phải liên tục hành động và suy luận như Robert Langdon nữa.

Cả Tom Hanks và Felicity Jones đều chứng tỏ được đẳng cấp diễn xuất trong Inferno, dù dây chỉ là một tác phẩm giải trí đơn thuần. Ảnh: Sony.

Bóng hồng lần này sát cánh cùng Robert Langdon là nữ bác sĩ trẻ Sienna Brooks do Felicity Jones thể hiện. Nữ diễn viên trẻ đang lên người Anh có phần nổi bật hơn so với hai nữ chính trước đó của loạt phim là Audrey Tautou và Ayelet Zurer, từ ngoại hình đến nét diễn xuất.

Nhìn chung, Inferno chưa thể giúp tạo ra đột phá cho loạt phim về nhân vật Robert Langdon khi sở hữu mô-típ quen thuộc và mang đến những thay đổi chưa thực sự hợp lý.

Nếu đạo diễn Ron Howard còn tiếp tục muốn chuyển thể The Lost Symbol (Biểu tượng thất truyền) hay Origins (Nguyên bản) tới đây, ông thực sự cần tìm ra một phương hướng mới mẻ và phù hợp hơn.

Inferno (Hỏa ngục) khởi chiếu trên toàn quốc từ 14/10.

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ