Hoa Lư thiền ngộ một áng thơ

GD&TĐ - Nếu không có những rung cảm đặc biệt, gấp trăm ngàn lần rung cảm thường nhật thì sẽ không bao giờ mở được cánh cửa thiền ngộ, để chạm vào tận cùng của lịch sử bi hùng. 

Hoa Lư thiền ngộ một áng thơ

270 khổ thơ trong 121 bài thơ của Sử thi Hoa Lư thi tập là những gạn lọc tinh tú phủ trùm không gian. Bản năng dệt vần thơ của Giáo sư Hoàng Quang Thuận là sự minh mẫn trọn vẹn đến từng hơi thở. Ông đã hòa vào sự sống nơi cố đô, biến hóa sự vật, hiện tượng thành thơ ca.

Hiến dâng bản ngã cho lẽ sống cuộc đời

Với Hoàng Quang Thuận, sông nước, núi non, đền thờ, miếu mạo của mảnh đất Hoa Lư đều quyện với đất trời, khơi dậy hình hài có thật.

Cố nhân quay lại đã nghìn năm
Đô thành ngày ấy dưới trăng rằm
Hoa trôi Giếng Ngọc đâu còn nữa
Lư thành người cũ có viếng thăm

Cả một triều đại nằm dưới ánh trăng rằm, để rồi chìm khuất trong tịch mịch cô liêu, chỉ còn lại ánh hào quang vang vào thinh không. Hoàng Quang Thuận nhìn quá khứ bằng con mắt trí tuệ và tâm tỉnh thức. Từ trong tận cùng nào đó, ông cảm nhận những linh hiện đang nằm sâu dưới lớp bụi thời gian.

Mỗi lần về với cố đô xưa, Hoàng Quang Thuận lại “say” với thế sự thời cuộc. Mỗi bước chân của ông là một vệt nấc của thời gian, cứ thế ùn ùn kéo đến, ngỡ như mộng tưởng. Chính người lữ khách cũng không thể hiểu nổi vì sao cảm xúc dâng trào đến như vậy.

Cung điện vàng son một thủa nào
Thuyền rồng sóng vỗ mạn lao xao
Ngàn thu bóng xế bao ưu hoạn
Để lại kinh thành vạn ánh sao

Cảnh cũ, người xưa hiện về choáng ngợp trong tâm khảm, trái tim của thi nhân. Có một thứ gì đó như làn gió mát lành từ cung điện tỏa ra, và bóng dáng của nàng công chúa xa mờ ẩn hiện bên Giếng Ngọc mang một nỗi u hoài, man mác về thế sự.

Giáo sư Hoàng Quang Thuận chia sẻ, mỗi lần đến cố đô, đôi chân ông nặng trĩu, muốn rảo nhanh mà không được, bởi từng bậc thềm rêu xanh đều như phủ bóng người xưa, mỗi nhành hoa như nụ cười thiếu nữ, thẩm thấu vào tâm hồn ông một tứ thơ tự nhiên như thinh không. Một cánh chim chao nghiêng giữa bầu trời vờn mây đuổi gió, một làn nước gợn sóng xô bờ, đều “lọt” vào mắt thi sĩ, hóa thành phiêu hồn bất tử giữa cõi trời.

Thơ vô tình mà hữu ý đưa Hoàng Quang Thuận về cố đô, đó như là “cái duyên” tiền định, giao cho ông xứ mệnh khơi dậy quá khứ lịch sử bi hùng của cha ông hàng ngàn năm dựng nước, tái hiện lại các triều đại Đinh, Lý, Tiền Lê với những khúc tráng ca đại thắng lưu danh ngàn thu.

Độc bản Sử thi Hoa Lư thi tập
 Độc bản Sử thi Hoa Lư thi tập

Đọc Hoa Lư thi tập rồi một lần đến kinh đô xưa, rảo bước trong thung lũng núi non trùng điệp sẽ thấy sự diệu vợi đến thảng thốt của cảnh trời mây non nước, của cung gấm dấu xưa. Càng thấm thía sự tinh tế, sâu lắng đến vô cùng vô tận của Hoàng Quang Thuận.

Rêu phong phủ đá lưng chừng núi
Cô tịch chùa xưa động am tiên
Lạc lối non cao đền động cũ
Nhũ đá trần hang tỏa khí thiêng

Những bước chân lạc lối trên non cao của Hoàng Quang Thuận, đã cho ông cảm tác về khí thiêng nơi đền động. Thời gian phủ bóng rêu phong, một ngôi chùa nằm cô tịch trên đồi vắng “chảy” vào hồn lữ khách, như gọi cả “triều đại” quy tụ về đất “rồng cuộn, hổ ngồi”. Dẫu vậy thì câu thơ vẫn đong đầy khí vị của thiền. Bóng dáng cô liêu của ngôi chùa cổ gối lên lá khô, hình hài trầm mặc ấy muôn đời vẫn thế.

Cứ tự hỏi không biết Giáo sư Hoàng Quang Thuận đã tới cố đô bao nhiêu lần mà có thể tả đến chi tiết, tỉ mỉ đến vậy! Để trong thơ như có họa, hiện từng dấu tích thủa xưa, từng ngôi chùa, dòng sông, bến nước cho đến mỗi nhành hoa bảng lảng rơi rụng dưới sân đình. Rộng nữa là cảnh làng quê hữu tình, với những chú dê gặm cỏ bên triền núi đá, nghe vẳng đâu xa tiếng sáo mục đồng.

Sông nước bao la cảnh hữu tình
Nắng tràn thung rộng sóng lung linh
Chim bơi cá nhảy trên sông vắng
Đâu biết ngày xưa cảnh chiến chinh
Đàn dê gặm cỏ bên chân núi
Mục đồng thổi sáo dắt trâu về
Lam chiều vương khói trên giàn mướp
Ráng hồng nhuộm thắm cánh đồng quê

Bức tranh thiên nhiên hiện lên giữa lòng thung của kinh thành Hoa Lư, tất cả đều mang vẻ đẹp vô ngần của tạo hóa. Vẻ đẹp ấy hồn nhiên hiển diện tại nơi một thời binh đao, chinh chiến. Thơ của Hoàng Quang Thuận đã bung trào không biên giới, chạm đến ngưỡng tận cùng của không gian và thời gian.

Hoa Lư thi tập không đi theo lối mòn, cũng chẳng có niêm luật giống như các thể thơ đương đại, đó là điều đặc biệt làm nên một hồn thơ mang tính cách riêng Hoàng Quang Thuận. Ngôn ngữ trong thơ ông biến hóa khôn lường, nhưng dung dị, thuần khiết, chứa đựng hơi thở của tâm linh thiền định. Hoàng Quang Thuận cảm nhận thơ bằng sự am hiểu lịch sử tường tận, bằng sự chiêm nghiệm và trái tim đa cảm.

Trong một thời gian rất ngắn, mà theo tác giả nói là “ngắn đến mức trỗi dậy”, choáng ngợp trong đầu và không có khoảng trống cho những thứ khác xen vào. Những áng thơ bất hủ được “chiết xuất” bằng trái tim, nhưng Giáo sư Hoàng Quang Thuận không nhận mình là thi sĩ, bởi trên hành trình của mình, ông miệt mài ra đi để tìm đích đến là một điều gì đó lớn lao hơn, vĩ đại hơn. Dù ở đâu đi nữa, ông luôn đam mê và hiến dâng tất cả bản ngã của mình cho lẽ sống cuộc đời.   

Giáo sư Hoàng Quang Thuận đến với thơ vì chữ “duyên”
Giáo sư Hoàng Quang Thuận đến với thơ vì chữ “duyên” 

Tâm nhập cảnh, hồn nhập thơ

Đêm u tịnh, thanh vắng giữa chốn linh thiêng, chỉ có một mình Hoàng Quang Thuận và những trang thơ. Một sự thinh lặng vượt ra ngoài biến động. Đó là khoảng thời gian cho ý niệm và tâm niệm lên ngôi, cho tâm nhập cảnh, cho hồn nhập thơ. Những tứ thơ vô biên nơi thiền tịnh an nhiên lung linh cứ thế ra đời. Canh thâu, thức trắng cùng thơ, chấm bút vừa lúc bình minh lên để rồi bản thân khi đọc lại những vần thơ do chính mình sáng tác, ông cũng thảng thốt, bất ngờ.

Ông dành trọn vẹn trái tim của mình vào những bi hùng của quá khứ để cho ra đời những vần thơ vút qua mộng cảm, trọn tình, thắm ý. 121 bài thơ trong Hoa Lư thi tập có ý nghĩa như một bản thi ca lịch sử tái hiện những giá trị hào hùng, bi tráng của cha ông. Đọc để thấy một tình cảm sâu nặng với tiền nhân, những đau đáu với biến cố lịch sử và trăn trở những gì còn lại trên mảnh đất cố đô Hoa Lư.

Thân chinh ngự giá chiếu dời đô
Sào Khê bến nước dựng cơ đồ
Quân vương nhìn lại quân thành cũ
Sương khói chiều thu bóng núi mờ…

Từ trong tận cùng khoảng lặng nào đó của thời gian, vút qua cánh cổng không gian, Hoàng Quang Thuận đã bắt gặp tình đời trong sự sống. Đó là những vi diệu trong y thuật của các nhà sư chốn thiền môn, cứu độ chúng sinh giữa gian nguy sinh tử. Dường như nhà thơ có một tình cảm đặc biệt với y học, khi ông phát hiện ra cả một ‘giếng ngọc” còn linh dược, là những bài thuốc quý báu lưu giữ cho đời sau.

Quê nhà hái thuốc chữa Hoán Dương
Minh Không đâu quản ngại dặm đường
Núi Phật thuốc tiên lành bệnh hiểm
Thái y nhà Lý chữa đế vương
Thiên y thư sách thuốc trời ban
Thiên Không thánh Nguyễn cứu dân làng
Ao sâu giếng cả còn linh dược
Y thuật đời sau một cẩm nang

Nhìn lại hơn một trăm bài thơ trong Hoa Lư thi tập, Giáo sư Hoàng Quang Thuận nhớ từng câu từng chữ, từng mốc cảm xúc, từng sự vật sự việc liên quan. Ông lắng mình vào đó, với một giọng đọc vừa da diết lại vừa trầm mặc. Nghe những trăn trở của thi nhân, tự nhiên tôi có cảm giác Hoàng Quang Thuận luôn có mặt trong thơ, cả khi an vui nhất đến lúc khổ đau tận cùng của từng nhân vật.  

Giáo sư David J. Lanoue (Trường Đại học Xavier, Lousiana - Hoa Kỳ), dịch giả cuốn Sử thi Hoa Lư thi tập ra tiếng Anh khi đọc thơ của Hoàng Quang Thuận đã phải thốt lên: “Bằng con mắt tinh tường và cảm quan nhạy bén gần như của một thầy địa lý, ông Thuận đã miêu tả và giới thiệu một cách trìu mến những nhân vật lịch sử độc đáo, cũng như lịch sử nói chung của vùng đất ông yêu, với vô số núi non, hang động, hồ nước tuyệt đẹp. Đó là thế giới thần tiên nửa chìm nửa nổi, nơi ta có thể gặp những chú voi hiền lành đang ngủ, những con vượn đang hót hoặc một ông già say rượu nằm trên đất, một vị cao tăng trong tư thế thiền định bất tận của mình…”

Đại diện Liên minh kỷ lục Thế giới chúc mừng Giáo sư Hoàng Quang Thuận

Đại diện Liên minh kỷ lục Thế giới chúc mừng Giáo sư Hoàng Quang Thuận

Phảng phất trong cõi tu thiền, Hoa Lư thi tập của Giáo sư Hoàng Quang Thuận là một độc bản riêng, có một không hai trên thế giới. Dù ông không nhận mình là nhà thơ, thì cả một công trình vĩ đại mang cốt cách Hoàng Quang Thuận đi vào văn đàn thi ca đương đại là một sự thật. Sự thật này đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập độc bản cuốn sách Sử thi Hoa Lư thi tập vào năm 2010.
Sau đó, tác giả đã trao tặng cuốn sách này cho Ủy ban nhân dân TP Hà Nội nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Để khẳng định giá trị độc bản về chế tác và nội dung của tác phẩm thêm một lần nữa, ngày 5/5/2016, Liên minh kỷ lục thế giới – WorldKings đã trao bằng xác lập kỷ lục thế giới cho Sử thi Hoa Lư thi tập. Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội sẽ mở rộng trưng bày, nâng cao và phát huy giá trị độc bản thế giới Sử thi Hoa Lư thi tập, giới thiệu cuốn sách bằng nhiều thứ tiếng đến nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.   

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ