Triệu Tổ Miếu là nơi thờ ông bà Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim được coi là tổ của 9 đời chúa Nguyễn (1558 - 1777). Công trình được xây dựng năm 1804 ở phía Đông Nam trong Hoàng thành Huế.
Cùng với Thái Tổ Miếu, Hưng Tổ Miếu và Thế Tổ Miếu, Triệu Tổ Miếu là một trong những công trình tâm linh quan trọng của triều Nguyễn (1802 - 1945), thể hiện truyền thống thờ cúng tổ tiên và nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam.
Dự án sẽ bảo tồn phục chế hoàn chỉnh phần sơn son thiếp vàng; gia cố phục chế phần chạm khắc và khung gỗ của 3 án thờ đặt ở Triệu Tổ Miếu, với sự tham gia phục chế của nghệ nhân Đỗ Kỳ Mẫn.
Dự kiến đến tháng 10/2014 sẽ hoàn tất. Các an thờ tại Triệu Tổ Miếu mang ý nghĩa rất quan trọng về mặt lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của dân tộc.
Về mặt lịch sử, các án thờ này là những hiện vật gốc đánh dấu một giai đoạn trong lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử triều Nguyễn nói riêng.
Đây là những hiện vật tế tự là không thể thiếu trong các hoạt động nghi lễ truyền thống của người Việt đặc biệt là trong hoạt động nghi lễ cung đình, dưới hình thức thờ cúng tổ tiên của hoàng gia thời Nguyễn, thuộc nghi lễ Đại tự.
Vì thế, đây không chỉ là những cổ vật có giá trị lịch sử mà còn là những thành tố văn hóa cấu thành nên nét đặc trưng của văn hóa Huế.
Gắn liền với những quan niệm mang tính triết lý cao, thông qua ý nghĩa biểu tượng trang trí trên án thờ, quy tắc sắp xếp và bài trí thờ tự…, thể hiện quyền lực và vị thế của dòng họ đang cai trị đất nước.
Vì thế, việc chế tác và trang trí trên các án thờ đều được thực hiện rất tinh xảo, công phu, thể hiện phong cách mỹ thuật cung đình Huế giai đoạn đầu thế kỷ 19.
Việc bảo tồn phục chế các án thờ này với các kỹ thuật thủ công truyền thống sẽ góp phần bảo tồn những tuyệt tác của nghệ thuật chạm khắc, sơn son, thếp vàng.
Được biết trong thời gian sắp tới công trình Triệu Tổ Miếu cũng sẽ được tu bổ, vì vậy sau khi được phục hồi, 3 án thờ sẽ được trung bày tại Hưng Tổ Miếu để phục vụ du khách quan cho đến khi Triệu Tổ Miếu được trùng tu hoàn chỉnh sẽ đưa về đặt tại vị trí cũ.