Hóa đơn tiền điện “bỗng” tăng cao vì đâu?

GD&TĐ - Thời tiết chuyển sang nắng nóng khiến mức tiêu thụ điện bình quân tăng khoảng 16% cộng với tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công Thương công bố vào ngày 20/3 theo Quyết định 648/QĐ-BCT được cho là nguyên nhân khiến hoá đơn tiền điện tăng cao…

Tăng giá điện ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp sản xuất. Ảnh: INT
Tăng giá điện ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp sản xuất. Ảnh: INT

Có tăng bất thường?

Không chỉ người dân “kêu trời” vì hóa đơn tiền điện tăng cao mà các doanh nghiệp sản xuất cũng cho rằng, việc tăng giá điện ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của họ. Ông Nguyễn Hồng Vinh - Tổng Giám đốc Vinh Quang Group có địa chỉ tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, tiền điện của doanh nghiệp trong tháng 3/2019 đã tăng khoảng 5% so với tháng 2/2019.

“Từ khi có điều chỉnh giá điện (20/3 - PV) hóa đơn tiền điện mà doanh nghiệp sử dụng đã tăng lên đáng kể, trong khi đó mọi hoạt động của tháng 3 không thay đổi nhiều so với những tháng trước đó. Tháng 2 tiền điện doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 150 triệu đồng đến tháng 3 đã là hơn 160 triệu đồng. Việc hóa đơn giá điện tăng lên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc kinh doanh sản xuất tại đơn vị…”, ông Vinh chia sẻ.

Cùng mối quan tâm về việc điện tăng giá, ông Huỳnh Tấn Quyên - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dây và cáp điện Thượng Đình cho rằng, đối với doanh nghiệp việc tăng giá điện đã tác động vào chi phí, làm giá bán sản phẩm tăng cao và cạnh tranh khó hơn…

Trao đổi với Báo GD&TĐ ngày 2/5, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, thời điểm nắng nóng, sử dụng điện tăng là đúng. Tuy nhiên, mức tăng tiền điện trên thực tế cao hơn mức giải thích, hoặc mức đề xuất bởi nếu chỉ thuần túy tăng 8,36% thì người dân sẽ tính tiền điện của tháng chỉ tăng 8,36%, nhưng thực tế tối thiểu đã tăng 35%, tối đa tăng nhiều hơn nữa.

“Rõ ràng giữa giải thích và thực tế có sự khác nhau. Cần phải thẩm định lại cách giải thích khi hóa đơn tiền điện tăng theo cách tính của EVN. Một trong lý do là tháng 4 có thêm 3 ngày như vậy tối đa tăng thêm 10%, (3 ngày của 30 ngày) cộng với 8,36% tăng tối đa sẽ là 18,36%. Việc tăng gấp đôi (35%) rõ ràng cách tính có vấn đề. Đề nghị cần có thẩm định, kiểm định và đánh giá giải trình lại về cách tính…”, TS Nguyễn Minh Phong nói.

EVN lên tiếng

Trao đổi với Báo GD&TĐ, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, theo quy luật thời tiết, hằng năm tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C; khu vực miền Bắc đặc biệt là Thủ đô Hà Nội bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày nắng nóng lên đến 37 độ C, do vậy nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho các thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là thiết bị làm lạnh tăng cao.

Bên cạnh đó là tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công Thương công bố vào ngày 20/3 theo Quyết định 648/QĐ-BCT thì mức độ tăng giá bình quân của tất cả các nhóm khách hàng là 8,36%, riêng với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, mức tăng tiền điện từ 8,35% - 8,38% tuỳ theo mức độ sử dụng điện trong tháng, chi tiết tính toán tiền điện (gồm cả thuế GTGT) mà khách hàng phải trả trong tháng ứng với các mức tiêu thụ điện từ 100 kWh - 1.000 kWh.

Một lý do khác là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày) là 3 ngày, số ngày tăng thêm trong tháng sẽ làm cho điện năng sử dụng của tháng 4/2019 tăng thêm 10,71%.

Với việc ngày sử dụng điện theo phiên ghi chỉ số tăng 3 ngày làm tăng lượng điện năng tiêu thụ lên 10,71%, đồng thời với việc thời tiết chuyển sang nắng nóng cũng làm tăng mức tiêu thụ bình quân lên khoảng 16% thì ngay cả việc giá điện nếu không có điều chỉnh vào cuối tháng 3 cũng đã làm tăng mức tiêu thụ điện của tháng lên gần 27%. Đây là 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng lên đáng kể, nếu khách hàng càng sử dụng nhiều điện thì mức tăng tiền điện càng lớn.

Theo EVN, tính đến ngày 26/4, thống kê về hoá đơn tiền điện của các hộ gia đình tại 2 thành phố lớn nhất cho thấy: Tại Hà Nội có trên 57,29% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức điện năng sử dụng tháng 4/2019 tăng trên 30% so với tháng 3/2019, tỷ lệ này tại TPHCM là trên 47,18%. Về hóa đơn tiền điện tăng cao, trong khoảng thời gian từ ngày tăng giá điện, EVN đã nhận được các thắc mắc, tuy nhiên các khách hàng đều hài lòng với kết quả giải quyết của ngành điện.

Đi kèm với bức xúc về hóa đơn tiền điện tăng vọt, dư luận cũng thắc mắc về sự bất thường khi EVN đang “ngập nợ” nhưng vẫn để hơn 42.000 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn trong ngân hàng và gần 20.000 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn tại thời điểm 30/6/2018?

Về việc này, EVN cho hay số dư tiền trên được tổng hợp từ tất cả báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên của EVN bao gồm các đơn vị sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ. So với số dư nợ phải trả ngắn hạn tại cùng thời điểm trả của EVN (hơn 106 nghìn tỷ đồng) thì quá nhỏ, chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than), bán điện… (55 nghìn tỷ đồng) và trả nợ ngân hàng đến hạn (22 nghìn tỷ đồng).

Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. EVN đã chỉ đạo các đơn vị cân đối dòng tiền để bảo đảm thanh toán kịp thời cho các nhà cung cấp theo quy định của hợp đồng đã ký đồng thời thực hiện các giải pháp thích hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của đơn vị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.