"Hoa đẹp bên sông"

GD&TĐ - “Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”. Câu ca dao trên phần nào giống với hoàn cảnh của một người phụ nữ mà tôi nhắc đến trong câu chuyện này nhưng chỉ có điều chị lặn lội gánh gạo nuôi chồng, nuôi con chưa bao giờ thấy chị khóc mà trên môi chị lúc nào cũng nở nụ cười tươi. Người phụ nữ đó là chị Phùng Thị Toàn, giáo viên Trường Tiểu học Tân Phú (Tân Sơn - Phú Thọ).

"Hoa đẹp bên sông"

Toàn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nằm sát bờ sông Bứa thơ mộng - con sông uốn mình mềm mại chảy qua giữa huyện Tân Sơn - một huyện miền núi trung du với rừng cọ, đồi chè và đồng xanh ngào ngạt. Quê gốc của gia đình chị ở Hà Tây - quê lụa. Ngay từ nhỏ, Toàn đã có ước mơ làm cô giáo. Năm 1991, chị thi đỗ Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Thọ. Học được hơn 2 tháng, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn quá, chị không theo đuổi được ước mơ của mình, chị đành tạm thời về nhà tham gia lao động cùng gia đình. Mặc dù ước mơ cháy bỏng ngày nào còn dang dở nhưng ngày ngày nó vẫn âm ỉ trong chị không bao giờ tắt.

Khi về địa phương, chị tham gia rất nhiều hoạt động xã hội đóng góp cho quê hương bởi chị yêu mảnh đất này, yêu con người nơi đây và cũng có lẽ chị muốn có niềm vui để xua bớt đi nỗi buồn nho nhỏ do chị chưa thực hiện được hoài bão của mình. Chị làm Bí thư Chi đoàn 8 ( khu Quyết Tiến) kiêm Thường vụ xã đoàn xã Tân Phú, rồi chị làm cộng tác viên dân số xã Tân Phú. Năm 1992, chị tham gia dạy hợp đồng Mầm non xã Tân Phú.

Đến năm 1994, chị dạy hợp đồng lớp Một tại Trường Tiểu học Tân Phú. Ở cương vị nào chị cũng đều làm rất tốt. Cũng trong năm 1994, chị đạt giải Bí thư chi đoàn giỏi cấp Tỉnh; tháng 3/1995, chị được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 1997, chị đạt giải Nhì tuyên truyền viên dân số Giỏi cấp Tỉnh và rất nhiều giải thưởng khác của xã Tân Phú.

Đến tháng 10/1997, chị quyết định đi học Trường Trung học Sư phạm tỉnh nhà. Ra trường, chị lên nhận công tác ở một xã miền núi cao ở cuối huyện Tân Sơn. Đó chính là Trường Tiểu học Tân Sơn, xã Tân Sơn. Chị được phân công dạy tại khu lẻ Bương- Hoạt, rồi khu xóm Lèn, khu Thừ xã Tân Sơn, đó là những khu khó khăn nhất của xã. Từ nhà chị đến trường dạy học cũng vài chục cây số, những năm đó, đường đi đâu có dễ, lại phải vượt qua nhiều sông, suối.

Những năm dạy học ở xã Tân Sơn, với bầu nhiệt huyết căng đầy của một cô giáo trẻ, chị lao vào công việc như không hề biết mệt. Ánh mắt thơ ngây của học trò khiến chị trăn trở hàng đêm. Chị nghĩ con em của đồng bào dân tộc nơi đậy cũng có phần thiệt thòi so với các vùng khác vì đây là xã nghèo. Chị muốn đem lại điều tốt đẹp nhất cho các em. Chị bắt đầu học tiếng dân tộc Mường.

Ban ngày, chị miệt mài trên bục giảng. Tối tối, chị lại đến từng bản, từng nhà dạy thêm, kèm thêm cho các em về kiến thức và vận động các em đến lớp đều đặn hơn. Có ai biết được rằng, trên chiếc xe đạp cũ của cô giáo trẻ này đã chuyên chở bao nhiêu tải rau, tải khoai, có khi cả gạo của gia đình mình lên cho gia đình những học sinh khó khăn của trường. Chị còn vận động anh em, hàng xóm nơi chị ở quyên góp quần áo, sách vở cũ ủng hộ cho một số em học sinh và gia đình các em. Mặc dù những năm đó chị chưa có gia đình nhưng các em học sinh vẫn gọi chị bằng cái tên thân thương “mẹ Toàn”.

Năm 2003, chị xây dựng gia đình. Thế nhưng hạnh phúc không được vẹn toàn, chồng chị là một người lành hiền mộc mạc nhưng anh lại thường xuyên ốm đau, chẳng giúp nhiều được cho chị. Từ việc trường lớp đến việc nhà, việc con cái cũng như mọi chi tiêu trong gia đình đều do một tay chị lo liệu. Chị mới được vào biên chế, bậc lương thấp lại cộng thêm phải nuôi chồng và con thơ thì khó khăn lại càng tăng lên gấp bội. Ấy thế mà có ai thấy chị than thở điều gì, chưa ai thấy một nét buồn trên khuôn mặt chị mặc dù trên khóe mắt đẹp ngày nào nay đã có những vết rạn chân chim. Chị chỉ khóc khi học sinh của chị thiếu sách vở, quần áo chứ chị chưa bao giờ rơi lệ vì hoàn cảnh khó khăn của đời mình.

Vì chị có hoàn cảnh đặc biệt và chị cũng đã giảng dạy ở xã vùng cao đặc biết khó khăn gần 10 năm nên cấp trên cũng xem xét và cho chị chuyển về gần nhà. Năm 2005, chị được chuyển về dạy ở Trường Tiểu học Tân Phú. Vì chị có năng lực chuyên môn tốt nên chị được nhà trường phân công vừa làm công tác chủ nhiệm vừa làm tổng phụ trách Đội. Công việc rất nhiều và cái khó khăn về kinh tế của gia đình nhỏ cứ đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của chị nhưng tất cả đều không làm nhụt được ý chí và nghị lực của người phụ nữ rắn giỏi này.

Trong năm học 2006 - 2007, mặc dù chồng ốm, con nhỏ, chị vẫn tham gia hai cuộc thi và đạt giải cao: Giải Nhì cuộc thi Tổng Phụ trách giỏi cấp huyện, giải Ba giáo viên dạy giỏi cấp huyện và được nhiều giấy khen do nhà trường trao tặng. Từ khi chị về giảng dạy ở Trường Tiểu học Tân Phú, chị được nhà trường tín nhiệm và phân công chị vừa làm công tác giảng dạy và chủ nhiệm, vừa làm công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu môn toán lớp 4+5. Năm nào chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều năm liền chị đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Năm 2012, chị đạt giải Nhất cuộc thi giáo viện dạy giỏi cấp Huyện. Nhiều năm liền học sinh do chị giảng dạy tham gia các cuộc giao lưu Olympic cấp huyện và cấp tỉnh đều đạt giải cao: năm học 2015- 2016: Học sinh của chị đạt: 1giải Nhì, 1 giải Ba và nhiều giải Khuyến khích môn Toán cấp huyện. Năm học: 2016 - 2017: Học sinh do chị dạy cũng đạt: 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 7 giải Khuyến khích môn Toán cấp huyện, 1 học sinh đạt giải cấp tỉnh.

Nhiều học sinh lớp chị chủ nhiệm được khen thưởng học sinh xuất sắc, nhiều học sinh đạt giải cao trong cuộc thi viết chữ đẹp cấp trường, lớp do chị chủ nhiệm nhiều năm dạt danh hiệu lớp Tiên tiến điển hình, được biểu dương, khen thưởng nhiều lần. Riêng bản thân, chị được công nhận là giáo viên điển hình của huyện trong công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu.

Về với khu dân cư, chị sống chan hòa, cởi mở với mọi người. Chị tận tình giúp đỡ hàng xóm láng giềng khi gặp khó khăn. Chị cũng tham gia tích cực các hoạt động của địa phương và nơi cư trú. Gia đình nhỏ của chị nhiều năm đạt danh hiệu “Gia đình Văn hóa tiêu biểu”; các con đều chăm ngoan, học giỏi.

Chị đúng là một nhà giáo mẫu mực, một điển hình tiên tiến để chúng tôi học tập và noi theo. Chị cũng là một tấm gương sáng sống, học tập và làm việc theo phong cách đạo đức Hồ Chí Minh. Chị là một đóa hoa đẹp, tỏa hương thơm ngào ngạt trong vườn hoa nghìn việc tốt đáng để chúng ta noi theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.