Những ruộng lúa còn khả năng canh tác nằm gần khu công nghiệp tẩy nhuộm cho năng suất rất thấp (dưới 50kg/sào) |
(GD&TĐ) - Mương máng đục ngầu, ao hồ sủi bọt, mùi hóa chất bốc lên làm không khí ngột ngạt. Vào thì con gái, những ruộng lúa xanh rì, tốt um, đẹp hơn hẳn lúc các xã xung quanh, song oái oăm, lúa không cho hạt. Đó là hình ảnh quen thuộc ở làng Phương La, xã Thái Phương (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) từ nhiều năm nay. Nức tiếng là “làng tỷ phú” nhờ nghề dệt truyền thống nhưng vấn đề ô nhiễm nơi đây là nỗi đau đầu của các cơ quan chức năng và gây nên sự bức xúc trong lòng người dân…
Cây lúa cũng héo hon vì nước độc
Vụ lúa vừa qua, hộ nhà bà Đỗ Thị Điện (54 tuổi, thôn Trác Dương, xã Thái Phương) được chia ruộng canh tác trên một phần diện tích ruộng gần khu công nghiệp tẩy nhuộm vải ở thôn Trác Dương. “Cấy thì cứ cấy, nhưng chắc gì được ăn. Nước nhuộm đổ ra thế này, lúa tốt rậm nhưng không có hạt.” bà Điện bức xúc.
Xung quanh ruộng bà Điện, nhiều mảnh ruộng bị bỏ hoang cho cỏ dại. Nước thải tích tụ ở các ao, mương, đồng ruộng vào những ngày có gió, bốc mùi hôi thối. “Cá chết trắng, rau ven bờ xanh non nhưng chúng tôi không dám đụng đến. Cũng không có nhiều người dám lội xuống đồng vì hơi nước thối và nhớt lắm”, bà Đào Thị Nhị, làm nghề dệt vải ở thôn Phương La 1 cho biết.
Nghề dệt vải ở Thái Phương đã duy trì trong khoảng 800 năm. Các sản phẩm ở đây được xuất đi nhiều nơi, kể cả nước ngoài. Năm 2011, Thái Phương được tỉnh Thái Bình công nhận là xã nghề. Cho tới nay hơn 90% hộ trong xã vẫn theo nghề dệt, song hành cùng nghề nông. Khoảng chục năm trở lại đây, đầu ra cho sản phẩm dệt luôn thuận lợi, từ đó thúc đẩy nghề tẩy nhuộm vải nở rộ theo.
Tuy nhiên các cơ sở nhuộm vải trên địa bàn chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ, không có hệ thống xử lí rác thải hay bảo hộ lao động. Các hóa chất tẩy nhuộn cứ vô tư xả thẳng ra môi trường, ngấm vào nguồn nước, đồng ruộng của người dân.
Đỉnh điểm của sự việc là giữa năm 2007, nước thải của các cụm công nghiệp, hộ gia đình tẩy nhuộm xả thẳng sông Tân Việt, khi nước lên đã tràn vào ruộng ở các thôn Phương La, Trác Dương khiến dân tự đắp đập ngăn sông.
Thậm chí những người dân ở thôn Trác Dương còn đắp đập trên… đường huyện lộ DH63, ngăn chặn mọi phương tiện qua lại như một lời cảnh báo với chính quyền về việc buông lỏng quản lý các cơ sở tẩy nhuộm vải trên địa bàn.
Cho đến nay, cách thức phản ứng này thỉnh thoảng lại tái diễn, dù ở quy mô nhỏ hơn, một phần cũng do người dân đã quá quen với tình trạng ô nhiễm...
Nước thải của các hộ nghề tẩy nhuộm được xả trực tiếp ra ao hồ trong làng |
Loay hoay tìm giải pháp
Để có nước sản xuất cho người dân trên địa bàn, thời gian qua xã Thái Phương đã được huyện Hưng Hà đầu tư xây trạm bơm nước mới, cách cụm công nghiệp dệt vải khoảng 800m, lấy nước ở dòng sông khác.
UBND huyện Hưng Hà cũng nhiều lần xử phạt hành chính, cưỡng chế bằng cách khóa máy, yêu cầu chuyển địa bàn hoạt động của các cơ sở nhuộm, tẩy vải. Song chỉ được một thời gian, các doanh nghiệp lại phá xích, hoạt động trở lại và tiếp tục xả chất thải độc hại ra môi trường
So với hơn một năm trước, số hộ gia đình làm nghề tẩy nhuộm đã giảm đi phân nửa do yêu cầu di dời cơ sở kinh doanh của chính quyền địa phương. Cụ thể đã có bốn hộ gia đình di dời cơ sở tẩy nhuộm tới cụm công nghiệp ở thành phố Thái Bình. Tuy nhiên, trên thực tế có hộ sau thời gian di dời cơ sở, đã lén lút trở lại xã hành nghề.
Một trong những hộ này có hộ gia đình ông Trần Văn Tuấn. Ông này cho biết trước đây tất cả các hộ làm nghề đều ký cam kết với chính quyền là sẽ di dời, nhưng chỉ có một số hộ đi; những hộ còn lại vẫn hoạt động bình thường, trong khi chuyển lên thành phố ông phải thuê cơ sở mới, nhân công đắt đỏ hơn.
Đó là lý do những hộ nghề như ông Tuấn sau thời gian di dời đã quay về chốn cũ để tiếp tục sản xuất.
Có lẽ cũng nhận thấy việc cưỡng chế di dời đã thất bại, thời gian gần đây, UBND huyện Hưng Hà đang tập trung nhiều hơn vào giải pháp yêu cầu các doanh nghiệp tẩy, nhuộm xây hệ thống xử lí nước thải.
Thực tế từ năm 2009, hai doanh nghiệp còn duy trì hoạt động trên địa bàn xã Thái Phương là CBA và Nam Thành đã hoàn tất hệ thống xử lý nước thải.
Thế nhưng, trong đợt kiểm nghiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình vào tháng 7/2012, kết luận cho thấy nước thải các thông số độ màu ở xí nghiệp Nam Thành vượt 16,6 lần quy định; nồng độ BOD5 và COD của 2 doanh nghiệp đều vượt từ 1,4 đến 3,2 lần quy chuẩn cho phép.
Đến nay, hệ thống xử lý nước thải của hai doanh nghiệp này vẫn chưa có cải thiện gì.
Đối với các hộ làm nghề tẩy nhuộm trên địa bàn xã Thái Phương, ông Trần Bá Cao, Phó Chủ tịch xã, cho biết qua nhiều lần kiểm tra cho thấy nước thải chứa hóa chất tẩy nhuộm của các hộ này, dù đã qua xử lý hay chưa xử lý, khi xả ra môi trường đều vượt quy chuẩn cho phép.
Trong số các hộ sản xuất mà địa phương quản lý, vẫn có hai cơ sở chưa có đường ống xả thải theo yêu cầu của tỉnh; việc xả thải chỉ loanh quanh trong diện tích của mình và để thẩm thấu sang khu vực liền kề.
Theo ông Trần Bá Cao, trước bức xúc của người dân về tình trạng ô nhiễm, từ năm 2011 UBND xã đã đề xuất lên tỉnh biện pháp đình chỉ vĩnh viễn hoạt động tẩy nhuộm ở Thái Phương. Ông Cao cho rằng đây là cách giải quyết hữu hiệu nhất.
Trước năm 1999, Thái Phương chỉ có nghề dệt, khâu tẩy nhuộm được chuyển tới Hà Tây. Nền kinh tế của xã khi ấy vẫn phát triển. Việc nhuộm vải tại xã chỉ làm giàu cho những chủ cơ sở sản xuất. Hoạt động này cũng chỉ tạo việc làm cho vài chục nhân công, chủ yếu là người xã khác.
So với những rủi ro về sức khỏe và môi trường mà nghề này gây ra thì lợi ích kinh tế đó không đáng kể. Thế nhưng, sau hơn hai năm đề xuất, giải pháp này vẫn chưa được tỉnh trả lời.
Th.S Vũ Thị Ngân, giảng viên ĐH Nông nghiệp cho biết: * Hai chỉ số BOD và COD lần lượt biểu thị lượng oxy hóa cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học tổng hợp và hợp chất hữu cơ trong nước. Khi các chỉ số này quá cao, hệ sinh thái nước bị thay đổi mạnh, mất đi các vi sinh vật có ích; các hợp chất tích tụ bị phân hủy sẽ sinh các khí độc như H2S, NH3, SO2,… tác động trực tiếp tới hô hấp của con người, * Nước thải ở các nhà máy nhuộm đổ ra cánh đồng với nồng độ giaven, axit, cacbonat… cao khiến lúa phát triển mạnh, thì con gái kéo dài. Lúa không làm đòng, hoặc trổ bông to nhưng hạt lép. Năng suất lúa trung bình chỉ được 40 – 60kg/sào. Khoảng 12 ha đất canh tác của các thôn Trác Dương, Xuân La, Phương La 2, Phương La 3 gần như bỏ không. |
Quỳnh Vũ