(GD&TĐ) - Sau nhiều lần trì hoãn, Hội nghị hòa bình Syria (Geneva-2) dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 23/11 tới. Tuy nhiên, Hội đồng Dân tộc Syria vẫn phớt lờ lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế tham gia hội nghị. Họ tuyên bố, sự ra đi của Tổng thống Bashar Assad như điều kiện tiên quyết để có thể ngồi vào bàn đàm phán. Trong khi đó, Tổng thống Bashar Assad vừa tuyên bố sẵn sàng ra tranh cử trong cuộc bầu cử tiếp theo. Tất cả những động thái trên cho thấy, tương lai của Geneva-2 là hết sức mịt mù, rằng Hòa bình cho Syria đang bị chính những người Syria rũ bỏ.
Một Syria không có Bashar Assad
Ngày 22/10, “Những người bạn của Syria” đã nhóm họp tại London với tinh thần chuẩn bị cho Hội nghị Hòa bình Syria - “Geneva-2”. Tham gia hội nghị có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Anh William Hague, các Ngoại trưởng Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Jordan…và lãnh đạo phe đối lập Syria.
Bình luận về hội nghị của “Những người bạn của Syria”, báo The Times viết: “Những nỗ lực để bắt đầu cuộc đàm phán giữa các bên thù địch ở Syria đã thất bại: Chế độ Bashar Assad và các nhóm đối lập đã tỏ thái độ không sẵn sàng tham gia đàm phán ở Geneva vào tháng sau”. Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi Hội đồng Dân tộc ủng hộ và trở thành hạt nhân lãnh đạo đoàn đại biểu đối lập tại Geneva”.
Tuy nhiên, ông Hague phải thừa nhận rằng con đường đi đến đàm phán là “hết sức khó khăn”. Khó khăn đến nỗi, kết thúc hội nghị mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không thể trả lời được câu hỏi: Liệu Geneva có diễn ra như dự kiến hay không?
Hội đồng Dân tộc Syria đối lập đang phải chịu sức ép rất lớn từ các nhóm phiến quân nổi dậy, khi họ kêu gọi không tham dự đàm phán nếu chính quyền không cam kết rằng Tổng thống Bashar Assad phải từ chức. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Syria Ahmad Jarboe khẳng định sẽ không tham dự hội nghị nếu việc loại bỏ Bashar Assad không phải là mục tiêu chính của các cuộc đàm phán.
Trong khi đó, sự hiện diện ngày một tăng của các nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan trong đội ngũ quân nổi dậy, trong đó có Al-Qaeda đã làm cho uy tín của họ ngày càng giảm sút.
Những nỗ lực của John Kerry và Sergei Lavrov cho hội nghị Geneva-2 có thể tan thành mây khói |
Geneva-2: Một tương lai mờ mịt
Kết thúc Hội nghị “Những người bạn của Syria”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định: “Có thể thấy, xung đột tại Syria vẫn sẽ còn tiếp diễn và người hứng chịu hậu quả chính là nhân dân Syria và các nước láng giềng của Syria. Chiến tranh ở Syria sẽ không thể chấm dứt trên chiến trường. Tôi tin là như vậy và những người khác cũng tin là như vậy. Cuộc chiến ở Syria chỉ có thể kết thúc thông qua đàm phán”.
Đúng là cuộc chiến ở Syria chỉ có thể kết thúc thông qua đàm phán. Chỉ có điều, thành phần cuộc đàm phán này dứt khoát phải hội tụ đầy đủ các bên tham chiến, trong đó bắt buộc phải có chính phủ Bashar Assad. Tất cả họ phải ngồi lại với nhau để tìm ra lối thoát cho cuộc chiến khốc liệt này. Ấy vậy mà các thủ lĩnh đối lập được sự hậu thuẫn của phương Tây và các chế độ quân chủ Ả Rập lại khẳng định chừng nào Tổng thống Syria còn ở lại nắm quyền thì không có giải pháp hòa bình cho vụ xung đột ở Syria. Thử hỏi không có chính phủ Bashar Assad, các vị đàm phán với ai?
Ấy là chưa kể, tuyên bố trên đã đi ngược lại tinh thần hội nghị Geneva-2 do Mỹ và Nga khởi xướng.
Chưa hết, Ả Rập Xêut- thành viên quan trọng trong thế giới Ả Rập tuyên bố không hợp tác với Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Syria.
Trong thời gian qua, thế giới ghi nhận những nỗ lực của Nga và Mỹ trong việc tổ chức một hội nghị hòa bình cho Syria - Geneva-2. Tuy nhiên, tờ Le Monde của Pháp gọi đó là “những nỗ lực nửa vời”. Còn người Nga lại cho rằng Mỹ “không kiểm soát được tình hình”. John Kerry tuyên bố: Đến ngày 1/11, phe đối lập sẽ quyết định việc tham gia vào Geneva-2.
Cũng theo lời John Kerry, để hội nghị đạt được kết quả mong muốn phải tìm được những người có thể “thoả mãn cả hai bên xung đột và quan tâm đến lợi ích của người dân Syria”. Tìm được những người như vậy vào thời điểm này thật khó lắm thay.
Thực tế cho thấy khó có thể thành lập một “chính phủ chuyển tiếp” ở Syria nếu không có sự tham gia của Bashar Assad và các cộng sự của ông. Cách đây mấy hôm (21/10), trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al-Mayadeen của Lebanon, Tổng thống Syria Bashar Assad tuyên bố: “Cá nhân tôi không thấy có bất cứ lý do gì khiến tôi không thể ra tranh cử trong cuộc bầu cử tiếp theo”.
Tổng thống Bashar Assad cũng cho rằng, ông cảm thấy nghi ngờ về khả năng thành công của hội nghị Geneva-2 nếu nó được tổ chức vào thời điểm hiện tại. Tương lai của Geneva-2 thật mong manh.
Anh Phương