Hố tử thần sâu bằng tòa nhà 6 tầng

GD&TĐ - Hố sụt mới dài gần 200 m bất ngờ xuất hiện trên hòn đảo thuộc New Zealand, hé lộ dấu vết của núi lửa 60.000 năm tuổi. 

Hố tử thần sâu bằng tòa nhà 6 tầng

Hố tử thần hay hố sụt (sinkhole) mới nhất ở New Zealand có thể là hố sụt lớn nhất nước này với độ sâu lớn hơn tòa nhà 6 tầng. Độ dài của nó tương đương hai sân bóng đá. Hố sụt lớn đến mức để lộ cả lớp đất núi lửa 60.000 năm tuổi.

Nhà núi lửa học người New Zealand Brad Scott cho biết đây là hố sụt lớn nhất ông từng thấy và có khả năng trở nên lớn hơn. Hố sụt xuất hiện trên Đảo Bắc sau những trận mưa to kỷ lục kéo dài.

Một công nhân trang trại chăn nuôi bò phát hiện miệng hố và suýt ngã xuống khi đang đạp xe. Sau khi hố sụt hình thành, quản lý trang trại Colin Tremain chia sẻ ông tính dựng hàng rào để ngăn bò rơi xuống hố.

Đây không phải là lần đầu tiên hố sụt xuất hiện trong vùng. Tổng cộng 9 hố sụt đã ra đời trong vài năm qua. New Zealand có vài đường nứt gãy chạy dọc chiều dài đất nước, và hố sụt nhiều khả năng xảy ra ở gần đường nứt gãy, nơi đất đá dễ hòa tan bị rửa trôi. Hố sụt mới hình thành trên địa hình đá bọt, nhưng khu vực nằm trong số nhiều nơi trên thế giới có nền đất dễ sụp.

Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, hố sụt mở ra khi nước ngầm không rút khỏi lớp đất bề mặt và hòa tan đất đá bên dưới. Đá vôi và tầng muối thường là nguồn tạo ra hố sụt. Trong khi hố sụt mới của New Zealand rất cao với thành hố dựng đứng, một số hố sụt có hình dạng thoải hơn.

Hố sụt cũng có thể là kết quả từ hoạt động phát triển đất của con người dù loại này kém phổ biến hơn. Các hoạt động như xây dựng và bơm nước ngầm có thể làm mặt đất trở nên kém ổn định, làm tăng khả năng sinh ra hố sụt.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.