Kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện
Bà Mai Thúy Nga, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Các dự án được ADB hỗ trợ vốn ODA và vốn vay ưu đãi được triển khai trong thời gian qua rất hiệu quả cho hệ thống GDNN Việt Nam, như: Dự án Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề mang tính định hướng, mở đường, cải cách hệ thống đào tạo nghề Việt Nam, nâng cao chất lượng đào tạo của 15 trường trọng điểm; Dự án Đào tạo nghề theo nhu cầu nhằm giảm nghèo tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (JFPR - nguồn Quỹ giảm nghèo của Nhật Bản), Dự án tăng cường kỹ năng nghề củng cố, nâng cấp hệ thống dạy nghề và xây dựng mô hình (15 trường trọng điểm) cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng cung của thị trường lao động và doanh nghiệp...
Tới đây, ADB đã tiếp tục cam kết hỗ trợ Dự án “Chương trình Kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện”, nhằm góp phần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sáchđổi mới và phát triển lĩnh vực GDNN; góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân lực Việt Nam trên thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong 10 năm tới (2016 - 2025).
Theo đánh giá của các chuyên gia: Dự án “Kĩ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện” là sự can thiệp đầu tiên hỗ trợ Việt Nam nhằm từng bước hiện đại hóa hệ thống GDNN trong 10 năm tới. Dự án với mục tiêu nâng cao chất lượng và tính phù hợp của các quyết định về GDNN trong dài hạn, 15 khu vực chính sách và đầu tư, giải quyết một loạt các lĩnh vực ưu tiên chính sách theo hướng tăng cường khuôn khổ chính sách và hiện đại hóa tổ chức và quản lý các quy định về GDNN giữa các bộ, ngành. Những can thiệp tiếp theo sẽ giải quyết những hoạt động chính sách còn lại.
Tập trung đào tạo kỹ năng nghề
Ông Wolfgang Kubizki, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng ADB nhận định: Thực tế cho thấy, lực lượng lao động sẽ có sự dịch chuyển mạnh từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực khác. Đòi hỏi Chính phủ cần có chính sách và phải tổ chức đào tạo nghề cho người lao động, để họ có kỹ năng mới khi tham gia vào thị trường lao động. Do vậy, cần có một khung chính sách, có một cơ chế hoạt động chung thống nhất trong hoạt động GDNN. Nhận thức được vấn đề này, ADB tiếp tục cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách đào tạo, chương trình phát triển kỹ năng…
Vấn đề chính của GDNN là mối liên kết với các doanh nghiệp còn lỏng lẻo, dẫn đến tính phù hợp thấp của khóa đào tạo, năng lực hạn chế của giáo viên trong việc áp dụng các kỹ thuật giảng dạy hiện đại kết hợp với nội dung lý thuyết cùng với đào tạo kỹ năng thực hành cũng là một vấn đề lớn đặt ra, thiết bị và nhà xưởng lỗi thời ảnh hưởng lớn đến chất lượng giảng dạy tại nhiều cơ sở GDNN.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại trong việc bất bình đẳng trong việc tiếp cận với đào tạo kỹ năng nghề tại các khu vực nông thôn, khi các cơ hội việc làm chính quy còn hạn chế, nhiều học viên sau khi tốt nghiệp sẽ tìm kiếm việc làm tư doanh trong các lĩnh vực phi chính thức.
Để khắc phục hạn chế, các chương trình GDNN cần xem xét những cách tiếp cận với doanh nghiệp và theo hướng đa kỹ năng, hiện tại đang hoạt động kém hiệu quả trong việc cung cấp đào tạo cho những thanh niên đang hoạt động trong lĩnh vực phi chính thức.