Đó là chia sẻ của Thạc sỹ Hoàng Thị Hạnh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2).
Hiệu quả từ thực tiễn
Thạc sỹ Hạnh dẫn giải: Đơn cử như ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tổ chức trang bị cho sinh viên năm cuối thêm 3 tín chỉ về cách thức tổ chức và hướng dẫn tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Ở 3 tín chỉ này, sinh viên được cung cấp quy trình thiết kế, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo nói chung ở trường phổ thông dưới dạng modun.
Sinh viên sẽ nắm được yêu cầu chung của hoạt động, từ đó áp dụng với từng chuyên ngành cụ thể để có thể xây dựng, thiết kế các nội dung trải nghiệm phù hợp với chuyên môn của mình.
“Điều đó giống như một lần nữa trang bị thêm những kiến thức thực tiễn, thực hành cho sinh viên trên cơ sở các em nhận ra sự cần thiết của môn học này sau khi đi thực tập về.
Và như vậy, tâm thế học tập của hoạt động này sẽ được nâng cao, tạo sự hấp dẫn, hào hứng cho sinh viên cuối khóa. Nó giống như một chu trình thực hành nghề sau khi đã hiệu chỉnh từ thực tiễn.
Bởi môn học này được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, nó không hề được bắt đầu từ lúc thiết kế chương trình khung của nhà trường” - Thạc sỹ Hạnh phân tích.
Tuy nhiên, theo thạc sỹ Hạnh, thực tế cho thấy, sinh viên vẫn chưa hiểu hết, chưa nhận thức đầy đủ vị trí và tầm quan trọng của hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường sư phạm trước khi đi thực tập.
Vì chưa nhận thức đầy đủ và không có tâm thế cho hoạt động học tập để rèn luyện kỹ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh cho nên các giáo sinh đã gặp rất nhiều khó khăn khi đi thực tập sư phạm.
Cầu nối giữa giáo sinh và học sinh
Xuất phát từ thực tế nêu trên, thạc sỹ Hoàng Thị Hạnh đề xuất các biện pháp cụ thể như: Cần làm cho sinh viên nhận thức rõ về vai trò của các kỹ năng khác ngoài kỹ năng tích lũy kiến thức trong trường đại học, từ đó có động cơ tích cực trong suốt quá trình học tập của mình để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp một cách tốt nhất.
Ngoài ra, các trường, khoa sư phạm và các giảng viên sư phạm cần hình thành thói quen làm việc chung một cách khoa học và chú trọng tăng cường rèn luyện các kỹ năng nghiệp vụ sư phạm về lĩnh vực giáo dục cho sinh viên. Bổ sung thêm các môn học và tăng thêm thời gian rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên để quá trình rèn luyện đạt hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó cần tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên về trình độ chuyên môn, phương pháp tổ chức rèn luyện kỹ năng mềm nói chung và kỹ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo nói riêng.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho giảng viên vận dụng sáng tạo hình thức thực hành mới nhằm phát huy tính tự giác, chủ động của sinh viên trong rèn luyện nghiệp vụ sư phạm.
Mặt khác, cần phối hợp với các đơn vị đào tạo, các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên và các phòng ban chức năng cùng tạo điều kiện, thực hiện tốt công tác hỗ trợ rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên.
Đồng thời tăng cường đâu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, hệ thống thư viện, máy tính, phòng học, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình rèn luyện của sinh viên đạt hiệu quả.
Có thể nói, hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động cầu nối giữa giáo sinh và học sinh trong khi đi thực tập. Cầu nối này càng vững chắc nghĩa là giáo sinh có kỹ năng, có sự hiểu biết thấu đáo về hoạt động sẽ làm cho các em tự tin, chủ động hơn trong giao tiếp; làm cho sự tiếp xúc tâm lý giữa giáo sinh và học sinh trở nên nhẹ nhàng hơn, gần gũi hơn.