Hình ảnh châu Âu rệu rã vì… bầu cử!

GD&TĐ - Sau các cuộc đàm phán kéo dài 3 ngày tại Brussels, các nguyên thủ quốc gia và Chính phủ 28 nước thành viên EU đã cố gắng xoay sở để thống nhất về ứng cử viên cho các vị trí chủ chốt trong Liên minh châu Âu (EU). Việc hầu hết các chính trị gia chỉ được biết đến trong chính đất nước của họ trở thành ứng cử viên cho các vị trí hàng đầu của EU đã gây ra một cú sốc thực sự đối với người dân châu Âu.

Từ trái qua phải: Josep Borell, Christine Lagarde, Charles Michel và Ursula von der Lyayen là những gương mặt mới của chính trị châu Âu.	Ảnh: Reuters
Từ trái qua phải: Josep Borell, Christine Lagarde, Charles Michel và Ursula von der Lyayen là những gương mặt mới của chính trị châu Âu. Ảnh: Reuters

Châu Âu là…phụ nữ

Đó là nhận định của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tuck. Sau hội nghị thượng đỉnh, ông Donald Tuck tuyên bố: “Chúng tôi chọn hai phụ nữ và hai nam giới ở bốn vị trí chính. Cân bằng giới tính hoàn hảo. Tôi rất vui vì điều đó. Rốt cuộc, châu Âu là phụ nữ”.

Quyết định được đưa ra sau nhiều giờ đàm phán đã thực sự gây chấn động. Người chiến thắng trong cuộc chiến ở hậu trường cho vị trí cao nhất tại Brussels - chức vụ người đứng đầu Ủy ban châu Âu là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức - bà Ursula von der Lyayen, người thậm chí không được ai nhắc đến trong bối cảnh hiện nay.

Vị trí của ông Donald Tusk (nhiệm kỳ hết hạn vào ngày 1/12) sẽ được thay thế bởi Thủ tướng Bỉ Charles Michel. Ông Charles Michel sẽ lãnh đạo Hội đồng châu Âu trong 2,5 năm và nhiệm kỳ của ông có thể được gia hạn thêm một lần nữa.

“Trở thành Chủ tịch Hội đồng châu Âu là một trách nhiệm lớn và là nhiệm vụ mà tôi sẽ thực hiện một cách quyết đoán” - ông Michel nói. Charles Michel bày tỏ hy vọng rằng Nghị viện châu Âu (EP) sẽ phê chuẩn ứng cử viên Ursula von der Leyen và hứa sẽ làm mọi cách có thể để tạo ra một “châu Âu thống nhất và tôn trọng sự đa dạng của các quốc gia”.

Đối với chức vụ Đại diện cao cấp cho chính sách đối ngoại và an ninh, Hội đồng châu Âu đã đề cử Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Josep Borell. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm chính thức đối với ông Josep Borell cần có sự đồng ý của Chủ tịch EC mới và phải được chấp thuận bởi đa số phiếu bầu của EP.

Các nhà quan sát tin rằng Thủ tướng Angela Merkel sẽ không cho phép vấn đề tài chính châu Âu nằm dưới sự kiểm soát của người Pháp, nhưng Christine Lagarde, người đang đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã được đề cử làm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Hội đồng châu Âu sẽ đưa ra quyết định chính thức về việc bổ nhiệm bà Lagarde mà truyền thông thế giới gọi là “ngôi sao nhạc rock” trong thế giới tài chính, sau khi tham khảo ý kiến của EP và Hội đồng quản trị của ECB. Theo thông lệ, nhiệm kỳ của Chủ tịch ECB kéo dài trong 8 năm.

Hôm thứ Tư (3/7), nhà xã hội người Ý David-Maria Sassoli đã giành chiến thắng trong cuộc đua tranh chức Chủ tịch Nghị viện châu Âu. Cuộc bầu cử có thể đã kết thúc ở vòng đầu tiên, nhưng ông Sassoli chỉ thu được 325 phiếu, thiếu 7 phiếu để đạt mức tối thiểu cần thiết. Trong vòng thứ hai, Sassoli đã nhận được 345 phiếu. Sự ủng hộ đối với Chủ tịch tương lai của Nghị viện châu Âu đến từ những người Xã hội và phe Trung tả.

Một châu Âu rệu rã, chia rẽ

Thỏa thuận các ứng cử viên cho các chức vụ quan trọng ở EU là không hề dễ dàng. Lúc đầu, hàng loạt bất đồng được thể hiện tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào những ngày 20 - 21/6. Một cuộc họp bất thường đã được triệu tập, nhưng các cuộc đàm phán kéo dài gần 20 giờ từ ngày 30/6 đến ngày 1/7 đã không mang lại một kết quả tích cực. Có vẻ như một sự thỏa hiệp sẽ không thể thực hiện vào thứ Ba (2/7). Quyết định nối lại Hội nghị thượng đỉnh, dự kiến vào 11 giờ giờ địa phương, đã bị hoãn tới 3 lần. Nói như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng những cuộc họp kéo dài, không hiệu quả đã làm xấu hình ảnh của EU.

Nhưng cuối cùng, vào buổi tối thứ Ba, người đứng đầu Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã viết trên trang Twitter của mình rằng những người tham gia Hội nghị thượng đỉnh là những người “thân thiết và gần gũi hơn” khi đồng ý với các ứng cử viên.

Tuy nhiên, một sự kết hợp nhân sự như vậy là một bất ngờ thực sự cho nhiều chuyên gia. Bàn về cuộc bầu cử ở EU, Giám đốc Khoa học của Diễn đàn Đức -Nga Alexander Rahr cho biết: “Lần này, những người đi bầu cử ở tất cả các nước châu Âu đã hứa rằng mọi quyết định sẽ không quan liêu, mà thực sự dân chủ. Tuy nhiên, trong thực tế không có giải pháp dân chủ. Tất cả mọi thứ cho thấy rõ ràng rằng EU không được dân chủ hóa và “cuộc diễu hành” của châu Âu được chỉ huy hoàn toàn bởi những người đứng đầu các chính phủ quốc gia, chứ không phải các tổ chức ở châu Âu”.

Cũng theo lời Alexander Rahr, thỏa thuận Đức - Pháp đã đề cử “những người phù hợp” làm lãnh đạo mà không ai thực sự mong đợi được nhìn thấy họ ở những nơi này. Theo ông, các nhà lãnh đạo mới sẽ tuân theo ý muốn của các nhà lãnh đạo của các nước. Không có phong trào nào hướng tới một liên minh chính trị mới dân chủ dưới hình thức Hợp chủng quốc Châu Âu. EU rất chia rẽ, do đó sẽ khó đưa ra quyết định hơn trước. Theo Rahr, Berlin và Paris đang cố gắng phân chia quyền lực và duy trì sự kiểm soát của họ đối với châu Âu. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng với họ bởi một phe đối lập rất mạnh mẽ và cởi mở đang được tạo ra từ người Ba Lan, người Hung và người Ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.