Him Lam - Thời khai sáng

Him Lam - Thời khai sáng

Dịch Covid-19 đang gây khó cho công việc của mỗi chúng ta. Phải tìm cách đi, cách phòng bị cẩn trọng để tránh lây chéo, lại cũng phải cậy vào tài “thuyết khách” của anh Phạm Ngọc Hân - Tổng Biên tập Báo Điện Biên Phủ, chúng tôi mới tiếp cận được với lãnh đạo chủ chốt phường Him Lam, nơi ôm trong lòng Di tích trận khai pháo ngày 13/3/1954, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 66 năm.

Ký ức tháng Ba

Đứng trên ngọn đồi nơi có những hầm trú ẩn, những đường hào lắt léo của kẻ thù thuở xưa, chúng tôi bỗng nhớ những lời của cụ Nguyễn Hữu Chấp, nguyên Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường Him Lam, nguyên Khẩu đội trưởng cối 82, Tiểu đoàn 166 khai hỏa trận đánh mở màn Him Lam: “Him Lam được mệnh danh là “Cánh cửa thép” của Tập đoàn Cứ điểm thực dân Pháp tại Ðiện Biên Phủ, với 3 điểm chốt trên ba quả đồi liền kề theo thế chân kiềng, án ngữ con đường độc đạo Tuần Giáo - Ðiện Biên cách Trung tâm Mường Thanh vài cây số. 

Quân Pháp đổ vào đây tới gần nghìn lính thuộc Tiểu đoàn 3, bán Lữ đoàn Lê dương số 13 - một trong những đơn vị thiện chiến nhất. Chúng dương dương tự đắc Him Lam là trung tâm đề kháng bất khả xâm phạm, là “cối xay thịt khổng lồ” nếu bộ đội Cụ Hồ liều lĩnh!... Cho nên Him Lam được Bộ Chỉ huy mặt trận của ta xác định rõ và lấy đây làm trận đánh mở màn. Quyết định này được giao cho Trung đoàn 141, Ðại đoàn 312...

Tổng Tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi từ phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” khó khăn nhất trong đời binh nghiệp của mình, cẩn trọng theo lời Bác dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. 

Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”! Bởi, Him Lam là trung tâm “sắt đá” với 3 cứ điểm, với hệ thống công sự, lô cốt kiên cố cùng hệ thống hỏa lực bao bọc dày đặc và những bãi mìn nhiều tầng, nhiều lớp. 

“Sắt đá”, bởi trọng pháo đủ cỡ ở Mường Thanh, Hồng Cúm cùng máy bay, xe tăng... sẵn sàng chi viện tối đa nếu bị tấn công... Vậy mà, chỉ sau 5 tiếng đồng hồ (kể từ khai pháo lúc 17 giờ 5 phút ngày 13/3/1954 đến hơn 23 giờ cùng ngày) Trung tâm đề kháng Him Lam mang tên Béatrice của giặc đã bị quân đội ta đập nát. 

Hơn 300 lính Lê dương bị tiêu diệt, hàng trăm tên bị bắt sống. Sự ngạo mạn của tướng tá giặc bị đánh gục ngay trận mở màn của quân ta. “Cửa sắt” của chúng bị phá tan tành!...

Him Lam - Thời khai sáng ảnh 1
Di tích Him Lam được gia cố, bảo tồn
vững chắc.

Ký ức trào dâng, tôi bồi hồi nhớ tới những dòng chữ của Đại tướng: “Viên chỉ huy phó Tập đoàn cứ điểm, phụ trách pháo binh, phải tự sát vì không có cách nào làm im lặng những khẩu pháo Việt Nam. De Castries và chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp đành chịu bó tay ngồi nhìn những cứ điểm mạnh nhất của Tập đoàn cứ điểm lần lượt sụp đổ dưới bàn chân không giầy của những chiến sĩ xung kích Việt Nam. 

Trận địa chiến hào của ta, từ núi cao đổ xuống cánh đồng, mỗi ngày càng siết chặt sợi dây định mệnh chung quanh Tập đoàn cứ điểm”! (Trang 100, tập “Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi”).

Chúng tôi đưa mắt về phía xuôi xa, cánh đồng Mường Thanh huyền ảo như thực như mơ. Mường Thanh, được người Thái gọi là Mường Trời. 

Ôm vào lòng đồng ruộng Mường Thanh, hạt gạo nơi đây ngon nức tiếng. Mường Thanh không chỉ nổi tiếng với gạo trắng, cơm thơm, mà còn là điểm mốc rạng rỡ của chiến tranh nhân dân, mưu lược thần kỳ của Tướng Giáp đã làm tan nát mộng xâm lăng của những thế lực luôn cậy vào vũ khí giết người. Nhưng, chúng vẫn phải nhận về thất bại cay đắng nhất cho nước đại Pháp.

Cuối ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của bộ đội ta đã tung bay trên nóc hầm De Castries. Hơn 16.200 lính, cùng một thiếu tướng, 353 sĩ quan bị bộ đội Việt Nam tiêu diệt và bắt sống. Hơn 60 máy bay, cùng toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh bị phá hủy... 

Địa danh “Đề kháng”, “Cửa thép” kiên cố ấy, nay được Nhà nước ta gìn giữ, tôn tạo, xây lắp hàng rào, hố bắn, hệ thống hầm hào quanh đồi gia cố bằng bê tông vững như nguyên trạng. Nơi đây, những Anh hùng Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện mãi mãi lưu danh...

Him Lam - Thời khai sáng ảnh 2

Khát vọng đổi mới

Từ ngọn đồi Him Lam, thả tầm mắt thấy rất rõ một Điện Biên không chỉ đẹp bởi quần thể di tích liên hoàn rộng lớn, bởi các cụm tượng đài của những chiến công mà mỗi khi nhắc tới Điện Biên Phủ là nhớ đến Mường Phăng, Him Lam, Hồng Cúm; đồi Độc Lập, Bản kéo, Đồi A1, Trung tâm Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ... mà còn nao nao về một Điện Biên xưa là rừng rú, hoang tàn, thưa vắng bởi chiến tranh, bởi núi cao vực thẳm... đã vươn lên thành “phố núi”, vượt lên thành TP Điện Biên Phủ nguy nga, tráng lệ. 

Đêm đêm lên đèn ngỡ như cõi mộng mơ... Nao nao mãn nguyện về một Điện Biên chuyển mình lớn lên mạnh mẽ suốt 66 năm qua. Điện Biên của nỗi nhớ, của niềm ngưỡng mộ khách du lịch từ bốn phương trời.

Him Lam - Thời khai sáng ảnh 3
Đường phố Him Lam.

Khó nhớ hết những lần chúng tôi tâm tình, chia sẻ công việc với các vị quyền cao, chức trọng của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh Điện Biên, ngoài những thành công trong các lĩnh vực, trong cái mới, cái hay đạt được thì việc xóa đói, giảm nghèo vững bền cho dân vùng sâu, vùng xa vẫn là cái khó muôn thuở. 

Cho dù năm sau thành tích vẫn cao hơn năm trước. Cho dù, năm 2019 vừa qua, thành tích thu được về kinh tế của Điện Biên là khả dĩ, được ghi bằng câu chữ khơi gợi, ngắn gọn: “Tái cơ cấu nông nghiệp đã đi đúng theo định hướng và đạt được kết quả bước đầu, các quy hoạch được triển khai, các dự án thủy điện, dự án đầu tư theo hình thức BT, PPP được cấp phép đầu tư và được triển khai khá mạnh và đồng bộ...”. 

Cho dù năm 2020 này, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, cùng các giải pháp của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội định ra khá rõ, hấp dẫn... nhưng hình như vẫn thiếu đà, thiếu lực, vẫn thiếu một phương cách tấn công xóa đói, giảm nghèo “thắng chắc” và bền vững như phương cách quân đội ta đánh Him Lam mở màn cho Chiến thắng Điện Biên Phủ lập nên chiến công “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” từ 66 năm về trước.

Nói về đổi thay của Him Lam, Bí thư Đảng ủy phường Him Lam Hà Văn Đông, giọng hãnh diện: Nay Him Lam ở thời khai sáng rồi. Him Lam lên phường từ năm 1992, là “thủ phủ” của các cơ quan, lực lượng mạnh của tỉnh. 

Him Lam có diện tích 600ha, nhưng đất nông nghiệp vót vét chỉ còn 20ha. Dân số tới 11.000 người, với 2.600 hộ; 14 dân tộc, trong đó Thái đen chiếm phần đa. Tất cả các dân tộc của phường đều đoàn kết, gắn bó như anh em một nhà... Đô thị hóa bùng nổ, nhà cao cửa rộng, tầng thấp tầng cao. 

Phố xá mở mang khang trang, sạch đẹp tràn đầy sức sống đô thị của TP Ðiện Biên Phủ. Kinh tế khai phát từ hoạt động du lịch, dịch vụ, vận tải, vật liệu xây dựng chất lượng cao… Đời sống nhân dân ngày một hơn lên, thu nhập bình quân năm nay ước đạt 35 triệu đồng/người. Trẻ em được học hành đến nơi đến chốn. Thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển. Cả phường chỉ còn vài ba hộ thuộc diện nghèo.

Khát vọng đổi mới, xây dựng phường văn hóa, vững mạnh ẩn trong lời thổ lộ của các vị lãnh đạo. Him Lam sẽ nỗ lực triển khai và hoàn thiện các dự án trọng điểm như: Đường 60m, Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung, điểm tái định cư Him Lam... tạo động lực mạnh cho sự phát triển kinh tế của địa phương. 

Phấn đấu xây dựng các bản văn hóa du lịch tiêu biểu, bản sắc; tạo nên điểm sáng về kinh tế - xã hội để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha, ông đã quyết liệt giành độc lập cho dân tộc, cho Tổ quốc và cho nhân dân phường Him Lam!

Him Lam - Thời khai sáng ảnh 4
Các nhà báo thăm di tích trên đồi Him Lam. Ảnh: Việt Hồng

Chúng tôi xen hỏi: Đâu còn là lực cản trong việc vận hành khai sáng chặng đường đổi mới của Him Lam? Các nhà lãnh đạo phường tỏ ra dè dặt... xoay sang cái vướng, cái khó, rằng thì phường chưa có công viên, vườn hoa... nhiều khát khao nhưng cũng còn nhiều chỗ vướng, quyền lợi của dân chưa được chú trọng. 

Nơi nọ mở cho được đoạn đường thì dìm ngập tới 5 - 6ha ruộng đôi ba vụ. Dân kêu, chúng tôi nói cho dân cũng chẳng thấu, chẳng đâu khắc phục. Cho nên, dân chủ còn là “chỗ vướng”, “chỗ mắc” chưa dễ có một sớm một chiều. Với lại đảng viên của phường tuy đông nhưng chưa mạnh, còn ở hàng cuối sổ của Đảng bộ thành phố!

Nhời nhẽ thế ấy khiến tôi chạnh nhớ tới các cựu chiến binh thời đánh trận Điện Biên Phủ như các cụ: Nguyễn Hữu Chấp, Bùi Thiên Điều, Trần Xuân Luật, Vũ Văn Giáp, Hoàng Công Đẩy năng nổ “cố vấn” cho chính quyền địa phương, đặc biệt là tính cách mạng... Cựu binh Nguyễn Hữu Chấp, nguyên Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường Him Lam, giọng phầm phập nói về dân chủ, nào là: Dân chủ là động lực của động lực. 

Là thần lực của đổi mới. Nào là, phải có dân chủ, nhờ dân chủ mới mong huy động sức dân để đẩy phường tiến lên. Dân chưa hiểu thì giải thích. Biết tỏ, hiểu rõ, họ sẽ nghe, sẽ làm, sẽ thực hiện... Tỉnh cũng vậy, huyện, phường cũng thế, có dân chủ, biết nghe dân mới mong đổi mới, mới mong phát triển toàn diện!...

Bí thư Đảng ủy Hà Văn Đông nét mặt sáng lên, giọng lạc quan: Cũng mừng, bởi Him Lam đang thời khai sáng. Cái yếu sẽ phải lui. Cội nguồn sức mạnh lịch sử của Him Lam luôn là điểm tựa để chúng tôi đi tới!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...
Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".