Hiệu ứng của phản biện xã hội

Hiệu ứng của phản biện xã hội

(GD&TĐ) - Trong vòng vài thập kỷ gần đây, khái niệm “phản biện xã hội” mới chính thức được đưa vào Nghị quyết của Đảng. Đại hội X (2006) khẳng định: “Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”. Tại Đại hội XI (2011) Đảng ta đã quyết định thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển), trong đó có một mệnh đề quan trọng: “Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”. Đây là biểu hiện của sự phát triển tư duy dân chủ của Đảng ta kể từ khi phát động sự nghiệp Đổi Mới. 

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Hiểu một cách đơn giản nhất, phản biện chân thành chính là việc dùng lý lẽ để đặt lại vấn đề, nhằm mục đích giúp cho người được phản biện điều chỉnh lý luận hoặc điều chỉnh chủ trương, biện pháp cho đúng hơn, cho phù hợp hơn với chân lý đời sống hoặc cho phù hợp hơn với thực tiễn đang diễn ra. Phản biện không có nghĩa là phản bội lại lý tưởng, mục tiêu đã lựa chọn, càng không phải là phản động.

Một thực tế đáng mừng là không khí dân chủ ngày càng được mở ra đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ý kiến phản biện có cơ hội được trình bày bằng nhiều con đường khác nhau, nhiều hình thức khác nhau, từ đó tạo nên những hiệu ứng xã hội mạnh mẽ. Có thể mạnh dạn nhận định rằng, chỉ trừ những ý kiến trên các kênh thông tin phản động cực đoan, đi ngược quyền lợi dân tộc, còn thì tất cả các ý kiến đều cần được coi trọng, có thể coi đó là những ý kiến phản biện của xã hội từ các góc độ khác nhau, kể cả các góc khuất, những ý kiến được đề xuất bởi những nhóm người yếu thế trong xã hội. 

Phải thừa nhận, vấn đề quyền dân chủ đã được cải thiện một bước khá rõ như đã nói trên, nhưng chúng ta vẫn chưa thật sự tạo được bầu không khí dân chủ đầy đủ để các luồng ý kiến phản biện được nêu lên một cách thoải mái, tự nhiên nhất. Đây đó vẫn còn dân chủ hình thức. Phổ biến vẫn là dân chủ đại diện. Cần tiếp tục cung cấp thông tin đầy đủ và khơi dậy ý thức công dân để người dân vượt qua mặc cảm tự ti, mạnh dạn tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng xã hội.

Hiện nay, vẫn còn một số dự án cấp quốc gia và cấp bộ ngành nhưng có liên quan đến sinh mệnh của hàng vạn người dân cần được tiếp tục lắng nghe ý kiến phản biện nhiều hơn từ phía các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, kể cả ý kiến của cử tri và nhân dân ở những vùng dự án. Trên thực tế, hình như tâm lý số đông vẫn chờ đợi ở một số cá nhân có dũng khí, có nhiệt tâm, dám nói lên ý kiến của nhiều người. Phần vì bản thân họ chưa có đủ thông tin, hoặc chưa có đủ trình độ lập luận để ý kiến phản biện của mình có sức thuyết phục. Phần nữa, do tâm lý kiêng dè, ngần ngại, tránh va chạm.

Vì vậy, cử tri và nhân dân vẫn trông chờ vào ý kiến của tổ chức Mặt trận Tổ quốc các cấp, của các tổ chức hội, đoàn thể. Hãy để cho người được phản biện coi vấn đề phản biện xã hội là vấn đề bình thường, là nhu cầu, là chế tài, thậm chí là cơ hội quý báu để chính quyền được người dân tham gia đồng hành cùng với mình trong việc xây dựng một cộng đồng văn minh. Điều nguy hại của một chính quyền là khi người dân quay lưng lại với mọi chủ trương, không ý kiến bình luận, không ủng hộ, không phê phán, theo chủ nghĩa “mặc kệ nó”. Khi trình độ tự giác cao, trình độ văn minh cao, trình độ quản lý xã hội tiên tiến, vấn đề phản biện xã hội sẽ diễn ra nhẹ nhàng, như một nhu cầu tự thân.

Nại Hiên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.