Người Việt luôn dạy cho thế hệ trẻ về đạo lý hiếu nghĩa |
(GD&TĐ) - Bàn về chữ hiếu, nghĩa là bàn về một điều đã quá cũ. Nhưng ta có thể mừng vì cái cũ đó đã trở thành truyền thống, bản sắc Việt, và còn duy trì tương đối tốt đến ngày nay. Nhiều người phương Tây tìm đến Việt Nam làm ăn, du lịch, trải nghiệm, để rồi gắn bó với Việt Nam, mà phần nhiều lý do là vì yêu mến chữ hiếu của người Việt.
1. Anh J. Hajduch, một doanh nhân người Bỉ, thường xuyên qua lại giữa châu Âu và Việt Nam để nhập mặt hàng thủy sản Việt, đã lặng lẽ khóc trong một đám cưới người Việt mà anh được mời tới dự. Trong đám cưới, Hajduch tận mắt chứng kiến cảnh đôi trẻ kính cẩn lễ trước bàn thờ gia tiên.
Và thật bất ngờ khi cụ cố ngoài 90, mái tóc bạc phơ và rụng gần hết, chống gậy lẩy bẩy đứng lên trao đôi khuyên vàng cụ cất giữ bấy lâu cho chắt dâu mới, còn cô gái trẻ, quá xúc động đã quỳ xuống ôm lấy cụ cố mà khóc.
Trước cảnh ấy, anh đã không cầm nổi nước mắt. Nghĩ lại cảnh mình, anh chợt xót xa, khi anh mới đi chuyến đầu tiên sang Việt Nam để xây dựng đầu mối làm ăn, chưa đầy ba tháng chồng đi vắng, chị vợ ở nhà đã có bạn trai mới và nhất quyết kêu anh về để ly dị.
Anh đã cố gắng thuyết phục chị nghĩ lại, vì cho rằng vợ chỉ giận và nảy ý thích nhất thời, nhưng hơn nửa năm nay chị vẫn cương quyết đòi ly dị, viết sẵn đơn ly hôn giục anh ký, và chính thức ly thân với anh.
Hajduch nói, các thành viên trong gia đình ở Việt Nam còn giữ được truyền thống gắn bó với nhau, con cháu rất tình cảm, báo hiếu hàng ngày với ông bà, cha mẹ. Ở phương Tây tuy hiện đại và sòng phẳng hơn, nhưng muốn tình cảm gần gũi là rất khó khăn, tôi rất thèm cảm giác sống và cư xử với nhau trong gia đình người Việt.
Ở phương Tây, cha mẹ sinh con ra, cho con tới trường và con tự lập rất sớm, tự quyết định nghề nghiệp và đời sống của mình, cha mẹ không nghĩ hộ, làm hộ hoặc sống hộ con cái như cha mẹ ở Việt Nam. Con cái được tự do hơn, tuy nhiên vì thế mà trách nhiệm, và sự gắn kết cũng lỏng hơn.
Khi cha mẹ về già, vẫn sống riêng, thậm chí sẽ sống ở viện dưỡng lão, con cái có đến thăm, nhưng không cần chăm sóc, mà họ cũng rất hiếm khi thăm nom.
Trong khi đó, nếu một gia đình Việt có người bệnh nặng phải nằm viện, thì lập tức thông tin này được loan đi, không chỉ mọi thành viên trong gia đình, mà họ hàng thân cận, hàng xóm láng giềng, thậm chí cả bạn bè, đồng nghiệp của thân nhân người bệnh cũng sẽ tới thăm.
Chưa cần viện tới các phương tiện truyền thông đại chúng, chỉ cần truyền thông miệng thôi thì cái tin hiếu nghĩa cũng đã có thể lan truyền khá nhanh và hiệu quả. Xin kể câu chuyện cụ thể này làm bằng.
Chị T, một chuyên viên cấp Vụ thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông, cho biết, ông ngoại chị bị bệnh nặng, phải nằm khoa điều trị tích cực Bệnh viện Việt - Nhật cả tháng trời. Dù ông ngoại có bảo hiểm hẳn hoi, nhưng do phải dùng thuốc điều trị đắt tiền và những loại máy hỗ trợ đặc biệt, cùng những đồ phụ trợ khác không được bảo hiểm thanh toán nên nằm viện được một tháng thì gia đình phải đóng thêm chi phí tới hơn trăm triệu đồng.
Hiện giờ ông vẫn tiếp tục nằm viện. Chi phí chữa bệnh cho ông đã trở thành gánh nặng. May mà có rất nhiều người tới thăm, mỗi người giúp vài trăm ngàn tới vài triệu đồng, nên cũng đỡ đi phần nào cho gia đình. Lúc đó, mới thấy truyền thống hiếu nghĩa của người Việt mình thật minh triết biết bao. Nếu cứ độc lập ai biết người đấy như ở phương Tây, thì có lẽ gay lắm! Điều này còn thể hiện một ý trong minh triết Việt “góp gió thành bão”.
Nhiều thế hệ cùng chung sống hòa thuận, đầm ấm là hình ảnh thường thấy trong các gia đình Việt |
2. Không chỉ lo cho đời mình, người Việt lại còn đèo bòng lo cho con cái, thêm việc lo làm tròn chữ hiếu với bố mẹ nữa... Những việc lớn của đời con vẫn phải có bố mẹ quyết định. Ví dụ dù con yêu ai nhưng phải báo cáo bố mẹ, bố mẹ đồng ý mới có thể làm lễ cưới. Và không ai khác ngoài bố mẹ là những người đứng ra lo lễ cưới cho con.
Việc con cái báo hiếu với cha mẹ trong gia đình Việt Nam cũng thể hiện từ những việc nho nhỏ mà rất tinh tế. Dì Hân – dì út nhà tôi - là hiệu trưởng trường THCS, công việc rất bận rộn, nhưng sáng nào dì cũng tranh thủ dậy sớm làm các việc trong nhà, lo bữa sáng cho bố mẹ chồng xong thì dì lại tạt sang nhà mẹ đẻ cách đó chừng trăm mét, mang bữa sáng sang cho mẹ đẻ.
Dì biết các món ăn sáng do dì chế biến hợp khẩu vị mẹ nhất nên dì “tranh” phần lo bữa sáng cho mẹ với anh cả và chị dâu. Dì nói, các anh chị cứ lo cho mẹ những việc lớn, em chỉ xin được lo việc nhỏ. Bà ngoại tôi, khỏi nói, rất hạnh phúc với điều đó.
Vào những dịp dì đi vắng, không thể mang bữa sáng cho bà, bà ngoại tôi thường đi ra đi vào, nhắc nhở mãi không thôi. Khách nào đến thăm bà ngoại, bà cũng tự hào khoe với họ rằng đứa con gái út của bà tuy thành đạt ngoài xã hội, rất bận rộn nhưng lúc nào cũng để tâm chăm sóc bà nhất.
Tuy rằng những việc lặt vặt như thế này, để lo tròn và thường xuyên cũng khá mất công, nhưng sống ở trên đời, còn việc gì quan trọng hơn, ý nghĩa hơn là làm giàu tình cảm, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người thân, mà đó lại là chính cha mẹ mình.
Trong gia đình ở Việt Nam, cho tới thời điểm hiện nay, tuy lối sống phương Tây đã du nhập mạnh, nhưng sự gắn kết giữa các thành viên gia đình vẫn còn chặt chẽ. Bố mẹ cố gắng làm việc chăm chỉ, tích lũy tài sản với quan điểm để lo cho con cái, lo cho con từ trường học đến nghề nghiệp, lo đến cả cái nhà cho con ở. Cũng có lẽ vì thế mà người Việt chẳng lúc nào thư nhàn. |
Mai Mai