Hiệu trưởng xây hạnh phúc

Hiệu trưởng xây hạnh phúc

Tạo bầu không khí hạnh phúc

Theo PGS.TS Dương Hải Hưng - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường học hạnh phúc là nơi có sự an toàn, vui vẻ, sáng tạo cho tất cả các thành viên trong nhà trường, bao gồm cả người dạy và người học. Trường học hạnh phúc phải hội tụ cả 3 yếu tố: Con người hạnh phúc, môi trường hạnh phúc và chương trình hạnh phúc.

Môi trường tự nhiên như cảnh quan, cơ sở vật chất tạo nên sự tươi mới, vui vẻ và mô phạm. Môi trường xã hội là mối quan hệ giữa nhà quản lý với cán bộ giáo viên, giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh diễn ra hài hòa, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau. Nội dung chương trình học tăng cường tính tự giác và chủ động, sáng tạo của cả người dạy và người học. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường thời lượng người học được thực hành và trải nghiệm khám phá tri thức mới.

PGS Dương Hải Hưng phân tích: Với vai trò là người “thổi linh hồn” cho văn hóa tổ chức, hiệu trưởng cần tạo một môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp và mô phạm. Môi trường cảnh quan của nhà trường tạo cho mọi người cảm giác thư thái, vui vẻ và an toàn khi bước chân vào khuôn viên nhà trường.

Để tạo nên bầu không khí hạnh phúc trong nhà trường, cán bộ, giáo viên cần ý thức được sứ mệnh, tầm nhìn của nhà trường. Bên cạnh đó, mỗi thành viên trong nhà trường cần nhận thấy bản thân họ là một phần của tổ chức, mong muốn được góp phần tạo nên một tổ chức vững mạnh và có bầu không khí hạnh phúc.

Muốn như vậy, hiệu trưởng cần ban hành bộ quy tắc ứng xử của nhà trường hạnh phúc. Bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, giáo viên trong việc xây dựng nhà trường hạnh phúc để họ ý thức được bản thân và góp phần xây dựng nên văn hóa hạnh phúc của nhà trường.

Mặt khác, hiệu trưởng cần tạo động lực cho các thành viên trong nhà trường, giúp họ đều có mong muốn được đến trường, hăng say sáng tạo với công việc của mình để đạt được hiệu quả cao trong công việc.

Nội dung, chương trình dạy học quyết định hình thức, phương pháp dạy học. Để xây dựng trường học hạnh phúc, hiệu trưởng cần định hướng nội dung chương trình dạy học phát huy được tính sáng tạo của giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó giáo viên cũng phải được quyền “tự chủ” về môn học họ đảm nhiệm.

PGS.TS Dương Hải Hưng- giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
 PGS.TS Dương Hải Hưng- giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Người tạo ra năng lượng hạnh phúc

PGS Dương Hải Hưng nêu quan điểm: Muốn có một nhà trường hạnh phúc, hiệu trưởng phải là người có năng lượng và tạo ra năng lượng hạnh phúc ảnh hưởng tới các thành viên trong nhà trường. Năng lượng hạnh phúc đó khi được lan tỏa sẽ tạo nên môi trường hạnh phúc.

Trong nhà trường, hiệu trưởng là người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và thúc đẩy các mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà trường. Tâm lý hình thành và phát triển thông qua hoạt động, vì vậy, hiệu trưởng cần tổ chức và tạo động lực cho các thành viên tham gia các hoạt động để có sự tương tác giữa các thành viên.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường xây dựng các mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh học sinh, học sinh để tạo nên mối quan hệ gắn kết giữa gia đình và nhà trường. Xây dựng niềm tin giữa nhà trường và cha mẹ học sinh sẽ tạo nên tâm lý an toàn, tin tưởng khi phụ huynh gửi con đến trường.

Xây dựng mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà trường và các phụ huynh học sinh trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng và yêu thương sẽ tạo ra mối quan hệ bền vững tốt đẹp. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này trước tiên các thành viên trong nhà trường cần có cảm giác luôn thoải mái, yêu thương và hăng say làm việc, học tập.

Theo quá trình phát triển của xã hội, yêu cầu cho giáo dục ngày càng tăng, song song với đó, vai trò của hiệu trưởng trong việc nâng cao năng lực xây dựng các mối quan hệ giữa hiệu trưởng - giáo viên - phụ huynh học sinh là cần thiết.

Xã hội càng phát triển thì sự kỳ vọng của gia đình dành cho giáo dục ngày càng cao bởi giáo dục là con đường ngắn nhất giúp người học hình thành tri thức, kỹ năng, kỹ xảo. Để từ đó người học được trang bị những kỹ năng cần thiết bước vào cuộc sống lao động.

Hiệu trưởng thực hiện tốt vai trò xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường sẽ tạo ra được niềm tin giữa các lực lượng giáo dục. Từ đó sẽ đóng góp vào việc tạo ra một bầu không khí trường học tích cực. Các lực lượng khác sẽ nhìn nhận và đánh giá cao những nỗ lực của giáo viên khi đảm nhận một công việc đòi hỏi sự cam kết, toàn tâm toàn ý. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ