Hiệu trưởng trẻ nhất VN: "Đừng tranh luận, hãy tuân theo thị trường quốc tế"

"Thay vì tranh luận những vấn đề của giáo dục Việt Nam thì chúng ta hãy tuân theo các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, lúc đó mới có điều kiện quốc tế hóa và cơ hội giáo dục được mở rộng" - TS Đàm Quang Minh (35 tuổi) Hiệu trưởng ĐH FPT nói.

Hiệu trưởng trẻ nhất VN: "Đừng tranh luận, hãy tuân theo thị trường quốc tế"
* Là hiệu trưởng trẻ nhất Việt Nam hiện nay, anh thấy mình có ưu thế gì?

- Tôi thấy mình có hai ưu thế nổi bật đó là sức khỏe và thời gian. Là hiệu trưởng một trường đại học ngoài công lập, phải đi công tác rất nhiều thì sức khỏe là quan trọng. 

Hơn nữa, vì còn trẻ nên thời gian phía trước của tôi rất dài, điều này giúp tôi có thể gắn bó với trường lâu hơn, từ đó có thể làm những việc dài hơi hơn. 

ĐH FPT tuyển dụng rất nhiều người trẻ tài năng, đó sẽ là những luồng gió mới đưa đến những giá trị mới. Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để Việt Nam có thể xuất khẩu giáo dục.

Tu-van-tuyen-sinh-vao-Cao-dang-2909-7478

Hiệu trưởng ĐH FPT Đàm Quang Minh.

* Muốn xuất khẩu giáo dục sẽ phải cạnh tranh với nhiều quốc gia rất phát triển trong lĩnh vực này. Điều gì khiến anh tin tưởng kế hoạch của mình sẽ thành công?

- Mỗi năm Việt Nam mất khoảng 1,7 tỷ USD cho học sinh du học nước ngoài. Chính sách thu hút học sinh đến Việt Nam du học đã được FPT thực hiện được vài năm. 

Năm 2009, chúng tôi có học sinh nước ngoài đầu tiên. Năm 2010, ĐH FPT tiếp nhận thêm 17 sinh viên quốc tế. Cuối năm 2012 trường ra quyết định quốc tế hóa và đến nay đã có 66 sinh viên nước ngoài theo học hệ chính quy, 32 sinh viên hệ liên kết quốc tế, 200-300 sinh viên trao đổi mỗi năm. Sinh viên học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Định hướng 5-10 năm tới, trường có khoảng 10% sinh viên nước ngoài, khi đó FPT sẽ trở thành một đại học quốc tế.

Tôi thấy rằng, thay vì tranh luận những vấn đề của giáo dục Việt Nam thì chúng ta hãy tuân theo các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, lúc đó mới có điều kiện quốc tế hóa và cơ hội giáo dục được mở rộng.

* Theo anh, việc cần làm để quốc tế hóa giáo dục là gì?

- Để phát triển và đón đầu thời kỳ hội nhập, Việt Nam cần biến thành một trung tâm của trí tuệ, một cái chợ về tri thức. Chúng ta cần làm nhiều việc để 3-5 năm tới có 10% sinh viên và 15% giảng viên là người nước ngoài đến học và giảng dạy.

Những việc cần làm là phải có chương trình quốc tế (nhiều trường đã có), phải có giảng viên quốc tế (đã có), sinh viên quốc tế dạy bằng tiếng Anh (ĐH FPT đang tiến hành) và phải có cơ sở ở nước ngoài - điều này chưa trường đại học nào ở Việt Nam làm được.

Ở Singapore và Malaysia, lãnh đạo đều khao khát biến đất nước thành trung tâm của thế giới cả về kinh tế và giáo dục. Vì vậy họ xây nhiều cơ sở ở nước ngoài và mời các trường đến nước mình đầu tư. 

Vương quốc Anh thì bán thương hiệu quốc gia về giáo dục, coi đó là ngành kinh tế xanh mang lại của cải cho đất nước. Trung Quốc và Philippines lại làm giáo dục rất khác biệt và năng động, thu hút nhiều sinh viên nước ngoài tới theo học.

Còn Việt Nam chưa chú trọng tới chất lượng giáo dục đại học, các trường đa số không xây dựng được thương hiệu, chỉ chú trọng tuyển sinh cho thật nhiều, do đó chất lượng đào tạo kém. 

Minh chứng dễ nhìn thấy là tỷ lệ thất nghiệp phần lớn rơi vào người mới ra trường (khoảng 27%). Vì vậy, lúc này các trường vẫn dạy sinh viên kiến thức là sai lầm, mà cái quan trọng nhất cần dạy đó là kỹ năng.

* Kỹ năng đó là gì?

- Kỹ năng của thế kỷ 21 là kỹ năng tư duy (phản biện, giải quyết vấn đề…); kỹ năng làm việc (giao tiếp, hợp tác, làm việc nhóm…); kỹ năng công cụ (internet, communication); kỹ năng toàn cầu hóa (ý thức công dân, trách nhiệm xã hội, đa văn hóa).

* ĐH FPT từng cam kết giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, hiện nay cam kết này được thực hiện như thế nào?

- Khi mới thành lập chúng tôi sắp xếp việc làm cho toàn bộ sinh viên sau khi ra trường, vào những vị trí phù hợp của tập đoàn. Tuy nhiên, những năm gần đây, sinh viên đã năng động hơn rất nhiều. 

Các em có thể tự xin được những công việc rất tốt mà không cần hỗ trợ của nhà trường. Mới đây, một sinh viên cũ mới ra trường 2 năm đã trở thành triệu phú đôla. 

Nói như vậy để thấy rằng chúng tôi luôn xác định tư tưởng cho sinh viên là "một năm đi làm bằng bốn năm đi học". Vì vậy, trường luôn tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận với yêu cầu thực tế, biết được mình phải học những gì để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ