Hiệu trưởng phải là người đi đầu trong đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Trước thềm năm học mới 2018 - 2019, vào ngày 20/7/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 14/2018 quy định Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông. Và ngày 22/8/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành Thông tư số 20/2018 quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Cô Nguyễn Thị Diệp và học sinh Trường THCS Đức Thượng, Hoài Đức
Cô Nguyễn Thị Diệp và học sinh Trường THCS Đức Thượng, Hoài Đức

Báo GD&TĐ đã có cuộc chia sẻ với cô Nguyễn Thị Diệp, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) về những đổi mới trong công tác quản lý giáo dục.

Là người từng nhiều năm ở cương vị hiệu trưởng trường THPT ở Hà Nội, theo cô, việc áp chuẩn hiệu trưởng nếu làm thực, đánh giá thực có tạo nên một bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục hay không?

Trước đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chuẩn hiệu trưởng theo Thông tư 29/2009/TT-BGD ĐT ngày 22/10/2009 do Bộ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký. Trong Thông tư này cũng đã quy định những tiêu chuẩn của hiệu trưởng. Nhiều năm qua Thông tư này được vận dụng và đã là định hướng để bổ nhiệm hiệu trưởng, cũng như phấn đấu rèn luyện trong công việc của Hiệu trưởng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đánh giá chuẩn hiệu trưởng theo Thông tư 29 đã bộc lộ một số điểm cần chỉnh sửa, thay đổi cho phù hợp với xu thế thời đại. Đặc biệt, sau Nghị quyết Trung ương 4 có nêu trách nhiệm người đứng đầu thì càng cần phải có một văn bản hoàn chỉnh hơn. Và Thông tư số 14/2018/TT-BGD ĐT ngày 20/7/2018 đã đáp ứng điều đó.

Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT quy định rất rõ từng mức độ trong các tiêu chí. Điều này đòi hỏi hiệu trưởng phải luôn tự rèn luyện, trau dồi phấn đấu để xứng đáng với trọng trách được giao. Đây thực sự là bước tiến mới để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.

Thưa cô, với vai trò “thuyền trưởng”, mỗi hiệu trưởng sẽ gánh trên vai trách nhiệm lớn trong việc đổi mới việc dạy và học, việc bồi dưỡng cán bộ quản lý sẽ được thực hiện như thế nào cho hiệu quả?

Cô giáo Nguyễn Thị Diệp

Thông tư 14/2018/TT-BGD ĐT cũng quy định rất rõ từng phần việc của hiệu trưởng, không chỉ là người đứng đầu, quản lý mà còn có vai trò thuyền trưởng chèo lái con thuyền tri thức mà những hành khách là học trò – thế hệ tương lai của đất nước. Bên cạnh đó còn có trách nhiệm điều hành giáo viên trong trường cùng thực thi nhiệm vụ ấy.

Đó chính là trọng trách lớn của hiệu trưởng trong thời đại mới, trước cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0. Muốn vậy, hiệu trưởng phải “nói được, làm được” và đặc biệt phải sử dụng thành thạo máy tính và vận dụng công nghệ thông tin vào công việc quản lý. Công nghệ thông tin giúp hiệu trưởng quản lý các phần mềm, cũng như cập nhật những đổi mới, cập nhật các văn bản để chỉ đạo tốt hơn.

Mặt khác, hiệu trưởng cũng phải là người đi đầu trong đổi mới, đặc biệt đổi mới phương pháp dạy học. Muốn vậy, hiệu trưởng phải trực tiếp giảng dạy đủ 2 tiết trên lớp (không phải chỉ để nhận 30% đứng lớp), để luôn cập nhật với những phương pháp dạy học mới sẽ được vận dụng cho phù hợp với thời cuộc. Thậm chí, dạy có sử dụng giáo án điện tử để làm gương cho giáo viên thực thi. Phải biết VNEN, STEM là thế nào, tích hợp ra sao, phương pháp khăn trải bàn là gì, bàn tay nặn bột (ở tiểu học) sẽ vận dụng trong trường hợp nào…

Với việc tự bồi dưỡng của hiệu trưởng thì bên cạnh chương trình tự bồi dưỡng 120 tiết theo quy định, hiệu trưởng cũng phải thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức, tư cách của mình, làm gương cho anh chị em giáo viên và học sinh, đặc biệt trong quy tắc ứng xử nơi công cộng.

So với chuẩn cũ, quy định mới trong Chuẩn hiệu trưởng đặt ra những yêu cầu cao hơn và rõ ràng hơn để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới giáo dục. Những điều đáng chú ý trong Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông mới có ý nghĩa như thế nào đối với hiệu trưởng?

Chuẩn lần này nhấn mạnh và yêu cầu cao với các hiệu trưởng về quản trị trường học, khả năng lập kế hoạch chiến lược, kế hoạch hành động, khả năng quản trị nhân lực trong nhà trường, khả năng quản trị tài chính…

Một nội dung khác cũng rất quan trọng với hiệu trưởng ở đây là giá trị bản thân. Người hiệu trưởng phải xây dựng được giá trị bản thân mình, để dẫn dắt nhà trường thay đổi đáp ứng yêu cầu mới. Cùng với đó là trách nhiệm giải trình, hiệu trưởng phải có trách nhiệm giải trình về các hoạt động của nhà trường cho nhà nước, nhân dân, học sinh, phụ huynh…

Mục đích của Chuẩn hiệu trưởng không phải chỉ ở đánh giá, xếp loại, mà quan trọng là hướng cho họ đạt chuẩn, phấn đấu để tự đạt chuẩn. Tôi cho rằng, điều mang tính căn cơ, lâu dài là đào tạo ra những người hiệu trưởng đạt chuẩn chuyên nghiệp.

Theo Chuẩn hiệu trưởng mới, có nên đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong trường học, trong đó, có việc bổ nhiệm hiệu trưởng phải thực hiện qua hình thức thi tuyển hay không?

Theo Chuẩn hiệu trưởng mới, việc thực hiện dân chủ trong nhà trường sẽ được phát huy. Bởi lẽ hiệu trưởng muốn đạt chuẩn theo TT 14 /2018/TT-BGD ĐT phải tự phấn đấu rèn luyện. Trong đó những đóng góp của anh chị em giáo viên là quan trọng, vì không ai có thể nhìn nhận được thiếu sót của mình rõ bằng những đồng nghiệp cùng công tác. Khắc phục được hiện tượng cào bằng, nể nang trong đánh giá thi đua. Vì thế, việc bổ nhiệm hiệu trưởng sẽ khách quan, theo năng lực thực sự của người được bổ nhiệm. Không còn hiện tượng “cánh hẩu”, 4 C, “Hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, đồ đệ” nữa.

Ở một số nơi đã có việc thi tuyển người đứng đầu (ngành Giáo dục thì mới chỉ diễn ra ở một số trường đại học). Theo tôi tiến tới cần áp dụng ở tất cả các trường phổ thông, để chọn được người hiệu trưởng phải thật sự xứng đáng là người đứng đầu, là thuyền trưởng chèo lái sự nghiệp giáo dục của mình, đưa các con cập bến an toàn.

Bắt đầu từ năm học này, các hiệu trưởng càng phải tự phấn đấu rèn luyện mình hơn, để xứng đáng là người anh cả, người đứng đầu trong ngôi trường mình công tác. Và để tạo sự công bằng cho những người tài, tạo cơ hội cho lớp trẻ có đủ năng lực được cống hiến, phát huy.

Việc thực hiện Thông tư 14/2018/TT-BGD ĐT về chuẩn hiệu trưởng, cùng với đổi mới thi cử và Chương trình sách giáo khoa mới, chắc chắn giáo dục Việt Nam sẽ được khởi sắc, góp phần vào việc thực hiện Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nước nhà.

Xin trân trọng cảm ơn cô!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ