Hiểu thế nào là hạnh phúc của học sinh

GD&TĐ - Một nghiên cứu về hạnh phúc của HS vừa được PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, công bố tại tọa đàm “Hành động vì hạnh phúc HS”. Hiểu như thế nào là hạnh phúc của HS, giáo viên, lớp học? Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với PGS.TS Huỳnh Văn Sơn xung quanh vấn đề này.

Hiểu thế nào là hạnh phúc của học sinh

- Người ta bàn nhiều về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc cá nhân..., nhưng thực sự hiếm khi thấy bàn về hạnh phúc của HS. Vì sao ông và nhóm nghiên cứu quan tâm đến câu hỏi: “HS cảm thấy hạnh phúc như thế nào khi đến trường mỗi ngày”?

Tôi cho rằng, khi người ta trưởng thành, bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến những gì ngoài các yếu tố thuộc về “nhiệm vụ”. Thực ra đây cũng là biểu hiện của cái tôi con người. Hạnh phúc là tiêu điểm, vì thế người lớn sẽ hướng đến và quan tâm, suy nghĩ về nó thông qua những chiều kích: hạnh phúc gia đình, hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc cá nhân.

Khuynh hướng xem xét nhiệm vụ, vai trò... khiến người ta quên đi ai cũng cần có hạnh phúc. Nhu cầu hạnh phúc là nhu cầu không thể thiếu ở mỗi con người và với HS càng có. Nhưng những ai ở vị thế thấp hơn thường được người khác nhìn về trách nhiệm: phải, cần, nên... và lâu dần quên đi rằng cá nhân hay nhóm đó rất cần hạnh phúc.

Đơn cử như người lãnh đạo dễ quên dần câu hỏi: Nhân viên mình có hạnh phúc khi làm việc cùng hay không? Và người lớn cũng không nhớ: HS có hạnh phúc khi đến trường, khi học tập... hay khi học cùng mình không. Những cái “quên” ấy xuất phát từ lối suy nghĩ “cao - thấp”, kiểu tư duy nhiệm vụ: Phải, phải... và phải.

Tôi và các cộng sự trong 2 năm qua đã quan tâm về vấn đề hạnh phúc của người trưởng thành, dựa trên chiều kích nghiên cứu so sánh với các nghiên cứu thế giới về chỉ số hạnh phúc, các vấn đề có liên quan. Tiếp đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu về hạnh phúc của HS, SV. Gần đây nhất, chúng tôi nghĩ rằng HS, SV là nhóm khách thể thú vị khi các em rất cần hạnh phúc. Điều này cũng tương đồng với lo lắng của một số đại biểu Quốc hội trong các kỳ họp gần đây: HS ít hạnh phúc quá.

- Ông có nhận xét gì về những con số: 92,8% HS mong muốn thầy cô sẽ cười nhiều hơn; 84% HS mong muốn thầy cô nhẹ nhàng hướng dẫn khi các em làm gì sai. 82,4% mong muốn thầy cô đừng phê bình trước mặt bạn bè hay nhiều người; 82,4% HS muốn tổ chức học tập được xen kẽ với việc chơi, trao đổi, thảo luận;75,4% các em cũng khẳng định thầy cô đừng cho học thuộc lòng nhiều quá…?

Những số liệu này có thể nói mang đến cho chúng ta nhiều thông điệp:

HS mong đợi những điều đơn giản ở thầy cô mình nhưng liệu thầy cô có biết, hiểu để đáp ứng? Bài toán khó đặt ra là khi có sự khác biệt giữa cách cần và cách đáp ứng thì khó dung hòa hay khó tương tác tích cực

Những mong đợi của HS phản ánh đúng một số “mạch ngầm” trong tư duy GD mà Bộ GD&ĐT cũng như những chuyên gia đã chạm đúng trong thời gian gần đây: giảm tải chương trình học, tiếp cận phát triển năng lực khi dạy học, thay đổi cách đánh giá, tăng cường GD tích cực, trải nghiệm song song với thay đổi phương pháp GD...

Những số liệu trên cho thấy cần thiết thay đổi tư duy của thầy cô giáo khi tương tác, GD: Gồng mình nghiêm khắc để HS nể sợ, kỳ vọng HS hoàn thiện kiểu toàn diện và nhanh chóng,... Thật đáng tiếc khi chúng tôi chưa có đủ điều kiện để nghiên cứu trên quần thể mẫu lớn cũng như chọn mẫu cả nước hay nghiên cứu tất cả các độ tuổi, nhưng chắc chắn đây là bài toán chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

- Ông có thể định nghĩa một lớp học như thế nào là hạnh phúc; một HS đến trường như thế nào là hạnh phúc?

Câu hỏi này thật khó, nhưng trong GD, chúng ta cần phải quan tâm và hướng đến. Trên bình diện tổng thể: Lớp học hạnh phúc là lớp học có sự tương tác chủ động, tích cực với xúc cảm dương tính từ hai phía: nhà tổ chức và chủ thể thực hiện. Lớp học hạnh phúc là điểm đến mà mỗi cá nhân cảm thấy muốn đến, khi đến có những hứng thú, có niềm vui, có sự mong chờ, có rung cảm... Lớp học hạnh phúc là nơi có thể cảm nhận được sự an toàn, sự nâng đỡ hay sự thú vị khi có nhiều điều nằm trong nhu cầu được thỏa mãn...

HS đến trường như thế nào là hạnh phúc, có thể quy thành một mệnh đề: mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Cần khẳng định không quá lý tưởng đến mức vui mà không nhớ hay không hiểu nhiệm vụ thay vào đó là thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động, tích cực với sự thoải mái, khao khát, cố gắng tích cực nhất. Bên cạnh đó, người học cảm thấy có niềm tin, có rung động, có động lực khi đến lớp và dễ nhớ nhung nếu không đến lớp...

- Vậy chúng ta có thể hình dung rằng người giáo viên hạnh phúc là người làm cho lớp học và HS hạnh phúc?

Đây là mệnh đề đúng và nó giúp chúng ta nhìn thẳng và thật vào vấn đề: giáo viên có hạnh phúc hay chưa. Nếu chúng ta muốn xây dựng hay tạo nên những lớp học hạnh phúc, hay hướng đến hạnh phúc của HS mà quên đi chủ thể song hành, thì thật là khiên cưỡng.

Vậy thì cần đánh giá nghiêm túc về những điều gì khiến giáo viên chưa hạnh phúc hay thiếu hạnh phúc; các yếu tố ảnh hưởng đến hạnh phúc của giáo viên là gì để có cái nhìn công tâm và sát sườn. Không phải là cái cớ nhưng cần xem lại: khối lượng công việc, mức trả công, các áp lực đang gánh tải, những thách thức của nghề, những tác động tiêu cực của bối cảnh,... để nhìn nhận khách quan hơn.

- Từ góc độ của đề tài, ông có góp ý gì với nhà trường và giáo viên để làm cho HS được hạnh phúc khi đến trường?

Mỗi nhà trường và giáo viên cần xem xét các mong đợi “giản đơn” của HS. Bước đầu chúng tôi đã khảo sát và còn thêm những kết quả khác để hiểu các em nhiều hơn và hướng đến các em. Ngoài ra, cũng cần điều chỉnh chính mình từ nhận thức đến hành động, bớt dần kiểu tư duy “phải, phải” theo ý muốn hay sự nôn nóng trong GD. Chúng ta cần xem xét những định hướng mới trong GD hiện nay, như: Chương trình GD phát triển năng lực; tương tác tích cực và gắn kết thầy – trò; đánh giá sự phát triển năng lực mà không phải hướng đến những tiêu chuẩn hoàn hảo tuyệt đối... chính là những gì cần quyết tâm.

Về phía thầy cô, có lẽ những suy nghĩ: thầy cô phải nghiêm khắc và “mạnh tay” mới làm các em sợ, HS phải, phải và phải... hay thầy cô có quyền thế... cần thay đổi. Những suy nghĩ rằng nghề giáo là nghề nhàn hạ, bài giảng soạn giảng một lần là có thể khai thác lâu bền, HS phải thuộc ngay và thuộc làu những gì đã học... cũng cần được điều chỉnh. Đến với HS, cần lắm sự thông hiểu, thấu cảm, tương tác và tôn trọng... trong hành trình tổ chức cho các em, phát triển các em, mà đỉnh cao là các em tự GD.

- Xin cám ơn ông!

Nghiên cứu về vấn đề hạnh phúc của người học sẽ được chúng tôi tiếp tục quan tâm và có những lát cắt mới hay tiến hành các nghiên cứu so sánh. Điều này sẽ được gắn chặt với các nghiên cứu được Bộ GD&ĐT đặt hàng hay giao trách nhiệm mới đây: Phát triển hoạt động tham vấn học đường; Chăm sóc tinh thần cho HS... mà chúng tôi đã và đang tiến hành. Hơn nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu hướng ứng dụng để đề xuất các biện pháp điều chỉnh về đội ngũ nhà giáo thông qua các chương trình bồi dưỡng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ