Hiệu quả từ bài học tích hợp liên môn

GD&TĐ - Tích hợp liên môn không chỉ góp phần đa dạng hóa hình thức học tập mà còn giúp cho việc tiếp thu kiến thức đạt hiệu quả theo cấp số cộng. Đó là thành công của chuyên đề dạy học theo dự án mang tên Bảo tồn thiên nhiên và Công viên quốc gia do Trường THPT Nguyễn Trung Trực, Q. Gò Vấp, TPHCM thực hiện.

Cô Nguyễn Thị Mai Thảo đang chỉnh sửa các sản phẩm của từng nhóm
Cô Nguyễn Thị Mai Thảo đang chỉnh sửa các sản phẩm của từng nhóm

Dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Chí Công và cô Nguyễn Thị Mai Thảo, công trình Bảo tồn thiên nhiên và Công viên quốc gia là một bài học khó thể quên vì thật sự bổ ích đối với tập thể lớp 10A10 khi học Tiếng Anh và Sinh học.

Những sản phẩm kép

Không giống như một buổi học bình thường, tiết học về dự án Bảo tồn thiên nhiên và Công viên quốc gia là một trải nghiệm vô cùng lý thú đối với mỗi thành viên của từng nhóm sau thời gian dài bắt tay vào thực hiện.

Thay cho 4 dãy bàn học của 4 nhóm là những gian hàng trưng bày sản phẩm của mỗi nhóm để thi thố tài năng trước “bá quan thiên hạ”. Có thể nói trọng trách lớn nhất thuộc về nhóm 1 khi nhận mảng đề tài Lịch sử Thảo Cầm Viên.

Nếu như cách học trước chỉ cần HS gõ lên Google thì tất cả mọi dữ liệu từ A tới Z hiển thị thì ở đây các em được hiện thực hóa bằng một mô hình Thảo Cầm Viên trong một chiếc sa bàn nhỏ. Với bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, nhóm HS đã có được cách ghi nhớ kiến thức thông qua sản phẩm cụ thể mà không có bút mực nào ghi lại đủ.

Ấn tượng thêm đối với mọi người là những đoạn video clip giới thiệu cảnh sắc thiên nhiên của vườn bách thảo phương Nam được các em ghi lại bằng điện thoại và ipad trong quá trình học ngoài trời. Rõ ràng mới nhìn qua sản phẩm này cũng đã hiểu, cách học tầm chương trích cú, cưỡi ngựa xem hoa trước đây đã không còn chỗ đứng trong dự án.

Màu sắc tích hợp liên môn bắt đầu được thể hiện rõ ở chồng Tập san song ngữ Anh – Việt về thực địa Thảo Cầm viên do các “thông ngôn viên” trong nhóm thiết kế. Một mũi tên bắn trúng hai đích, kiến thức sinh học đã được lồng ghép một cách khéo léo vào bài học Ngoại ngữ sinh động và tự nhiên.

Đi theo lộ trình này, 3 nhóm còn lại cũng tự phát huy được năng khiếu dù nhỏ nhất hay còn đang tiềm ẩn ở mỗi cá nhân để tạo ra từng sản phẩm ưng ý cho bài học. Nếu nhóm 2 đi sâu vào nghiên cứu loài động vật có vú thì nhóm 3 lại “chăm sóc” động vật có lông vũ thông qua các loài chim trong Sở thú.

Đặc sắc của các đoạn clip do các em tạo nên chính là dòng phụ đề tiếng Anh được chạy dưới các hình ảnh như trong các bộ phim kênh K+. Yêu cây cỏ thiên nhiên, nhóm 4 được ưu tiên đi tìm gia phả của gia đình thực vật hạt kín để vẽ nên một bức tranh hoành tráng về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen treo trang trọng trước gian hàng.

Mở rộng tầm hiểu biết

Theo chia sẻ của “giám đốc” dự án Nguyễn Chí Công, để có được 4 nhóm sản phẩm, cả lớp 10A10 đã phải làm việc trong 6 tuần lễ với tinh thần say mê, sáng tạo đổ không ít mồ hôi. “Sau khi chia nhóm, GV phụ trách hướng dẫn các em công tác chuẩn bị thông qua việc trao đổi ý tưởng với HS. Sản phẩm được thực hiện sau tuần đi thực tế tại Thảo Cầm Viên để tìm kiếm nguồn tài liệu phục vụ”, thầy Công phấn khởi cho hay.

Qua các bước thực hiện này mà tinh thần làm việc nhóm và đặc biệt là sự sáng tạo trong học tập đã được phát huy. Sản phẩm hoàn thành không chỉ đem lại bài học lớn cho người học mà đối với người dạy cũng rút tỉa ra được những kinh nghiệm truyền đạt kiến thức. Khó khăn khi thực hiện dự án và lỗi sai của HS khi tạo sản phẩm trí tuệ cũng được “lòi” ra để có cách khắc phục kịp thời.

Chưa bao giờ HS được vận dụng kiến thức và kỹ năng trên lớp được nhuần nhuyễn như thế. Đối với bộ môn Tiếng Anh, đó là kỹ năng viết khi tạo ra sản phẩm, kỹ năng đọc hiểu và nghe khi tra cứu tài liệu, kỹ năng nói khi thuyết trình.

Nhìn từ góc độ người học ngoại ngữ, dự án còn là cơ hội để tìm hiểu các loại từ vựng liên quan đến chủ đề bảo tồn trong Unit 10 và 11 SGK lớp 10. Cách tra cứu tài liệu, cách đọc và dịch tiếng Anh, cách ứng dụng CNTT qua tiết học cũng thành thạo và sắc bén hơn. Góc nhìn Thảo Cầm Viên của các em nhờ dự án đã mở rộng khi hiểu rõ hơn nguồn cội của một công trình có tuổi đời trên 100 năm cần được nâng niu bảo vệ.

Khái niệm bảo tồn không chỉ nằm trên giấy mà đã đi vào máu thịt người học để các em biết gìn giữ nền văn hóa, không gian sống, môi trường thiên nhiên có lợi cho con người. Lòng yêu thiên nhiên, quý trọng động vật được mở rộng về biên độ để từ đó có cơ sở tẩy chay, lên án những hành động phá hoại thiên nhiên môi trường sống.

Mang công cụ tiếng Anh vào nội dung, bài học về Sinh vật đứng ở tầm cao mới để tiếp cận với giáo dục hội nhập đồng thời những kiến thức về thiên nhiên nước Việt đã giúp cho những Unit English dồi dào hơn về kỹ năng học ngoại ngữ.

Đó là thành quả của tích hợp liên môn mà thầy cô giáo tổ Anh văn và Sinh vật Trường THPT Nguyễn Trung Trực đã thực hiện, có hướng đi đúng đắn về đổi mới phương pháp dạy học trong xu thế hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ