(GD&TĐ) - Ngoài thi đua dạy tốt, học tốt, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực (Phù Mỹ - Bình Định) còn đề ra nhiều biện pháp quản lý, giáo dục nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm pháp luật. Từ năm 2007 đến nay, mô hình Tổ quản lý - giáo dục học sinh được Ban giám hiệu nhà trường triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Hàng năm, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực đón nhận hơn 1.500 học sinh không trúng tuyển vào các trường Trung học phổ thông công lập trên địa bàn huyện. Chất lượng đầu vào thấp, dẫn đến tình trạng một số Trung học phổ thông bị hụt hẫng kiến thức, chán học, trốn học đi chơi.
Tiểu phẩm của HS Trường THPT Nguyễn Trung Trực tham gia trong Hội thi “Thanh niên với văn hóa giao thông và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy” do Huyện đoàn Phù Mỹ tổ chức |
Chính vì vậy, vào đầu mỗi năm học, Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực đều đề ra nhiều biện pháp để quản lý, giáo dục học sinh nhằm ngăn chặn ngay từ đầu tình trạng học sinh bỏ học, vi phạm pháp luật. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực, cho biết: “Ngoài tổ bảo vệ làm công tác đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực trường học, trường còn xây dựng Tổ quản lý - giáo dục quản lý giáo dục học sinh với sự tham gia của các giáo viên, cán bộ nhà trường. Tổ thường xuyên phối hợp với Đoàn thanh niên, Ban đại diện cha mẹ học sinh và chính quyền địa phương trao đổi thông tin, nắm tình hình trong học sinh để kịp thời đưa ra biện pháp quản lý – giáo dục phù hợp”.
Thông qua cuộc họp phụ huynh đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp ghi số điện thoại, địa chỉ của từng phụ huynh để kịp thời thông báo khi học sinh bỏ học, sa sút về học tập, vi phạm nội quy nhà trường... Theo quy định của trường, học sinh nào muốn nghỉ phép, phụ huynh phải viết giấy xin phép hoặc trực tiếp đến trường xin phép giáo viên chủ nhiệm. Đối với những học sinh cúp tiết, nghỉ học không có lý do, giáo viên chủ nhiệm sẽ gửi thông báo hoặc trực tiếp đến gia đình để tìm hiểu lý do nghỉ học ngay trong ngày.
Để nâng cao kiến thức về văn hóa và pháp luật cho học sinh, nhà trường và Tổ quản lý – giáo dục học sinh thường xuyên phối hợp với ngành chức năng của huyện tổ chức các cuộc thi như “Đường lên đỉnh Olympia”, “Rung chuông vàng”, “Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Tìm hiểu Luật giao thông đường bộ”... Các cuộc thi bổ ích này đã giúp học sinh nâng cao kiến thức, nhận thức về pháp luật, tránh xa các tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật.
Chị Trần Thị Hương (xã Mỹ Hòa, Phù Mỹ), có con đang học tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực, nhận xét: “Dù học lực của học sinh ở đây không thể so sánh với các trường công lập khác trong huyện nhưng nhà trường có phương pháp quản lý học sinh chặt chẽ nên tôi rất an tâm. Việc nhà trường thường xuyên liên hệ và nhanh chóng thông báo cho phụ huynh học sinh biết tình hình học tập của con em mình là hết sức cần thiết”.
Phó Hiệu trưởng Nhà trường Nguyễn Văn Hòa đánh giá: “Mô hình Tổ quản lý – giáo dục học sinh đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm đáng kể tình trạng học sinh bỏ học, vi phạm nội quy nhà trường, vi phạm pháp luật; đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường giáo dục lành mạnh trong nhà trường. Trong 5 năm trở lại đây, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của trường đều tăng hơn so với những năm trước. Đặc biệt, đã có nhiều học sinh thi đậu vào các trường đại học công lập với số điểm khá cao”.
Qua mô hình này, sự gắn kết, mối liên lạc giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương chặt chẽ hơn, từ đó kịp thời đưa ra biện pháp giải quyết phù hợp khi học sinh có biểu hiện sa sút trong học tập cũng như những hành vi vi phạm khác. Nếu được nhân rộng, mô hình này sẽ hỗ trợ đắc lực, giúp nâng cao chất lượng quản lý dạy và học ở các trường phổ thông.
Nguyễn Văn Tố