Hiệu quả thiết thực

Hiệu quả thiết thực

(GD&TĐ) - Người Việt Nam chúng ta có quan niệm tốt về sự học, chuộng học. Tuy nhiên, sự chuộng học ấy ở một số nơi, một số người lại thái quá, biến thái thành bệnh hình thức, chứ sự chuộng học chưa hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi người. Và cái đích của việc học là phục vụ cho công cuộc mưu sinh, sự phát triển năng lực bản thân thì chúng ta lại tỏ ra khá thờ ơ.

Học vu vơ, thiếu định hướng thực tế

Học vi tính ở Trung tâm GDTX Vũ Thư (Thái Bình)
Học vi tính ở Trung tâm GDTX Vũ Thư (Thái Bình)

Qua tiếp xúc với một số lãnh đạo doanh nghiệp may như May 10, May Hưng Yên, May Đức Giang, Thiệu Đô, Phú Bài... chúng tôi được biết có rất nhiều công nhân may có bằng đại học, nhưng thuộc ngành khác. Thậm chí có công nhân may nắm trong tay hai bằng đại học trái ngành, bằng loại giỏi hẳn hoi. Trong khi thực tế, để có thể đứng trong chuyền may, người công nhân này chỉ cần bỏ ra 3 tháng học nghề, mà không phải mất chi phí học nghề. 

Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, ta có thể thấy được sự lãng phí. Để có một bằng Đại học, một người phải bỏ ra 4 năm học hành, với chi phí tối thiểu chừng 160 triệu đồng. Để có thêm bằng Tiến sỹ, người đó bỏ ra ít nhất 4 năm nữa, với chi phí cao hơn mức kể trên. Chưa kể tới việc học ở các trường có liên kết đào tạo với nước ngoài, thì chi phí cho việc học tăng lên gấp 3 lần.

Sau đó, không tìm được việc làm đúng với chuyên môn được đào tạo, người đó chọn việc làm công nhân may. Như vậy, tính về hiệu quả kinh tế, so với một người ngay từ đầu chỉ xác định mình sẽ là công nhân may, học xong cấp THPT, thậm chí chỉ là cấp THCS, đi học nghề mất vỏn vẹn 3 tháng, thậm chí ít hơn, không mất chi phí đào tạo (do các DN may hiện nay đang rất cần nhân lực nên có chế độ hỗ trợ đào tạo nghề cho công nhân mới), thì người có bằng đại học, rồi đi làm công nhân may, đã đầu tư vô cùng lãng phí.

Nhưng có một thực trạng đáng buồn ở ta hiện nay, đó là việc con cái đi học chỉ để làm yên lòng và vui lòng cha mẹ, mà không nghĩ tới nhu cầu học của chính mình, học cái gì, để phục vụ làm việc gì sau này. Họ cắp sách tới trường vô tư, ngô nghê như một cái máy học. Chính vì thế, đa phần cái sự học ấy rất vu vơ. Đây là một lỗi vô cùng lớn, đã và đang góp phần gây rối loạn trong việc đào tạo và chọn nghề hiện nay.

Người thầy có tâm sẽ buồn biết bao nhiêu khi những kiến thức mình tâm huyết truyền đạt cho học trò lại bị xếp xó sau khi các em ra trường, chọn nghề khác. Hơn ai hết, các bậc cha mẹ, và bản thân người đi học, cần nhìn nhận rõ vấn đề trước khi lao đầu vào học một ngành nào đó, để biết trách nhiệm với xã hội, gia đình, bản thân mình mà chọn nghề học cho đúng, tránh lãng phí tiền của cha mẹ, lãng phí thời gian của cuộc đời mình, lãng phí kiến thức được người thầy truyền đạt.

Học nghề – Hiệu quả nhanh và thiết thực

Học nghề là một lựa chọn thiết thực với nhiều bạn trẻ
Học nghề là một lựa chọn thiết thực với nhiều bạn trẻ

Trong một chuyến công tác tới tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi gặp một công nhân trẻ măng tại chuyền may của Công ty CP May Đáp Cầu. Đó là nam công nhân 19 tuổi Nguyễn Văn Sơn. Điều thu hút chúng tôi ở anh chàng trẻ tuổi này là gương mặt vô cùng tươi tắn của em trong lúc làm việc. Dáng người còn mảnh mai, gương mặt còn quá trẻ, lại là con trai mà cặm cụi bên máy khâu, và nụ cười dường như không thể tắt ngay cả khi em làm việc nhịp nhàng, chúng tôi đã trò chuyện thân mật với Sơn.

Em cho biết em mới 19 tuổi, chỉ học xong THCS, sau đó ở nhà đỡ đần việc gia đình. Tuy nhiên, vì muốn có một công việc ổn định nên em chọn nghề may, xin vào Công ty CP May Đáp Cầu, chỉ học trong vòng 1 ngày em đã biết cách may công đoạn chắp mũ vào áo. Công ty giao khoán chắp 120 mũ/ngày, nhưng ngay tháng thứ 2 làm việc, Sơn đã vượt mức kế hoạch, chắp được 140 mũ/ngày.

Sơn rất phấn khởi vì ngay những tháng đầu tiên vào công ty làm việc, em đã được trả lương, không phải nộp chi phí học việc, không những thế, còn được thưởng tăng năng suất, bồi dưỡng làm thêm giờ, hỗ trợ tiền ăn giữa ca... Sơn cho biết mình đã nhanh chóng trở nên yêu nghề may, nguyện sẽ gắn bó với nghề, và em còn gọi thêm bạn bè của mình xin tuyển vào làm ở cùng công ty.

Hiện nay, thu nhập của một công nhân may từ 4 triệu đồng - 6 triệu đồng/tháng, tương đương với thu nhập của viên chức có bằng đại học, tiến sỹ.  Như vậy, khoan bàn đến khối kiến thức bị xếp xó và những hiểu biết vu vơ của người có bằng đại học ngành khác mà lại đi làm công nhân may, chỉ xét về hiệu quả kinh tế  trong việc đầu tư cho việc học, thì người chọn nghề may ngay từ đầu sẽ tiết kiệm được cả thời gian và tiền bạc. Nhất là thời gian, 4 năm thời gian mất đi của cuộc đời chắc chắn không bao giờ lấy lại được.

Chi bằng, khi chưa xác định đúng và trúng mục tiêu nghề nghiệp cho mình, bạn nên chọn học nghề, chẳng hạn làm một công nhân may, sẽ là lựa chọn nghề thiết thực cho mình ít nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta đang đứng trong “top 5” thế giới về sản xuất hàng dệt may, và DN may lại đang rất cần lực lượng lao động mới. “Có thực mới vực được đạo”, trong quá trình làm công nhân may, bạn vẫn hoàn toàn có thể trở thành một người thành đạt, nếu bạn có thực tài, và yêu nghề, gắn bó với nghề. Tôi từng biết có những công nhân may, dệt trở thành Anh hùng lao động, là đại biểu Quốc hội, giữ nhiều trọng trách và đóng góp được rất nhiều cho xã hội.n

Ai cũng nói: Học để lấy kiến thức, nhưng kiến thức có được sau đó để làm gì thì không phải ai cũng thấu được, có được câu trả lời và tận dụng thực sự được câu trả lời.

Bích Kiều

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ