Hiệu quả ngoài mong đợi

Hiệu quả ngoài mong đợi

Dự án đã hoàn thành sứ mệnh của mình là giúp cho 142 nghìn hộ dân, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao ở 26 huyện của 6 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Nam và Quảng Ngãi có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn để thoát nghèo nhưng điều đáng quý hơn là ở sự lan tỏa của dự án này.

Đó là những mô hình sản xuất theo phương pháp mới đã được triển khai; là cách nghĩ, cách làm mới từ những mô hình ấy đã kích hoạt nhiều gia đình thoát khỏi cơn ngái ngủ trong đói nghèo triền miên. Câu chuyện về các loại rau rừng, rồi heo tộc, gà “đi bộ”… ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đã mang lại hiệu quả ngoài sự mong đợi là thí dụ điển hình về sự lan tỏa này.

Nhiều thế hệ lãnh đạo ở tỉnh Quảng Ngãi luôn đau đáu trước câu hỏi: “Làm cách nào để đồng bào vùng cao thoát nghèo bền vững nhất?”. Nhưng câu trả lời thì luôn ở thì tương lai và cũng chỉ loanh quanh với “cây gì, con gì”, rất máy móc và nhàm chán.

Dự án xóa nghèo Tây Nguyên được triển khai tại huyện Sơn Hà trong sự hoài nghi của không ít người, kể cả lãnh đạo lẫn người dân Hrê. Vì họ quá ngán với các mô hình cây - con mà mô hình nào cũng mang lại nỗi thất vọng dù tốn rất nhiều tiền. Nhưng lần này đã khác, những người thực hiện dự án đã biết tránh các lối mòn mà nhiều thế hệ lãnh đạo trước đây đã từng đi và thất bại.

Lần này là “cầm tay chỉ việc”, những chủ nhân của dự án trở thành hình mẫu, thực nghiệm trước để dân làm theo. May mắn cho Sơn Hà là có ông Phó Chủ tịch huyện Phùng Tô Long vừa là lãnh đạo huyện lại vừa làm nông dân kiêm luôn tiếp thị và… shipper! Rau dớn mọc hoang ngoài suối, ớt hiểm (ớt chỉ thiên) mọc khắp bụi bờ, bắp chuối từng bỏ già ngoài rẫy, rồi những con heo, con gà “đi bộ”… tất tật đều trở thành đối tượng để khai thác.

Để triển khai dự án vào cuộc sống, có lẽ khâu đầu tiên là triển khai… lòng tin trong dân. Một trong những việc để “triển khai lòng tin” ấy là tìm đầu ra một cách tốt nhất cho sản phẩm. Việc này không đơn giản nên không thể giao cho ai khác ngoài giao cho… chính mình. Ông Long đi khắp nơi, cụ thể là dò la ở khắp các siêu thị để nắm “tâm tư” của cả người bán lẫn người mua hàng.

Những bước chân đầy thăm dò ấy đã mang lại kết quả. Gần 200 nhóm hộ, hợp tác xã làm đầu mối để tiếp nhận mua sản phẩm từ núi rừng của bà con người Hrê. Hai năm qua, các sản phẩm của đồng bào Hrê từ huyện vùng cao Sơn Hà đã chễm chệ có mặt trên các kệ bán hàng rau tươi và thịt sạch ở hầu hết các siêu thị lớn của miền Trung. “Cứ mua giá cao lên, ắt sẽ có người nuôi, trồng và chăm sóc các loại cây - con rồi đem bán cho mình”. Đó là cái cách mà chủ dự án nhắm tới và họ đã thành công.

Bốn tấn hàng mỗi tháng được bán cho các siêu thị đã nói lên tất cả sự thành công của dự án. Nhưng có lẽ thành công hơn cả là người dân vùng cao đã nhìn thấy lối ra cho cuộc sống đói nghèo của mình sau rất nhiều năm mày mò tìm kiếm mà không được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ