Hiểu hơn về chùa Việt

Hiểu hơn về chùa Việt

Đây là tinh thần xuyên suốt cuốn sách “Văn hóa - nghệ thuật chùa Việt: Vài nét cơ bản” của PGS.TS Trần Lâm Biền, người đã có hơn 60 năm nghiên cứu về văn hóa và Phật giáo Việt Nam.

Mái chùa che chở hồn dân tộc...

Phật giáo xuất hiện ở Việt Nam đã hơn 2.000 năm và rất được nhân dân tôn trọng. Trong tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt, trước Phật giáo thì chỉ có đạo Mẫu là có lịch sử sớm hơn, bắt nguồn từ thời nguyên thủy, nhưng lại không được coi là một tôn giáo mà chỉ là tín ngưỡng. 

Vào Việt Nam từ phía Nam, theo đường biển, trải qua bao biến thiên của lịch sử, thăng trầm của dân tộc, Phật giáo vừa tự bảo vệ những giá trị gốc, cơ bản, đồng thời biến đổi, tiếp nhận thêm các giá trị văn hóa bản địa để làm nên “vóc dáng” riêng. Phật giáo Việt Nam có những điểm chung với Phật giáo Ấn Độ, Tây Tạng hay Trung Hoa… nhưng lại mang một màu sắc khác, riêng có.

“Tiếc thay gần đây có một số ngôi chùa đã bỏ qua lời dạy “hảo tự ố tăng” - chùa to đẹp, tăng hoen ố - mà vượt ra ngoài dòng chảy truyền thống, đã làm méo mó bộ mặt văn hóa của tổ tiên. Khiến nhiều ngôi chùa mới tu sửa đã có phần xa lạ, đôi khi với một kiến trúc “Tây chẳng phải Tây, Tàu chẳng phải Tàu, nhưng rõ ràng không phải Việt” đã làm ảnh hưởng tới cả “hình” và “thể” thuộc bản sắc văn hóa dân tộc”. PGS.TS Trần Lâm Biền

Không chỉ là “vài nét cơ bản” về chùa Việt, cuốn “Văn hóa - nghệ thuật chùa Việt: Vài nét cơ bản” thực sự có những nghiên cứu rất cụ thể. Như khi viết về tượng thờ và cách bài trí, ý nghĩa tượng Phật, tác giả viết rất chi tiết. 

Trong không gian thờ tự, khi làm tượng phật, tượng thần, tượng thánh thường làm bằng gỗ mít. Tại sao lại là gỗ mít? Vì tên tiếng Ấn của gỗ mít là Paramita - tên Hán Việt là Ba la mật, hiểu nghĩa là “đến bờ giác ngộ”. Nhất định phải có trí tuệ (tuệ nhãn) thì mới đến được bờ giác ngộ. Cho nên người Việt mới làm tượng thờ chủ yếu bằng gỗ mít như một cách để khẳng định không gian của thần phật là không gian của tuệ nhãn. 

Chỉ có tuệ nhãn mới diệt được u tối. Mà u tối vốn là nguồn gốc của tội ác. Với người Việt xưa, đến với các di sản chùa, đền là đến với lòng thiện trên nền tảng trí tuệ.

Hay khi viết về kiến trúc Tam quan (cửa chùa), kiến trúc mang đầy tính triết học về nhân sinh quan và vũ trụ quan của đạo Phật. Bởi trong tam quan, có một cửa gọi là “không quan”, mang ý nghĩa tĩnh, nói về bản chất chân như của đạo. 

Một cửa gọi là “giả quan” mang nghĩa động, nói đến cái vật chất với những biến động vô thường của nó trong đời sống. Ở giữa là “trung quan”, là cái cửa của trí tuệ - cái cửa giúp con người thoát khỏi những vòng luẩn quẩn để đi tới bến bờ giác ngộ. 

Đến chùa, đi qua tam quan, hiểu rõ những triết lý sâu xa trong kiến trúc chính là đã tiếp cận với những triết lý cơ bản của đạo Phật. Qua tam quan đến gác chuông, một tín hiệu để thức tỉnh trong người ta cái tâm phật. Rồi sau đó đi vào tiền đường - ngôi chùa chính, là nơi phát triển nhận thức về đạo.

Cuối cùng, ở sau chùa mới là tòa tháp cửu phẩm liên hoa, biểu trưng cho giải thoát. Tòa tháp này bao giờ cũng phải đứng ở đằng sau. Đi từ ngoài vào đến trong cùng của một ngôi chùa nó có một ý nghĩa là: Tiếp cận giáo lý cơ bản của đạo rồi, được giáo hóa kỹ càng rồi và đến khi giác ngộ rồi thì mới đi vào cõi Niết Bàn… 

Đến đây, chợt nhớ đến những câu thơ trong bài thơ “Nhớ chùa” của Hòa thượng Thích Mãn Giác, pháp danh Nguyên Cao, đạo hiệu Huyền Không: “…Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng/ Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung/ Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Hiểu hơn về chùa Việt ảnh 1
Một góc chùa Tây Phương (Hà Nội).

Méo mó “bức tranh” Phật giáo Việt

Thực tế trong xã hội Việt Nam ngày nay, Phật giáo dù vẫn trong dòng chảy lịch sử, tiếp tục vận động, biến đổi và là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa - tâm linh của người Việt. 

Điều đáng tiếc là trong những thay đổi ấy đang có những sự lợi dụng tôn giáo, làm Phật giáo ngày càng rời xa những triết lý cơ bản của tôn giáo và văn hóa dân tộc. Điều này dẫn đến cách ứng xử với đạo Phật của một bộ phận người dân không đi vào bản chất tốt đẹp sâu xa của đạo, vì không hiểu đến nơi đến chốn đạo Phật nên đã nhập vào chùa nhiều thứ không phải Phật. Nhiều khi những thứ đó còn gắn với mê tín dị đoan.

Hiểu hơn về chùa Việt ảnh 2
Bìa sách “Văn hóa - Nghệ thuật chùa Việt: Vài nét cơ bản”.

Người ta đang sống phần nào vội vã, tùy tiện xây dựng lại nhiều ngôi chùa không theo truyền thống. Đạo Phật dạy con người đi tìm sự đơn sơ nhưng thuộc về bản chất tốt đẹp nhất. 

Hiểu rõ giá trị của những ngôi chùa điển hình của người Việt, so sánh với những ngôi chùa mới hoành tráng, đồ sộ mới thấy những thái quá của một bộ phận lợi dụng tôn giáo, đang làm “bức tranh” Phật giáo Việt Nam có những lệch lạc, khiến người dân lạc lối khi nhìn vào tôn giáo.

Theo tác giả Trần Lâm Biền, giá trị của ngôi chùa cổ thực sự không chỉ nằm ở vật chất mà ở chỗ khác, đó là những di sản văn hóa cho chúng ta thấy tộc người chủ thể đi đến đâu để dấu tích lại tới đó. 

Chính những di sản văn hóa của tổ tiên để lại cho biết bước phát triển của cộng đồng dân tộc đi dần tới thống nhất như ngày nay một cách cực kỳ rõ ràng.  Thế mà nay cứ phá cái cũ đi để xây những cái mới lên thì còn gì để chúng ta chứng minh những điều ấy. Dù nó tàn phai thì vẫn để đấy vì nó vẫn đang nói với chúng ta những thì thầm của tổ tiên.

“Nhiều ngôi chùa mới có những thứ lố bịch. Những ngôi chùa được xây to lớn nhiều khi nó có tính áp chế, khiến con người khi bước vào ngôi chùa thì tâm hồn bị “ngợp” bởi sự hoành tráng, hình thức làm người ta nhẹ cái tâm đi, tâm hồn của mình bị teo đi, bé nhỏ trước áp lực tinh thần nào đó. 

Người ta không thấy được bản chất hòa vào thiên nhiên, hòa vào vũ trụ, hòa với thế gian của bản thân họ nữa mà chỉ còn tính quy phục mà thôi. Tính chất ấy không đúng với tinh thần của người Việt, của Phật giáo Việt Nam. Xu hướng xây dựng những ngôi chùa to lớn là khó có thể chấp nhận được trên dòng chảy truyền thống”, PGS.TS Trần Lâm Biền bày tỏ quan điểm.

Sách “Văn hóa - Nghệ thuật chùa Việt: Vài nét cơ bản” có 3 chương. Chương 1: Diễn biến của ngôi chùa Việt, phân tích diễn tiến trong lịch sử của thiết chế văn hóa này; Chương 2: Kiến trúc chùa Việt, phân tích về thời gian tồn tại và kiến trúc ngôi chùa qua các thời, một số ngôi chùa đại diện qua các thời như chùa Một Cột, chùa Phật Tích, chùa Phổ Minh… 

Chương 3: Tượng thờ trong chùa, phân tích cách bài trí và ý nghĩa tượng Phật giáo, phong cách tượng Phật giáo qua các thời kỳ. Phần phụ lục của sách có nhiều tư liệu quý, giới thiệu vài nét sinh hoạt trong ngôi chùa, một số pháp khí thường dùng trong các ngôi chùa hiện nay. Chùa tiền Phật hậu thánh - một dạng thức chùa đền thờ độc đáo của người Việt… Sách dày 372 trang, do NXB ĐH Quốc gia ấn hành. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.