Hiệp hội súng trường Mỹ - tổ chức quyền lực ngáng đường Obama

Với tiềm lực tài chính mạnh và ảnh hưởng rộng, Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ là đối thủ của Tổng thống Obama trong nỗ lực hạn chế sở hữu và sử dụng súng.

Hiệp hội súng trường Mỹ - tổ chức quyền lực ngáng đường Obama
hiep-hoi-sung-truong-my-to-chuc-quyen-luc-ngang-duong-obama

Người dân Mỹ tham quan một gian hàng trong cuộc triển lãm vũ khí thường niên của NRA vào tháng 4/2015. Ảnh: AFP

Việc ban hành các quy định thắt chặt quản lý hoạt động mua bán súng đạn của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama mà không cần phê chuẩn từ quốc hội đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA).

Ngay sau động thái của Tổng thống Obama, một thành viên của NRA là cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton đã phát biểu: "Tôi cho rằng mối đe dọa lớn nhất với an ninh quốc gia đang hiện hữu tại phòng Bầu dục".

Với tiềm lực tài chính mạnh, tầm ảnh hưởng rộng, NRA được đánh giá là tổ chức ủng hộ vũ khí quyền lực nhất nước Mỹ, chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho nỗ lực hạn chế sở hữu và sử dụng vũ khí mà ông Obama đang theo đuổi trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, theo La Croix.

NRA là tổ chức tự phát ôn hòa do những thợ săn và người thích súng ở Mỹ lập ra năm 1871. Thời điểm đó, khi việc người dân có thể sở hữu súng chưa gây ra nhiều rắc rối thì hoạt động của NRA chủ yếu là mở các khóa huấn luyện kỹ thuật bắn súng và săn bắn.

Từ thập niên 1960, khi nhiều người Mỹ lên tiếng yêu cầu kiểm soát súng, NRA từ một câu lạc bộ những người yêu súng đã trở thành một đoàn thể chính trị phản đối việc cấm súng và hoạt động rất hiệu quả ở cả cấp độ bang và liên bang.

Hiện nay NRA có hơn 5 triệu hội viên và là đoàn thể chính trị có thế lực nhất nước Mỹ. Theo các số liệu của La Croix, trong lần bầu cử quốc hội gần đây vào năm 2014, 4/5 ứng viên do NRA ủng hộ đều trúng cử. Vì thế NRA không ngại công kích bất cứ một nhân vật quyền lực nào, và các chính khách cũng không muốn đương đầu với tổ chức này.

Năm 2011, khi từ chối thảo luận với Tổng thống Obama về vấn đề kiểm soát súng, Phó chủ tịch NRA Wayne LaPierre đã phát biểu: "Vì lý do gì mà NRA lại có thể ngồi cùng với nhóm người dành cả đời để tìm cách phá hoại Tu chính án số II của Hiến pháp Mỹ?"

Tu án chính án số II ra đời gắn liền với quá trình đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ, được coi là vũ khí pháp lý lợi hại nhất của NRA trong việc đấu tranh chống lại các đạo luật cấm súng. Tu chính án này có hai vế: vế đầu cho rằng dân quân được tổ chức tốt là cần thiết cho an ninh của một bang tự do; vế sau khẳng định quyền giữ và mang vũ khí của mọi công dân không thể bị xâm phạm.

Bên cạnh cơ sở pháp lý vững chắc, sức mạnh của NRA còn nằm ở tiềm lực tài chính hùng hậu. Tính riêng trong năm 2013, quỹ hoạt động của NRA lên đến 350 triệu USD. Con số này đến từ đóng góp của các thành viên và các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu vũ khí.

Theo thông tin từ trang web của NRA, có tới 8 tổng thống Mỹ từng là hội viên của tổ chức này bao gồm: Ulysses S. Grant, Theodore Roosevelt, William Howard Taft, Dwight D. Eisenhower, Richard M. Nixon, Ronald Reagan và George H.W. Bush, trong đó cựu Tổng thống Bush "con" được coi là tổng thống thân thiện nhất với súng đạn.

Ảnh hưởng sâu rộng đến chính giới

Quyền lực và giàu có, NRA thường xuyên đóng góp hào phóng cho các chiến dịch vận động bầu cử quốc hội cũng như Tổng thống Mỹ. Đoàn thể này hoạt động dựa trên phương pháp cung cấp tài chính và tiến hành các chiến dịch quảng bá cho những ứng viên mà NRA ủng hộ

Theo Center for Responsive Politics, một cơ quan giám sát tài chính chính trị tại Washington, NRA đã chi tới 27 triệu USD cho các chiến dịch bầu cử quốc hội năm 2014.

Cũng như các nhóm lợi ích hoặc các tổ chức phi chính phủ khác, NRA tiến hành chấm điểm các chính khách theo thang điểm A-F, trên cơ sở xem xét mức độ ủng hộ của họ đối với việc sở hữu và sử dụng súng đạn, và luôn công khai bảng điểm cho các cử tri bầu cử.

Năm 2012, hai thượng nghị sĩ Ted Cruz và Rand Paul đã nhận được điểm A tuyệt đối, trong khi thượng nghị sĩ Marco Robio nhận được điểm B. Cả ba chính khách này vẫn đang trong cuộc đua trở thành gương mặt đại diện của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016.

Bên cạnh đó, hàng năm NRA vẫn chi hàng chục triệu USD cho các hoạt động vận động hành lang thúc đẩy quốc hội hoặc chính quyền các bang ban hành các văn bản và đạo luật có lợi cũng như hạn chế các đạo luật đe dọa đến quyền "công dân cơ bản" của người Mỹ.

Sau vụ xả súng tại trường học ở Newtown, tiểu bang Connecticut năm 2012, chính quyền của Tổng thống Obama đã đề xuất dự luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn. Đây là một gói đề xuất bao gồm các biện pháp mở rộng phạm vi kiểm tra hồ sơ lý lịch không chỉ với tất cả những người nộp đơn xin mua súng mà sang cả các cuộc triển lãm súng. Tuy nhiên, do sức ép của NRA, văn kiện này đã bị thượng viện phủ quyết.

Ngoài sự ủng hộ tuyệt đối của các thành viên đảng Cộng hòa, NRA cũng nhận được sự hỗ trợ từ các chính trị gia thuộc phe Dân chủ, đặc biệt tại các bang miền nam và miền tây, nơi văn hóa súng đạn phát triển rất mạnh mẽ. Trong đó đáng chú ý có dân biểu của bang Nevada, Harry Reid, lãnh đạo đảng Dân chủ tại thượng viện từ năm 2007.NRA mới đây đã chấm ông điểm B+.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.