Hiện thực hóa chủ trương “hướng đến người học” ngay trong ngày khai giảng

GD&TĐ - Thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, lễ khai giảng năm nay ở hầu hết các trường được tổ chức ngắn gọn, đảm bảo trang nghiêm và hướng đến HS, SV.

Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường diễn ra ý nghĩa và nhiều cảm xúc
Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường diễn ra ý nghĩa và nhiều cảm xúc

Giảm phần lễ, tăng phần hội

Các hoạt động trong phần lễ gồm: Chào cờ, hát Quốc ca; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường; tuyên bố khai giảng năm học mới và đánh trống khai trường.

Ở phần hội, các trường tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi vui tươi để ngày khai giảng thực sự mở đầu cho một năm học với những cảm xúc thiêng liêng và tràn đầy hứng khởi. Đặc biệt, hầu hết các trường đều chú trọng nội dung đón HS đầu cấp vào trường, nhất là với các em HS lớp 1 lần đầu tới lớp; điều này cũng tương tự như việc các trường đã rất chú trọng việc tổ chức tiễn các HS cuối cấp trong lễ tổng kết năm học hàng năm.

Được biết, để chuẩn bị cho năm học mới, từ nhiều tháng trong hè, các cơ sở GD trên cả nước đã khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác sửa chữa, nâng cấp, chỉnh trang khuôn viên trường, lớp; nhiều phòng học mới được xây dựng, nhiều trang thiết bị được đầu tư, mua sắm, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng GD.

Sau lễ khai giảng, rất nhiều trường đã triển khai tổ chức ngay các hoạt đầu năm. Trong hướng dẫn thực hiện năm học, Bộ GD&ĐT cũng đã lưu ý, việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp với lứa tuổi HS, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương; bảo đảm thiết thực, hiệu quả để tạo được niềm tin, động lực học tập cho HS. Các hoạt động cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự quản của HS, tránh việc tổ chức hình thức, gây quá tải cho HS.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở chỉ đạo các cơ sở GD tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HS đầu cấp nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập và rèn luyện mới. Tổ chức cho HS tìm hiểu về truyền thống của nhà trường. Phổ biến nội quy; bộ quy tắc ứng xử; quy chế kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh về học lực, hạnh kiểm và các quy định khác của nhà trường. Tổ chức cho HS trực tiếp tham gia lao động, vệ sinh trường, lớp học, công trình vệ sinh trong trường học.

Các nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm học đã được chỉ rõ để thầy và trò cùng nỗ lực thực hiện

Các nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm học đã được chỉ rõ để thầy và trò cùng nỗ lực thực hiện

Nghiêm túc, quyết liệt ngay từ đầu năm

Năm học 2017 - 2018, ngành GD tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp có hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD các cấp trong quá trình triển khai các nhiệm vụ của ngành.

Từ kết quả đạt được đáng khích lệ, năm học 2018 - 2019, ngành GD xác định tiếp tục ổn định những hoạt động đổi mới của ngành; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng GD, các điều kiện bảo đảm chất lượng GD; thực hiện nghiêm kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học, xây dựng môi trường GD an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Trong đó, GD mầm non tập trung phát triển trường, lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, kiên quyết chống hành vi bạo hành trẻ và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

GD phổ thông tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, đặc biệt là Kỳ thi THPT quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông.

GD ĐH tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khởi nghiệp cho SV; chuẩn hóa, tăng cường hội nhập quốc tế, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng tỷ lệ SV ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

GDTX tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, các trung tâm GDNN - GDTX sau sáp nhập; chấn chỉnh các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đào tạo từ xa hoạt động không đúng quy định; rà soát, tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Đề án xây dựng xã hội học tập.

Trước đó, trả lời phỏng vấn Báo GD&TĐ trên số báo ra ngày 5/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nêu rõ:

“Năm học mới ngành GD sẽ có rất nhiều nhiệm vụ, nhiều thách thức, tuy nhiên cũng có nhiều cơ hội và thuận lợi. Tôi mong muốn cũng như tin tưởng các thầy cô tiếp tục phát huy kết quả đạt được của năm học trước, bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ năm học mới. Trước khó khăn, thách thức của đổi mới các thầy cô hết sức bình tĩnh để cùng toàn ngành vượt qua. Tôi tin rằng, các thầy cô với sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm sẽ thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình.

Tôi cũng chúc và mong các em học sinh một năm học mới với nhiều nhiệm vụ học tập, với định hướng đổi mới và nhiều cơ hội phía trước sẽ chăm ngoan, học giỏi và có một năm học thành công.

Ngày khai giảng cũng là ngày hội của toàn dân và các bậc phụ huynh đưa con em tới trường, xin gửi lời chúc sức khỏe đến các bậc phụ huynh. Mong các bậc phụ huynh cùng đồng hành với ngành GD để chúng ta kết hợp giữa GD nhà trường - gia đình - xã hội, tạo ra được hệ sinh thái tốt cho phát triển GD”.

Trước ngày khai giảng năm nay, một số trường học trên cả nước bị thiệt hại nặng nề sau các đợt mưa lũ, ngập lụt. Việc khắc phục hậu quả thực sự còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã cố gắng để các em có ngày khai

giảng đúng lịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai nên buộc phải tổ chức khai giảng sớm, hoặc lùi ngày khai giảng lại để bảo đảm an toàn cho HS và thầy cô giáo, chẳng hạn ở một số huyện vùng cao tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Lai Châu…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ