Kinh tế càng phát triển thì người Trung Quốc càng có xu hướng để ý nhiều tới vấn đề ngoại hình. Tại đất nước tỷ dân, ngoại hình đẹp cũng được coi như một sự thành công và là tấm vé đảm bảo cho tương lai rộng mở hơn. Ngược lại, ngoại hình xấu xí cũng bị xem như sự thất bại. Dưới đây là những câu chuyện minh chứng cho hiện thực về ám ảnh ngoại hình tại Trung Quốc:
Sống dở chết dở vì giảm cân
Trong lịch sử của Trung Quốc, ngoại trừ giai đoạn nhà Đường (năm 618 -907), những giai đoạn khác đều yêu thích thân hình mảnh mai, yêu kiều. Sách xưa ghi lại nhiều phi tần, người hầu nữ của hoàng đế nhà Chu sẵn sàng nhịn ăn tới mức chết đói vì muốn có vóc dáng mảnh mai, lọt vào mắt xanh của "thiên tử".
Nàng Triệu Phi Yến nhà Hán từng uống thuốc duy trì vóc dáng “gió thổi cũng bay" mà bỏ mặc ngoài tai tác dụng phụ của thuốc là hủy hoại khả năng sinh sản. Tuy nhiên nếu những câu chuyện trong quá khứ chỉ là hãn hữu thì ngày nay, số ca "sống dở chết dở" để làm đẹp vóc dáng ngày càng nhiều tại Trung Quốc.
Chuyên gia của Viện nghiên cứu Sức khỏe tâm thần kết luận rằng ý thức ngoại hình ngày càng cao, quan điểm về vóc dáng hoàn hảo cũng như những hình ảnh cơ thể tuyệt đẹp trên quảng cáo là nguyên nhân khiến nhiều người cảm thấy tự ti với bản thân và lao đầu vào phương pháp giảm cân kéo dài, nguy hiểm. Ngoài ra việc chính phủ không kiểm soát quảng cáo của các loại thuốc giảm cân cũng làm nhiều người quá tin tưởng và tác dụng thần kỳ từ thuốc mà không thận trọng với hậu quả.
Quan điểm về vóc dáng hoàn hảo cũng như những hình ảnh cơ thể tuyệt đẹp trên quảng cáo là nguyên nhân khiến nhiều người cảm thấy tự ti với bản thân
Giảm cân bằng thuốc vẫn không phải phương pháp đáng lo ngại nhất. Trong vài năm gần đây còn có trào lưu... nuốt trứng giun đũa để giảm cân. Họ nghĩ rằng giun sẽ ăn hết chất dinh dưỡng, khiến cơ thể gầy gò. Khi đạt được cân nặng như ý, người dùng sẽ uống thuốc tẩy giun. Tuy nhiên các bác sĩ khẳng định đây là phương pháp điên rồ và có thể gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn tới tắc mật, hỏng bao tử, nghẽn ruột.., có thể đi tới tử vong.
Để nhịn ăn giảm cân rất dễ nhưng quá trình điều trị chứng bệnh này lại vô cùng khó khăn. Một bệnh nhân là thiếu nữ có tên Song Học phải chạy chữa mất gần 1 tỷ đồng trong nhiều tháng trời. Trước đó Song Học nhịn ăn vì nghĩ rằng phải có cơ thể mảnh mai mới là một cô gái xinh đẹp.
Chàng trai trẻ có tên Trương Thạch không may mắn như Song Học. Anh chàng qua đời sau một thời gian dài ăn kiêng kham khổ và được gia đình đưa tới bệnh viện khi đã quá muộn. Khi chết, Trương Thạch chỉ nặng 30 kg với chiều cao 1m7.
Nam giới Trung Quốc mê làm đẹp vì sợ ế
Trong ngày hội Độc thân vừa qua, các báo cáo ghi nhận doanh số tiêu thụ sản phẩm chăm sóc sắc đẹp nam giới được tiêu thụ mạnh, quảng cáo mỹ phẩm nam giới cũng tràn ngập thị trường.
Nam giới Trung Quốc mê làm đẹp vì sợ ế
Theo nghiên cứu của công ty thương mại IBIS World, doanh thu của các trung tâm thể hình tại Trung Quốc đã tăng từ 582 triệu đô la trong năm 2004 lên gần 3,7 đô la trong năm 2012, tới năm 2015 ước chừng đạt 6,8 tỷ đô la.
Phái mạnh Trung Quốc ngày càng ý thức cao hơn về mặt ngoại hình. Nguyên nhân là bởi vẻ ngoài đang là yếu tố quyết định sự cạnh tranh trên thị trường hôn nhân. Khi phụ nữ ngày càng có chỗ đứng trong xã hội Trung Quốc, họ độc lập về tài chính và không cần phải dựa dẫm vào đàn ông, đồng thời hiện trạng chênh lệch giới tính khiến nam giới nước này có nguy cơ ế cao.
Hàng vạn gương mặt biến dạng từ "lò" phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc
Báo cáo của Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc vào năm 2014, chỉ rõ, trong 10 năm trở lại đây, có tới 20 vạn gương mặt bị hỏng sau khi bước ra từ các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ trong nước.
Người Trung Quốc càng coi trọng ngoại hình thì các cơ sở thẩm mỹ trong nước cũng phát triển tỷ lệ thuận để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân. Trong số đó có rất nhiều trung tâm "chui" thuê mướn "lang băm" cộng thêm cơ sở vật chất không đảm bảo. Những nơi này dùng chiêu bài giá rẻ để câu khách và có không ít người đã sập bẫy.
Hàng vạn gương mặt biến dạng từ "lò" phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc
Hiện tại Bộ Y tế Trung Quốc đang tìm cách quản lý các cơ sở y tế và kiểm tra giấy phép hành nghề của các bác sĩ thẩm mỹ.
Một số bộ phận lo ngại thực trạng nhiều lượng ít chất của ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc, đã đổ xô sang Hàn Quốc để cải thiện ngoại hình. Họ chấp nhận cái giá cắt cổ bởi nhiều trung tâm xứ kim chi coi khách Trung Quốc là những mỏ vàng và tính giá cao hơn nhiều lần so với giá niêm yết cho người bản địa.
Khách hàng Trung Quốc biểu tình vì phẫu thuật hỏng tại Hàn Quốc
Như ở phần trên đã nêu, nhiều "khách sộp" người Trung Quốc bỏ ra số tiền lớn để tân trang nhan sắc. Tuy nhiên không phải ai cũng hài lòng với kết quả. Ngành du lịch thẩm mỹ phát triển tại Hàn có đối tượng khách hàng chủ yếu là phụ nữ xứ Trung. Để tiết kiệm chi phí tổ chức nhằm ăn hoa hồng cao, không ít công ty môi giới đã dẫn khách tới các cơ sở kém chất lượng.
Nhóm các cô gái Trung Quốc đã biểu tình tại quận Myeong-dong, Hàn Quốc
Vào tháng 10 năm 2015, nhóm các cô gái Trung Quốc đã biểu tình tại quận Myeong-dong, tay cầm áp phích tố cáo các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ làm hỏng cơ thể họ. Trong số đó có không ít người đã nhiều lần biểu tình nhưng chưa được giải quyết. Họ còn khẳng định một số trung tâm còn bắt nhốt và đối xử tàn tệ với khách.
Nhóm các cô gái Trung Quốc này yêu cầu những kẻ môi giới lừa đảo và các bệnh viện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.