Bắc với mong muốn được đăng ký hiến mô tạng khi chết não. Những người tình nguyện hiến tạng tuy chưa thật nhiều nhưng cũng cho thấy phần nào sự thay đổi nhận thức của cộng đồng về việc làm trên.
Hiến tạng: Già trẻ đều có thể tham
Cảm phục việc làm của người bạn đã đạp xe ròng rã 38 ngày từ Cà Mau đến Hà Nội để đăng ký hiến tạng, Trần Hữu Dương (Đồng Nai) cũng lên kế hoạch cho hành trình đi bộ từ quê nhà ra Hà Nội để góp một phần cơ thể của mình cho những người không may mắn.
2 tháng đi bộ từ Nam ra Bắc với 3 bộ quần áo, 1 đôi giày, võng và vài vật dụng cá nhân khác, Dương đã đi qua nhiều tỉnh, thành, chống chọi với cái nắng như thiêu của miền Trung đến những cơn mưa bất chợt ở miền Bắc.
Rồi cả những đêm phải mắc võng ngủ ở công viên, vườn hoa do không tìm được chỗ ngủ nhờ, vừa đi vừa làm thêm để có tiền lộ phí... Đây là những ký ức đẹp trong suốt hành trình mà theo Dương sẽ cùng em đi suốt cuộc đời.
Kết thúc hành trình tại Hà Nội, Dương vội tìm đến Trung tâm điều phối tạng quốc gia để thực hiện ý nguyện của mình. Tại đây, Dương đã ký vào tờ đơn hiến tạng sau khi chết não.
Trao tấm thẻ cho Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia, ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ: Dương là một trong số nhiều bạn trẻ thật đáng trọng. Thế hệ 9X nhưng không non về suy nghĩ, rất giàu tình thương và lòng nhân ái. Hy vọng, các bạn sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng lan truyền những điều tốt đẹp trong xã hội.
Trước đó, chàng trai Trần Nguyễn An Khương (Cà Mau) cũng đã đạp xe xuyên Việt để đăng ký hiến tạng. Ý nguyện hiến tạng của Khương bắt nguồn từ việc phải chứng kiến người bạn làm chung bị suy thận mà không tìm được nguồn hiến. Sau khi bạn mất, Khương luôn đau đáu trong mình hình ảnh của bạn nên quyết định đăng ký hiến đa tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy để đem lại hy vọng cho người không may mắn.
Dường như chưa yên tâm với quyết định của mình, Khương quyết định đạp xe ra Hà Nội, mang theo thông điệp hiến tạng cứu người và cũng là để hiến sống một phần gan và quả thận của mình. 38 ngày đạp xe, dù sút mất 5kg nhưng Khương vẫn vui vì sắp cán được đích mình đề ra.
Thêm cơ hội cho người bệnh
Cả nước hiện có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện nhiều kỹ thuật ghép mô, tạng phức tạp. Tuy nhiên, sau 23 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay Việt Nam mới thực hiện được gần 1.200 ca ghép thận, 48 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép tụy và trên 1.400 ca ghép giác mạc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, dù rất cố gắng nhưng hiện vẫn còn trên 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... đang mòn mỏi chờ ghép tạng và hơn 6.000 người mù đang chờ ghép giác mạc. Những bệnh nhân này đang hàng ngày, hàng giờ phải chiến đấu để giành giật sự sống nhưng rất ít người trong số họ có cơ may được ghép tạng vì số người hiến quá khan hiếm.
Điển hình như Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), mỗi năm có khoảng 1.000 ca chết não nhưng 5 năm qua chỉ có 26 trường hợp đồng ý hiến tặng mô tạng. Tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, từ khi thành lập (tháng 9/2013) cũng mới vận động được 500 người hiến tạng, trong đó chỉ có 13 người đăng ký hiến sống.
So với các nước trong khu vực, số người hiến tạng và được ghép tạng ở nước ta đều quá khiêm tốn. Nhưng do nguồn mô, tạng chỉ có thể lấy từ người tự nguyện hiến nên việc thay đổi nhận thức là vô cùng quan trọng.
Thời gian qua, hình ảnh bệnh nhân được cứu sống từ tạng của người chết não được chuyển bằng máy bay từ miền Nam ra cũng cho thấy người dân biết nhiều hơn đến ý nghĩa của việc làm này. Và việc làm của những chàng trai trẻ vượt hàng ngàn cây số để hiến tạng sống, hiến sau khi chết não cho thấy việc hiến mô tạng đã đến gần với người dân.