Hiến máu tình nguyện chiếm 84% đơn vị máu

Hiến máu tình nguyện chiếm 84% đơn vị máu
(GD&TĐ)- Sáng nay (30/3), Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tổ chức "Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác vận động hiến máu tình nguyện năm 2010 và triển khai nhiệm vụ năm 2011. 
Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu- Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, Tiến sĩ Trần Ngọc Tăng- Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành, đoàn thể, tổ chức  liên quan. 
 Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác vận động hiến máu tình nguyện năm 2010. Ảnh, gdtd.vn
 Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác vận động hiến máu tình nguyện năm 2010. Ảnh, gdtd.vn
Năm 2010, số máu tiếp nhận tăng hơn 12% so với năm 2009 với gần 570.000 đơn vị máu, trong đó có 84% là hiến máu tình nguyện. Ban chỉ đạo các cấp đã thực hiện thành công chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện trong dịp Tết, tổ chức Lễ hội Xuân hồng 2010, chiến dịch “Những giọt máu hồng” hè 2010... góp phần lớn đảm bảo nhu cầu máu. Năm 2010 cũng là năm đầu tiên cả nước không xảy ra tình trạng thiếu máu trong dịp Tết. 
Ghi nhận kết quả đạt được trong công tác vận động hiến máu tình nguyện 2010, ông Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương cho biết: Hai tỉnh thành sử dụng máu nhiều nhất là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Lượng máu đã sử dụng chiếm 68% lượng máu trên toàn quốc. 
Như vậy lượng hiến máu này chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và nơi đông dân cư tại 10 tỉnh thành, phố là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Bình Định, An Giang, Hải Phòng, Bình Phước. Như vậy với 10 tỉnh thành trên 64 tỉnh thành đã thu được  349.725 đơn vị máu, chiếm khoảng trên 52% lượng máu trên toàn quốc.
Hoa Hậu VN Đặng Thị Ngọc Hân, trò chuyện, động viên các SVTN hiến máu. Ảnh, gdtd.vn
 Hoa Hậu VN Đặng Thị Ngọc Hân, trò chuyện, động viên các SVTN hiến máu. Ảnh, gdtd.vn
Ước tính năm 2011 cả nước cần phải tiếp nhận từ 760.000 đến 800.000 đơn vị máu để đảm bảo nhu cầu tối thiểu của công tác khám chữa bệnh. Căn cứ lộ trình của “Chiến lược phát triển công tác vận động hiến máu tình nguyện giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn 2020” và kết quả vận động, tiếp nhận máu năm 2010 của toàn quốc, Ban chỉ đạo quốc gia đề ra chỉ tiêu vận động hiến máu tình nguyện năm 2011: nâng tổng số máu vận động và tiếp nhận lên 766.000 đơn vị với 85 đến 86% tỷ lệ người hiến máu tình nguyện, tỷ lệ dân số hiến máu là 0.8%. 
Theo đó, cần thiết phải tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả vận động của Ban chỉ đạo các cấp từ trung ương đến địa phương, tại các trường CĐ-ĐH phấn đấu có ít nhất 20% số CB-CC của cơ quan tham gia hiến máu tình nguyện. 
Về những giải pháp trong việc triển khai thực hiện mục tiêu trong công tác vận động hiến máu tình nguyện năm 2011, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Trung tâm máu chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: một trong những giải pháp rất quan trọng năm 2011 là tổ chức các điểm hiến máu và tôn vinh những người hiến máu, chúng ta phải thực sự đem lại sự hài lòng cho những người hiến máu. 
Chúng tôi xác định năm nay là năm trọng tâm để chúng ta thực sự  đem lại sự hài lòng cho người hiến máu thì mới hi vọng có nhiều người hiến máu và hiến máu nhắc lại. Giải pháp thứ hai là rà soát, tổ chức các điểm hiến máu, làm sao cho nó không quá lớn. Tổ chức điểm hiến máu với số lượng người hiến máu hợp lý, đảm bảo an toàn và tiện lợi cho người hiến máu, Bs. Thuận khẳng định.

Nhằm chia sẻ khó khăn với những người bệnh cần truyền máu, Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam thành lập “Ngân hàng máu điện tử Việt Nam” với mục tiêu cung cấp hơn 37 nghìn đơn vị máu vào năm 2012 và 160 nghìn đơn vị máu vào năm 2015 cho người bệnh. 

Ngân hàng máu điện tử Việt Nam (viết tắt là VEBB) sẽ ra mắt vào ngày 23/11/2011, là trung tâm dữ liệu về người hiến máu dự bị có kết nối với cổng thông tin điện tử cho phép người dùng truy cập internet bằng điện thoại di động hoặc máy vi tính bất cứ khi nào để mời gọi người hiến máu khi có người bệnh cần truyền máu.
Ngân hàng máu điện tử được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, hỗ trợ có hiệu quả khi người bệnh cần truyền máu trong khi ngân hàng máu không có đủ máu, chế phẩm máu dự trữ. Ngân hàng máu điện tử Việt Nam được thành lập nhằm hỗ trợ những người bệnh cần truyền máu trong tình trạng khả năng đáp ứng nhu cầu máu hiện nay của các cơ sở truyền máu ở nước ta chỉ đạt 39%, tình trạng thiếu máu xảy ra thường xuyên và đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng của hàng trăm ngàn người bệnh.
Tính riêng năm 2010, cả nước đã thu được 675.438 đơn vị máu, trong đó 84,2% từ người hiến máu tình nguyện. Tuy vậy, lượng máu trên cũng chỉ đáp ứng 39% nhu cầu, tỷ lệ dân số hiến máu chỉ đạt 0,78% (trong khi nhu cầu tối thiểu là 2% dân số hiến máu) nên tình trạng thiếu máu phục vụ cấp cứu, điều trị cho người bệnh vẫn xảy ra trầm trọng ở hầu hết các địa phương trên cả nước đặc biệt là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (nơi có nhiều người bệnh được chuyển về tuyến TƯ điều trị).
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Trung tâm Máu Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: “Hiệu quả lớn nhất là giải quyết các trường hợp cấp cứu mà không huy động được người nhà hoặc là những trường hợp người bệnh ở các tỉnh xa lên không thể huy động người nhà được. Trên thực tế là có rấtt nhiều người dân sẵn sàng hiến máu bất kì lúc nào khi có người bệnh cần chỉ là chúng ta không liên hệ được. Ngân hàng máu điện tự là cầu nối giữa người nhận máu và người hiến máu. Qua đó có thể giải quyết được nhiều hơn lượng máu cho người bệnh”.
VEBB cho phép khai thác sử dụng khi có người bệnh cần truyền máu theo các bước: 
Bước1: Người bệnh (hoặc người thân) liên lạc với nhân viên, cộng tác viên VEBB qua việc truy cập và liên hệ với cổng thông tin VEBB.
Bước 2: Nhân viên, cộng tác viên của VEBB liên hệ với người hiến máu dự bị bằng việc truy cập và Trung tâm dữ liệu người hiến máu dự bị qua cổng thông tin và điện thoại.
Bước 3: Người hiến máu đến các cơ sở Y tế để hiến máu cứu người bệnh theo sự hướng dẫn của nhân viên, cộng tác viên VEBB.
Bước 4: Cập nhật thông tin người hiến máu vào VEBB thông qua cổng thông tin điện tử và lưu giữ vào trung tâm dữ liệu người hiến máu (bước dành cho nhân viên, cộng tác viên VEBB).
Ngân hàng máu điện tử do Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam làm cơ quan chủ quản, trụ sở Trung tâm Máu chữ thập đỏ Việt Nam đặt tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội. 
Đinh Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ