Gõ cụm từ mỹ phẩm giá rẻ, Google cho hàng trăm nghìn kết quả với đủ loại sản phẩm cũng như thương hiệu, giá giảm 20% thậm chí đến 50%. Các sản phẩm này được quảng cáo với những hình ảnh bắt mắt, với lời cam kết hàng thật giá rẻ.
Ví dụ một bộ mỹ phẩm thương hiệu Hàn Quốc gồm 4 sản phẩm: son gió, chì kẻ mắt, masacra, phấn trang điểm, giá 139.000 đồng với quảng cáo là đã giảm 54%. Giá bán này chỉ bằng giá của một sản phẩm chính hãng.
Một bộ 7 mỹ phẩm một thương hiệu Nhật gồm phấn má hồng, phấn nền, kem nền, kẻ mắt nước, son môi, son dưỡng, mascara, giá chỉ 220.000 đồng, giảm đến 74%.
Trên thực tế nhiều mỹ phẩm giá bèo bán trên mạng được xác định là hàng giả, kém chất lượng. Một tập đoàn mỹ phẩm có tiếng của Mỹ tại Việt Nam thông báo có đến 14 trang web bán hàng giả các sản phẩm của mình, giá chỉ bằng 1/3-1/5 giá trị của hàng thật.
Nhà sản xuất chính hãng cảnh báo chất lượng sản phẩm bán trên mạng rất kém, thậm chí đã hết hạn sử dụng được mua từ các chợ bán hàng sỉ không rõ nguồn gốc với mức giá chỉ 15.000-20.000 đồng.
Một nhà sản xuất mỹ phẩm khác đã kiểm nghiệm 10 mẫu masacara ghi nhãn hàng của mình được mua trên mạng. Kết quả cho thấy, các sản phẩm này có các thành phần là hóa chất công nghiệp.
Ví dụ chất tạo độ sệt cho mascara được sử dụng từ nguyên liệu sản xuất dầu nhớt cho động cơ, chất ổn định thì dùng hợp chất công nghiệp polyolefin.
Mascara giả này có thành phần cấu tạo chủ yếu là Ethylene Ethyl Acrylate (EEA): là loại hợp chất được dùng để tạo nên độ cứng trong sản xuất công nghiệp. EEA được cảnh báo có nguy cơ gây ung thư ruột và trực tràng (nhóm 2B) đã được những người sản xuất mascara giả sử dụng để tạo độ dài cho mi.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, nhiều loại mỹ phẩm bán trôi nổi ở Việt Nam không đạt tiêu chuẩn, có loại làm trá hình, hết hạn…
Bên ngoài nhãn ghi thương hiệu mỹ phẩm có tiếng song bên trong chất lượng khác, thiếu tác dược, giảm bớt mùi, màu sắc, thêm chất khác…; tất cả đều làm ảnh hưởng đến chất lượng.
Hầu như tháng nào Trung tâm cũng tiếp nhận các nạn nhân bị dị ứng mỹ phẩm, có người là do tắm trắng, dùng thuốc nhuộm, masacra… Trong đó, có không ít người gặp tai nạn vì ham mỹ phẩm rẻ mua trên mạng.
Dị ứng mỹ phẩm không quá nặng có thể chỉ biểu hiện ngoài da, sẩn ngứa vùng bôi mỹ phẩm, viêm da dị ứng. Nặng hơn thì gây lở loét, thậm chí làn ra cả vùng vùng không bôi thành phản ứng toàn thân. "Nếu không điều trị dứt điểm, tình trạng dị ứng hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, có thể để lại sẹo, điều trị phức tạp khó khăn hơn”, chuyên gia khuyến cáo.
Theo ông, mỹ phẩm là sản phẩm đặc biệt, không phải thực phẩm chức năng, ảnh hưởng đến sắc đẹp, hình thức, da và trực tiếp cuộc sống. Mỹ phẩm cũng là một loại hóa chất, dị nguyên có thể gây dị ứng.
Chính hãng chất lượng cao cũng có thể gây dị ứng nhưng mỹ phẩm rởm, chất lượng kém thì còn gây dị ứng nhiều hơn, nặng nề hơn. Vì thế, người dùng cần cẩn thận chọn loại hợp lý và của các hãng có tên tuổi, nên đến trực tiếp các cửa hàng để mua được đảm bảo tốt chất lượng, có trách nhiệm của cửa hàng, người tư vấn… thay vì mua qua mạng.
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, mỹ phẩm được rao bán trên mạng rất đa dạng về chủng loại và xuất xứ. Bên cạnh các sản phẩm đã được cơ quản quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố thì cũng có nhiều sản phẩm được quảng cáo là “hàng xách tay”, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Mới đây Cục đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành tăng cường kiểm tra việc kinh doanh mỹ phẩm qua Internet nhằm phát hiện và xử lý kịp thời hoạt động trái phép, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Kết quả báo cáo về Cục trước ngày 15/4.